23/01/2025

Liều thuốc cho kinh tế toàn cầu thời đại dịch Covid-19

Liều thuốc cho kinh tế toàn cầu thời đại dịch Covid-19

Trong bài bình luận độc quyền cho Thanh Niên, doanh nhân Victor K.Fung (ảnh) đặt ra vấn đề và nêu lời giải cho bài toán giảm đau kinh tế toàn cầu trong và sau đại dịch.
Liều thuốc cho kinh tế toàn cầu thời đại dịch1
Đại dịch Covid-19 đã đưa thế giới đến một vùng nguy hiểm và khó lường mà ở đó không có quốc gia nào có thể thoát ra một cách vô sự. Hơn một nửa dân số toàn cầu vẫn đang sống trong cảnh phong tỏa, hạn chế đi lại hoặc giãn cách xã hội. Tất cả các nền kinh tế, dù giàu hay nghèo, đều đang gặp khó khăn, thậm chí rơi vào suy thoái và chỉ có thể hạn chế được tác động tiêu cực bằng việc cùng hợp tác với nhau.

Nhu cầu cùng hợp tác

Trung Quốc – nơi khởi phát của đại dịch – có thể là dẫn chứng cho thấy nhu cầu phải cùng hợp tác. Việc phong tỏa kéo dài đối với tỉnh Hồ Bắc suốt nhiều tháng, cùng với các quy định hạn chế đi lại nghiêm ngặt khắp nước này đã khiến lợi nhuận công nghiệp hằng năm trong tháng 1 và tháng 2 giảm gần 40%. Nhà máy bắt đầu mở cửa lại từ tháng 3 nhưng lại đối diện với việc các đơn hàng bị hủy, trì hoãn, giãn nợ khi các đối tác mua hàng bên ngoài Trung Quốc đang chật vật đối phó với tác động của đại dịch.
Vì vậy, ngay cả khi y tế công cộng đang được phục hồi, thì tốc độ hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc cũng phải phụ thuộc vào phần còn lại của thế giới. Cho dù mức độ liên kết nền kinh tế toàn cầu như thế nào, điều này cũng đúng với mọi quốc gia: ngay cả khi đại dịch được kiểm soát trong nước thì sự gián đoạn vẫn còn ở mọi nơi trên thế giới, và không loại trừ khả năng làn sóng bùng phát dịch bệnh trở lại sẽ cản trở quá trình phục hồi đó.
Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng có câu chuyện tương tự. Ngay trước thời kỳ đại dịch này, chuỗi cung ứng đã chịu tác động của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc suốt 2 năm. Giờ đây, chuỗi cung ứng còn phải đối diện hàng loạt vấn đề từ các điểm dừng sản xuất, sự gián đoạn vận chuyển đến xu hướng giảm mạnh nhu cầu trên phạm vi toàn cầu. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ước tính thương mại toàn cầu sẽ giảm tới 32% trong năm nay. Trong khi đó, tình trạng thất nghiệp đang tăng vọt ở nhiều nơi. Đơn cử tại Mỹ, chỉ trong vòng 6 tuần, đã có hơn 30 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp – mức kỷ lục ở nước này.
Liều thuốc cho kinh tế toàn cầu thời đại dịch
Đã đến lúc chúng ta phải nhận thấy rõ thế giới đã kết nối và phụ thuộc vào nhau. Dù một số người tỏ ra lạc quan nhưng không một quốc gia nào có thể tự mình chiến thắng khi cả thế giới đối diện với suy thoái kinh tế trầm trọng và thảm họa nhân đạo.

Cùng thắng hoặc cùng thua

Chỉ có cách duy nhất để giảm thiểu tác động của đại dịch là đoàn kết. Để bảo vệ người dân của mình, các chính phủ phải hợp tác nhằm phát triển các giải pháp có lợi cho tất cả mọi người. Đầu tiên là phải dỡ bỏ các loại thuế quan bảo hộ và rào cản thương mại khác, qua đó đảm bảo rằng các hàng hóa thiết yếu đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế, thực phẩm được chuyển đến bất cứ nơi nào đang cần. Không ai có thể an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn.
Đoàn kết cũng có nghĩa là bảo vệ công ăn việc làm, thu nhập và sinh kế. Điều này đòi hỏi các giải pháp thực tế để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ sống sót, hoạt động – một điểm mà Phòng Thương mại quốc tế (ICC) mới đây đã nhấn mạnh. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn cung cấp phần đáng kể công ăn việc làm ở hầu hết các nền kinh tế lớn, đồng thời cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng hằng ngày cho con người. Để đảm bảo sự khủng hoảng nói chung không gây thiệt hại lâu dài về cấu trúc, những doanh nghiệp này cần được bảo vệ và cần đủ lâu để họ trở lại kinh doanh bình thường.
Khi chúng ta vạch ra con đường thoát khỏi khủng hoảng Covid-19, chúng ta cũng nên nhắm đến việc tạo ra tương lai tốt đẹp hơn, không phải bằng sự cạnh tranh như cách một số quốc gia đang vũ khí hóa thương mại, mà cần được định hình nền tảng của sự thịnh vượng chung dựa trên hợp tác cùng có lợi. Khi chúng ta cùng hồi sinh chủ nghĩa đa phương, chúng ta cũng phải định hình lại nó theo cách nhìn nhận và phản ánh nhiều khía cạnh của sự phụ thuộc toàn cầu. Điều này có nghĩa, trước hết phải đảm bảo thương mại toàn cầu mở và bền, là phương tiện để tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo đều có thể tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Thương mại cũng củng cố hòa bình và ổn định toàn cầu, bằng cách cho mọi người được tham gia vào cùng một hệ thống của thế giới.
Thiết lập một hệ thống như vậy đòi hỏi nhiều hơn việc dỡ bỏ thuế quan. Chúng ta cũng cần loại bỏ các trở ngại hành chính và những biện pháp “sau biên giới” vốn gây khó khăn cho việc luân chuyển các sản phẩm tiêu dùng cơ bản, hàng hóa công nghiệp và đặc biệt là kỹ thuật. Các quốc gia phải nhận thức rõ chúng ta đều chiến thắng khi con người ở mọi nơi được tiếp cận các công cụ cần thiết để cải thiện chất lượng cuộc sống, phát triển ngành nghề và đổi mới. Nếu không, tất cả chúng ta đều sẽ thua.

“Thương mại nhân đạo”

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận tài chính thương mại, đặc biệt ở các nền kinh tế mới nổi. Tài chính, đầu tư và thương mại hiện không đủ để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thiếu vốn sẽ cản trở khả năng mở rộng hoặc đổi mới vào thời điểm tốt và khả năng tồn tại của doanh nghiệp trong thời kỳ khủng hoảng. Đó là lý do phải kêu gọi các ngân hàng đẩy mạnh hỗ trợ cho các công ty để giảm thiểu tác động xấu nhất do khủng hoảng Covid-19 gây ra và cho phép họ tiếp tục giao dịch dù bị thiếu hụt tài chính.
Tuy vậy, còn nhiều thứ phải thực hiện hơn nữa. Để đảm bảo sự phục hồi bền vững trong khủng hoảng lần này và triển vọng phát triển kinh tế toàn cầu toàn diện và kiên cường hơn trong dài hạn thì tài chính thương mại phải chiếm một vị trí cố định trong chương trình nghị sự toàn cầu.
Hồi sinh chủ nghĩa đa phương và đảm bảo thương mại mở là những mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được. Chúng không đòi hỏi luật lệ hay nguồn lực mới, chỉ yêu cầu nhiều sự cam kết và đoàn kết. Kết quả cuối cùng cho sự phát triển bền vững và công bằng sẽ rất to lớn. Giờ đây, khi khủng hoảng bao trùm toàn bộ thế giới thì tất cả chúng ta cũng cần nhận ra tầm quan trọng của “thương mại nhân đạo”.
(Ngọc Mai chuyển ngữ)
© Project Syndicate