22/12/2024

Doanh nghiệp đối mặt rủi ro kiện tụng do dịch COVID-19

Doanh nghiệp đối mặt rủi ro kiện tụng do dịch COVID-19

Dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp không chỉ đau đầu trong chiến lược kinh doanh mà còn đối mặt với nguy cơ kiện tụng do tranh chấp hợp đồng. Việc này không chỉ xảy ra trước mắt mà còn có thể kéo dài một thời gian sau dịch.

Doanh nghiệp đối mặt rủi ro kiện tụng do dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Các chuyên gia lưu ý doanh nghiệp nên xem xét lại các quy định trong hợp đồng để phòng các rủi ro có thể xảy ra trong tương lai – Ảnh minh họa một doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải – Ảnh: MOIT

Tại buổi tọa đàm “Những vấn đề pháp lý của doanh nghiệp nhìn từ đại dịch” do báo Saigontimes tổ chức ngày 1-5, ông Trần Thanh Tùng, Công ty Luật TNHH Global Vietnam Lawyers, cho hay thời gian qua nhiều khách hàng cho biết có nguy cơ gãy đổ hợp đồng khi bạn hàng Trung Quốc không giao được nguyên liệu, dẫn đến không có hàng để giao cho đối tác đã ký hợp đồng.

Thêm vào đó, việc áp dụng giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19 khiến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp bị xáo trộn nghiêm trọng.

“Trong tình huống này, doanh nghiệp nên xử lý thế nào, thương lượng giãn tiến độ hay ngắt hợp đồng, hay tìm nhà cung cấp mới, rủi ro ra sao? Doanh nghiệp có thể lấy lý do bất khả kháng để thương lượng tạm dừng hợp đồng được hay không?”, ông Trần Thanh Tùng đặt vấn đề.

Theo ông Tùng, để xem là bất khả kháng phải thỏa ba yếu tố là tác động khách quan, bất khả kháng và không thể khắc phục. Trong ba yếu tố này, chỉ tranh cãi vào yếu tố chứng minh không có khả năng khắc phục, doanh nghiệp phải chứng minh được để áp dụng điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng.

Luật sư Trần Võ Quốc Sơn cho rằng trong thực tế triển khai điều khoản này thì gặp vô vàn khó khăn. Để chứng minh được không thể thực hiện hợp đồng cũng phải là một nghệ thuật, trong đó cách thuyết phục đóng vai trò hết sức quan trọng.

Vậy trong trường hợp một bên đòi áp dụng điều khoản bất khả kháng theo hợp đồng đã giao kết nhưng bên kia không đồng ý thì nên xử lý ra sao, có nên kéo nhau ra tòa?

Theo các chuyên gia, nên bắt đầu giải quyết từ khía cạnh lợi ích của đôi bên hơn là bằng pháp lý. Quan trọng là cùng ngồi làm việc với nhau trên tinh thần chia sẻ lợi ích. Kéo nhau ra tòa chỉ nên là biện pháp cuối cùng khi biện pháp thương lượng không thực hiện được.

Song song đó, các chuyên gia cũng lưu ý rằng những tranh chấp phát sinh trong dịch bệnh vừa qua là dịp để các doanh nghiệp xem xét lại quy định về “trường hợp bất khả kháng” trong hợp đồng.

“Thông thường doanh nghiệp Việt Nam hay sao chép các hợp đồng mẫu nhưng cần chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, tư duy các tình huống để soạn thảo hợp đồng cho phù hợp thực tế.

Cơ sở pháp lý tốt là điều căn bản giúp cho doanh nghiệp hoạt động ổn định. Ngoài ra doanh nghiệp cần phải có tầm nhìn xa hơn nữa với chính sách mua sắm, lựa chọn đối tác, nhà cung cấp… để được chủ động hơn”, luật sư Trần Thanh Tùng gợi ý.

A.HỒNG
TTO