24/12/2024

Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH 2020: Nhiều trường kêu khó tuyển sinh riêng

Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH 2020: Nhiều trường kêu khó tuyển sinh riêng

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến hiệu trưởng các trường ĐH góp ý dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2020. Quy chế năm nay sẽ có một số điều chỉnh phù hợp trước thực tế không còn kỳ thi THPT quốc gia.

 

Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH 2020: Nhiều trường kêu khó tuyển sinh riêng - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại TP.HCM – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Vụ Giáo dục ĐH – Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện quy chế tuyển sinh ĐH 2020 để ban hành trong tuần sau. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Vụ Giáo dục ĐH vừa gửi dự thảo quy chế này đến hiệu trưởng các trường lấy ý kiến góp ý đến trước ngày 3-5 để trình bộ trưởng xem xét quyết định.

Bộ GD-ĐT nên tạo điều kiện cho các ĐH hàng đầu như hai ĐH quốc gia tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng như đánh giá năng lực, khuyến khích nhiều trường ĐH khác sử dụng chung kết quả kỳ thi này để xét tuyển sẽ thuận lợi cho các trường và cả thí sinh, đồng thời đảm bảo chất lượng đầu vào.

TS Phan Hồng Hải (hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM)

Vẫn quy định “sàn” vào ngành y, sư phạm

Theo dự thảo quy chế, tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh các hình thức đào tạo trên trang thông tin điện tử của trường trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển (ĐKXT).

Việc điều chỉnh đề án tuyển sinh ĐH chính quy theo lịch do Bộ GD-ĐT quy định. Các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (có thể quy định sau khi có kết quả thi THPT), nhưng phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển và công bố trong đề án.

Riêng nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ ĐH và nhóm ngành đào tạo giáo viên do Bộ GD-ĐT quy định (căn cứ kết quả kỳ thi THPT). Nếu không sử dụng kết quả kỳ thi THPT, các trường lựa chọn việc thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Trường hợp xét tuyển từ điểm sơ tuyển, thi tuyển do trường tổ chức với điểm thi THPT và/hoặc kết quả học tập THPT thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phải thực hiện theo quy định.

Những quy định trong ĐKXT liên quan đến thí sinh vẫn không thay đổi. Mỗi thí sinh nếu ĐKXT vào nhiều trường/ngành, việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng; thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký…

Để xét tuyển đợt 1, thí sinh nộp phiếu ĐKXT cùng với hồ sơ đăng ký dự thi THPT theo quy định của sở GD-ĐT kèm lệ phí ĐKXT. Sau khi có kết quả thi THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT một lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại nơi đăng ký dự thi. Thí sinh phải xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển.

Theo TS Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), những quy định liên quan đến thí sinh trong dự thảo quy chế không thay đổi nhiều. Còn đối với các trường, dự thảo không còn các nội dung về tuyển sinh chương trình chất lượng cao.

“Kỳ thi THPT năm nay với mục đích chính xét tốt nghiệp. Nếu trường nào sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển vẫn sẽ được Bộ GD-ĐT hỗ trợ trong khâu xét tuyển như lọc ảo. Trong khi các trường đều có nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, hiện đã và đang tính toán điều chỉnh số chỉ tiêu từng phương thức phù hợp với thay đổi này.

Theo dự thảo, các trường được quyền không sử dụng kết quả thi THPT năm nay để xét tuyển. Thí sinh cần theo dõi và tìm hiểu thật kỹ thông tin đề án tuyển sinh cập nhật các trường công bố để biết rõ chỉ tiêu dành cho từng phương thức để ĐKXT phù hợp” – ông Hạ khuyên.

Siết chặt việc tự tổ chức thi tuyển

Điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo quy chế này là Bộ GD-ĐT nêu chi tiết nhiều nội dung đối với các trường tổ chức thi riêng để lấy kết quả xét tuyển, gồm thi các môn văn hóa, thi đánh giá năng lực, hình thức thi khác hoặc kết hợp một số hình thức thi phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu khắt khe và phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Bộ GD-ĐT.

Một số chuyên gia cho rằng việc dự thảo đưa ra “hàng rào” để “siết” là cần thiết trước thực tế thí sinh đang lo lắng sợ phải trải qua nhiều lần thi với nhiều hình thức tuyển sinh khác nhau, vì nhiều trường ĐH dự kiến tự tổ chức thi tuyển nhưng chưa công bố thi thế nào.

Dự thảo yêu cầu các trường tổ chức thi riêng phải có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đủ lớn để xây dựng đề thi cho việc tổ chức thi trong một lần thi; phải công bố đề thi mẫu/đề thi tham khảo trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký dự tuyển…

Liên quan đến quy định này, lãnh đạo nhiều trường cho rằng các trường muốn tự tổ chức thi riêng ngay trong năm nay không dễ. Đặc biệt, với các trường khối ngành y dược, mới đây đã họp bàn về phương thức tuyển sinh, trong đó nhiều trường dự kiến tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng, không dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 để xét tuyển.

“Thực lực của các trường y dược, đặc biệt là các trường tốp đầu hoàn toàn có thể tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, nhưng dự thảo quy chế tuyển sinh này rất khó để đáp ứng đầy đủ ngay trong năm nay” – PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, trưởng phòng đào tạo ĐH Y dược TP.HCM, nói.

Theo PGS.TS Hồ Thanh Phong – hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Bộ GD-ĐT cho biết đề thi THPT 2020 dự kiến sẽ dễ, giảm bớt nội dung và chỉ thiết kế cho xét tốt nghiệp. “Mặc nhiên xem phương án xét học bạ là chính. Lớp 12 năm nay học ít và bị động quá, tại sao quy chế yêu cầu chỉ giới hạn đề thi trong kiến thức lớp 12?” – ông Phong băn khoăn.

TS Trần Tiến Khoa – hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) – nhận định dự thảo quy chế này quá khó với các trường có tổ chức kỳ thi riêng. “Ví dụ yêu cầu về con người có bằng cấp đo lường đánh giá và quản lý giáo dục. Cán bộ ra đề thi phải qua lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ ra đề thi. Trong khi đó, cán bộ giảng dạy lâu năm có kinh nghiệm đã làm được rồi, không nhất thiết phải có chứng chỉ” – ông Khoa kiến nghị.

Tương tự, hiệu trưởng một trường ĐH ở TP.HCM cũng băn khoăn: “Hình như bộ muốn kiểm soát các trường quá mức, đặc biệt ở các trường có tổ chức kỳ thi riêng. Quy định chi tiết như vậy không thể có tự chủ được. Thầy cô đã có chứng chỉ sư phạm, kinh nghiệm giảng dạy thực tiễn nhiều năm, giờ phải học về nghiệp vụ ra đề nữa là không cần thiết”.

Công khai, minh bạch

Dự thảo quy chế nêu rõ: “Không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của nhà trường tổ chức luyện thi; đảm bảo công bằng (lấy kết quả từ cao xuống thấp), công khai, minh bạch trong tuyển sinh; không gây khó khăn, bức xúc đối với thí sinh và xã hội”.

Nhiều câu hỏi cần làm rõ

thi nang luc 2(read-only)

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2019 – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Bộ GD-ĐT cần nêu rõ cơ sở khoa học của các con số như: số cán bộ ra đề, cán bộ chấm thi, cán bộ phân tích đề. Liệu các con số này phải là số tuyệt đối 10, 5, 3… hay tùy thuộc vào quy mô kỳ thi? Thi tự luận ngân hàng câu hỏi được đánh giá thế nào; cần đáp án, thang điểm chi tiết; cần cán bộ chấm thi ra sao? Thi trắc nghiệm ngân hàng câu hỏi phải đáp ứng yêu cầu gì; câu hỏi có cần phải thử nghiệm, đánh giá độ phân biệt, độ giá trị; cần quy trình, phần mềm, máy chấm thi ra sao? Cần nêu rõ yêu cầu về đạt chứng chỉ chấm thi, ra đề thi theo quy định của bộ. Bộ đã có các chứng chỉ này chưa và đã tổ chức thi bao giờ chưa? Các chứng chỉ quốc tế có được công nhận? Khi ra đề thi THPT, bộ cần bảo đảm thực hiện theo quy định này, quá trình kiểm tra giám sát cần công khai, minh bạch…

TS NGUYỄN QUỐC CHÍNH

(giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM)

TRẦN HUỲNH
TTO