23/12/2024

Các con đang học hay ‘vỗ béo’ cho những kỳ thi?

Các con đang học hay ‘vỗ béo’ cho những kỳ thi?

Biết rằng con phải học theo hoàn cảnh, học cách thay đổi, học cách thích ứng… nhưng nhìn con nhấp nhổm, vừa học kiến thức vừa tập cách thích ứng với những cách thi mới, tôi xót xa, không biết con mình đang học hay ‘vỗ béo’ cho những kỳ thi?

 

Các con đang học hay vỗ béo cho những kỳ thi? - Ảnh 1.

Ngoài việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, nhà trường cần tạo niềm vui, hứng thú trong học tập. Trong ảnh: học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) trình diễn dự án liên môn văn, sử, địa với chủ đề Di sản – Ảnh: NHƯ HÙNG

Tôi từng nghe ai đó khuyên rằng đừng nên hỏi về ước mơ tương lai của trẻ nhỏ, bởi lớn lên nếu không thực hiện được như mơ ước sẽ khiến người trẻ cảm thấy mất niềm tin vào chính mình.

Vậy mà tôi vẫn thường xuyên hỏi hai con tôi (một đứa hiện đang học lớp 12 và một đứa lớp 8) về ước mơ của mình. Tôi hỏi không phải đè những áp lực, kỳ vọng lên vai các con, mà tôi muốn hiểu các con hơn để có được những định hướng đúng đắn.

Học không có gì vui

Ban đầu, khi nghe con trai lớn nói muốn học nghề, chỉ thích làm công nhân, tôi buồn và có chút gì đó thất vọng. Tôi cố giấu nỗi thất vọng ấy ở trong lòng để con không nhìn thấy. Con thộn mặt ra: “Con thấy học chẳng có gì vui”.

Rồi con giải thích: “Mẹ thường dạy con đi học là phải vui, sau này làm gì cũng được, không nhất thiết phải là bác sĩ, luật sư. Nhưng từ những năm cấp II đến giờ con chưa bao giờ thấy vui với chuyện học cả. Con đang học để thi là chính và con thấy chán ngán với những kỳ thi lắm rồi mẹ ạ”…

Đúng là con không có gì vui thật. Nhìn lại, ngày hai buổi đến trường, cuối tuần có hôm con đi học thêm, có hôm con được nghỉ. Nhưng những hôm được nghỉ, con muốn rủ bạn đến nhà chơi, đọc sách hoặc đến nhà bạn cũng khó bởi hầu như các bạn của con đều bận đi học thêm.

Con cũng như nhiều đứa trẻ khác chỉ biết học và thi, nói đúng hơn là học thế nào để thích ứng với những kỳ thi. Con học để tiếp cận với tri thức thì ít, học và ôn luyện để đạt điểm cao thì nhiều khiến tôi có đôi phần lăn tăn, suy nghĩ.

Tôi từng nghe không ít câu nói quen thuộc của phụ huynh: “Chỉ có học giỏi mới là con đường duy nhất thành công”, “Không học chỉ có nước ăn cám”, “Học để đổi đời”… Tôi muốn hỗ trợ con trong chuyện học, để con không cảm thấy sợ hãi với chuyện thi cử, nhưng liệu tôi có thể làm được gì?

Với lực học của con, không khó để con có thể vào được một trường đại học tốt nhưng nhìn lại, đúng là con đã quá mệt mỏi. Và việc ủng hộ con học nghề là những gì tôi có thể giúp con vào lúc này.

Bao năm rồi, dù hình thức thi cử đã có những thay đổi nhưng cách học hiện nay vẫn chỉ là cách truyền đạt một chiều. Học sinh thay vì được đặt ở vị trí trung tâm thì vẫn chỉ học đuổi, học để làm quen dần với cách thi mới.

Quay như chong chóng

Có lúc tôi nhận thấy con cứ học, ôn luyện, tiếp cận kiến thức giống một đứa trẻ được “vỗ béo” hơn là việc giúp hình thành những thói quen tốt. Thi thoảng tôi vẫn động viên con, lắng nghe con chia sẻ nỗi lòng của mình về chuyện học, chuyện thi hiện nay.

Tôi luôn khuyên con hãy xem chuyện học là cách chinh phục và khám phá chính mình, là tìm kiếm kiến thức để làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn. Thế nhưng con không hứng thú và không tìm được niềm vui trong học tập.

Thế hệ của con vẫn chưa thoát khỏi những áp lực và chuyện thi cử bao nhiêu năm qua vẫn chưa là việc nhẹ nhàng. Con làm sao vui được khi không được làm chủ mình trong chuyện học, chuyện thi? Bởi muốn thích ứng với hình thức thi cử mới cũng phải có thời gian, chứ không phải ngày một ngày hai.

Thời gian này, do nghỉ học lâu ngày nên các con cứ thắc thỏm, lo âu. Ngoài học trên tivi, học trực tuyến, các con cũng tự giác ôn bài ở nhà. Nhưng điều tôi nhận thấy khá rõ là con trai lớn của tôi rất căng thẳng với năm học cuối cấp. Thi thoảng con lại thở dài.

Con chờ mong hết dịch, con chờ mong đi học trở lại, con chờ mong những quyết định mới về hình thức và quy chế thi cử để con không bị “sốc”. Và tôi nhìn thấy sự sợ hãi trong đôi mắt con. Hằng ngày hằng giờ con đọc thông tin về quy chế thi cử trên báo Tuổi Trẻ, vừa ôn bài ở nhà vừa hoang mang với những nỗi lo không tên.

Những thay đổi về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay khiến con không khỏi hoang mang. Tôi không muốn con có những vết xước trong tâm hồn do giáo dục gây nên. Nhưng có lúc con cứ quay như chong chóng và không biết phải đi như thế nào cho đúng.

Tôi luôn mong các con được tự do sáng tạo, được làm những điều con muốn. Tôi mong con luôn hạnh phúc và mong kỳ thi cuối cấp không làm các con phải sợ hãi. Nhưng dù thế nào thì con vẫn phải đối mặt, luôn âu lo với những thay đổi mà không phải nói thích ứng là có thể thích ứng ngay được.

Biết rằng con phải tập cách học, cách sống, cách nghĩ theo thời cuộc, theo hoàn cảnh, phải học cách thay đổi, học cách thích ứng, không được sợ thay đổi, không sợ việc được là chính mình. Thế nhưng dường như con cứ nhấp nhổm, vừa học kiến thức vừa tập cách thích ứng với những cách thi mới, mà năm sau thường không giống năm trước. Tôi – một phụ huynh – sao có thể “bình chân như vại” đứng ngoài cuộc khi con âu lo và bị rối loạn cảm xúc vì học?

Vậy con tôi đang học để có kiến thức hay được “vỗ béo” để đáp ứng cho những kỳ thi?

Con út của tôi cũng từng hỏi: “Đi học để làm gì hả mẹ?”. Câu hỏi vô tư của con cũng không dễ trả lời. Tôi có thể nói với con rằng học là hành trình tìm kiếm tri thức, học để trưởng thành, học để thành người có ích, học để thành công… Nhưng tôi chỉ có thể gói gọn trong câu: “Học để được là chính mình, nên hãy học những gì con muốn”.

HÀN THỊ NGỌC LIÊN (Hà Nội)
TTO