23/12/2024

Tướng Pháp: Nên cân nhắc dừng đàm phán COC nếu Trung Quốc không từ bỏ ‘đường lưỡi bò’

Tướng Pháp: Nên cân nhắc dừng đàm phán COC nếu Trung Quốc không từ bỏ ‘đường lưỡi bò’

Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, tướng hai sao Pháp Daniel Schaeffer đưa ra nhận định về âm mưu và động cơ của Trung Quốc khi liên tiếp có những hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông trong những tháng gần đây.
Công trình do Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam /// Mai Thanh Hải
Công trình do Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam  MAI THANH HẢI
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc Trung Quốc đơn phương thành lập hai quận trực thuộc cái gọi là thành phố Tam Sa, và tự ý đặt tên cho các thực thể trên Biển Đông?
Trung Quốc đơn giản lợi dụng tình trạng [cộng đồng quốc tế] gần như tê liệt do cuộc khủng hoảng virus Corona (đại dịch Covid-19) gây ra, buộc các nước phải tập trung trước hết cho việc tổ chức đối phó với dịch bệnh. Họ khai thác việc Mỹ tạm thời suy yếu do lực lượng hải quân tại Thái Bình Dương bị ảnh hưởng bởi virus Corona, khả năng tác chiến bị cắt giảm. Về khía cạnh này, có thể nói rằng, dù khủng hoảng không phải được tạo ra một cách cố ý, nó có đầy đủ dáng dấp của một cuộc chiến tranh sinh học. Thực tế, ngoài Mỹ thường xuyên lên tiếng, hiện nay các nhân tố khác, do thiếu khả năng hoặc gần như vậy, đã không thể quan tâm đúng mức tới chiến lược có tính chất tấn công của Trung Quốc hiện nay.
Ngày 20.3, Trung Quốc khánh thành hai trạm nghiên cứu trên các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép trên đá Chữ thập và đá Subi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 18.3, Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố thành lập hai đơn vị hành chính cấp quận trực thuộc cái gọi là thành phố Tam Sa trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trung Quốc cũng đơn phương thông báo đặt tên cho các thực thể trong khu vực. Trước đó, một tàu hải giám Trung Quốc đã dâm chìm tàu cá Việt Nam trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, một sự kiện bị nhiều nước, trong đó có Philippines và Mỹ, lên án quyết liệt.
Các hành động của Trung Quốc được thúc đẩy một cách có chủ ý và có phối hợp từ các cấp cao nhất thu hút sự chú ý của giới phân tích quốc tế. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành và Bắc Kinh hứng chịu sự chỉ trích từ nhiều nước về cách thức quản lý khủng hoảng trong giai đoạn đầu, cũng như nhiều vấn đề khác liên quan, cách hành xử của họ tại Biển Đông gây khó hiểu.

Với việc tổ chức lại “thành phố Tam Sa”, thành lập các cấp hành chính trực thuộc, Trung Quốc trao bớt quyền kiểm soát cho địa phương, giao cho các cấp thấp hơn một số thẩm quyền hành chính và có thể cả về quân sự và bán quân sự. Bắc Kinh hy vọng sẽ cải thiện đáng kể sự kiểm soát thực tế Biển Đông thông qua việc tăng thêm các cấp chịu trách nhiệm và trao thêm phương tiện cho lực lượng bảo vệ bờ biển và dân quân biển, đặt dưới sự quản lý của hai quận mới. Với một dây chuyền chỉ huy cắt ngắn, các lực lượng Trung Quốc sẽ có khả năng hành động nhanh hơn.

Xét trên bình diện luật pháp quốc tế, những bước đi này có hợp pháp hay không?
Không, không thể coi là hợp pháp được khi các tranh chấp lãnh thổ trên biển chưa được giải quyết trước Toà án Công lý quốc tế, cũng không được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên liên quan.
Việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đối với toàn bộ Biển Đông cũng bất hợp pháp. Điều này chính Toà trọng tài thường trực đã quyết định trong phán quyết ngày 12.7.2016 do Philippines khởi xướng kiện Trung Quốc.
Việt Nam và ASEAN cần phải làm gì để buộc Trung Quốc hành xử hợp pháp trong các tranh chấp trên Biển Đông? Liệu có hình thức hợp tác nào giữa các nước là nạn nhân của hành vi bạo lực của Trung Quốc, như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia, để đối phó với sự quấy rối của Trung Quốc ?
Không có cách nào buộc Trung Quốc hành động một cách hợp pháp, vì Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận từ bỏ lập trường của mình. Trong ASEAN, Bắc Kinh đã chia rẽ các nước có tham gia tranh chấp Biển Đông và các nước không liên quan như Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan. Philippines đã gác phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực sang một bên và tiếp tục làm suy yếu sự thống nhất trong ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Tương tự Brunei cũng vậy, vì Brunei đã ký thỏa thuận riêng rẽ với Trung Quốc thăm dò dầu khí; hành động này, mặc dù không nói ra, nhưng một cách gián tiếp chẳng khác gì Brunei đã ngầm thừa nhận một phần Vùng đặc quyền kinh tế của mình chồng lấn với vùng lưỡi bò thuộc về chủ quyền Trung Quốc. Do vậy, Brunei cũng làm suy yếu sự phản đối chung của các nước xung quanh đường lưỡi bò.
Để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc, cần phải liên tục tố cáo các hành động bất hợp pháp của họ, tạm ngừng các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông chừng nào Trung Quốc còn chưa chịu từ bỏ đường chín đoạn. Phải đưa Trung Quốc ra Tòa án Công lý quốc tế, có phương thức quyết định mới để đưa vấn đề Biển Đông vào tuyên bố của các hội nghị cấp cao ASEAN dựa theo đa số thay cho nguyên tắc đồng thuận. Nguyên tắc đồng thuận cho phép một số nước ngăn cản ASEAN tuyên bố những gì muốn nói.
Giàn khoan Hải Dương 8 của Trung Quốc gần đây kéo vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Giàn khoan này có thể sẽ hoạt động giống như năm ngoái, khi nó được đưa tới vùng biển xung quanh bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng lần này là quấy rối các hoạt động dầu khí của Malaysia. Ông có thể đưa ra dự báo tiếp theo hoạt động của giàn khoan này ?
Rất có thể tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 sẽ trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sau khi hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Malaysia. Theo tôi, Trung Quốc tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia để “trừng phạt” nước này ngày 12.12.2019 đã đệ trình lên Liên hợp quốc công hàm yêu cầu quyền chủ quyền với khu vực thềm lục địa kéo dài ngoài khơi bang Sabah. Bắc Kinh muốn thể hiện sự phản đối và cảnh báo rằng các vỉa dầu khí mà tàu Hải Dương 8 hoạt động trên đó  thuộc về Trung Quốc, căn cứ vào đường lưỡi bò.
5Mỹ đã phản ứng rất gay gắt mỗi khi Trung Quốc có thái độ bắt nạt các nước láng giềng trên Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam. Liệu việc Mỹ nhanh chóng lên tiếng có báo hiệu một sự thay đổi chính sách đối với Trung Quốc, hay đó chỉ là cách để khuyến khích các nước láng giềng có liên quan theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn hơn với Bắc Kinh ?
Có thể một trong hai hoặc cả hai khả năng nói trên. Tôi nghĩ có thể có khả năng thứ ba; hải quân Mỹ bị chôn chân trong các cảng và buộc phải cắt giảm sự hiện diện trên Biển Đông, Mỹ cố gắng bù đắp lại bằng cách lên tiếng mạnh mẽ và dùng các tuyên bố để buộc Trung Quốc phải chú ý.
Tướng Pháp: Nên cân nhắc dừng đàm phán COC nếu Trung Quốc không từ bỏ 'đường lưỡi bò' - ảnh 2
Tướng hai sao Daniel Schaeffer tốt nghiệp Trường võ bị Saint-Cyr của Pháp năm 1965. Ông trải qua nhiều cương vị liên quan đến hợp tác quân sự của Pháp trước khi được bổ nhiệm làm tuỳ viên quân sự Pháp tại Thái Lan năm 1986-1989. Năm 1991, ông sang Việt Nam khai trương phòng tuỳ viên quân sự đầu tiên của Pháp tại Việt Nam và công tác trong thời gian 4 năm, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc phòng hai nước. Sau đó, tướng Schaeffer tiếp tục làm tuỳ viên quân sự Pháp tại Trung Quốc nhiệm kỳ 1997 – 2000. Về nước rồi giải ngũ, tướng Schaeffer thành lập một văn phòng tư vấn chiến lược quốc tế dành cho doanh nghiệp và hoạt động trong hơn 10 năm (2001-2012). Ông tham gia nhóm nghiên cứu chiến lược Asie 21, một tổ chức tập hợp nhiều nhà nghiên cứu Pháp về châu Á, với tư cách chuyên gia cộng tác. Chủ đề của ông tập trung vào ba trục chính : tình hình châu Á-Thái Bình Dương dưới tham vọng của Trung Quốc, tác động từ cách thức giải thích luật biển quốc tế, sự phát triển của chính sách quân sự và dân sự của Trung Quốc ; những rủi ro đối với mối quan hệ đối tác Liên minh châu Âu-Trung Quốc.
NGỌC NHÀN
TNO