22/12/2024

Trung Quốc cản trở tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông?

Trung Quốc cản trở tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông?

Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) ngày 28-4 tuyên bố “trục xuất” tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Barry của Mỹ ở Biển Đông. Song Mỹ nói tàu hoạt động bảo đảm tự do hàng hải đúng luật.

 

Trung Quốc cản trở tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông? - Ảnh 1.

2 chiến hạm USS Bunker Hill và USS Barry trên Biển Đông ngày 18-4 – Ảnh: Hải quân Mỹ

Vụ “đụng độ” này đánh dấu một bước leo thang mới trong căng thẳng Mỹ – Trung. Trước đó hai nước liên tục ăn miếng trả miếng xung quanh việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc giấu thông tin về dịch COVID-19 khiến thế giới lao đao.

Trung Quốc nói “trục xuất” tàu Mỹ

Truyền thông Trung Quốc ngày 28-4 dẫn lời đại tá Li Huamin, người phát ngôn Bộ tư lệnh chiến khu Nam Bộ của PLA, tố cáo tàu USS Barry xâm phạm phi pháp vùng biển ngoài khơi “Tây Sa” ở Biển Đông mà “không có sự cho phép của Chính phủ Trung Quốc”. “Tây Sa” là cái tên Trung Quốc tự tiện gọi quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà nước này đang chiếm đóng phi pháp.

Theo lời ông Li, Trung Quốc đã tổ chức các lực lượng không quân và hải quân bám theo tàu USS Barry. Sau khi giám sát, nhận diện và cảnh báo, Trung Quốc đã “trục xuất” tàu khu trục Mỹ. Trung Quốc không nói rõ đã dùng tàu và máy bay gì, cũng không nói cụ thể vùng biển diễn ra màn tương tác với tàu Mỹ ở đâu.

Vụ việc một lần nữa phản ánh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ trong vấn đề Washington thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Lâu nay Mỹ cho rằng các hoạt động của tàu hải quân nước này là đúng luật quốc tế, nằm trong khuôn khổ các cuộc tuần tra bảo đảm tự do hàng hải (FONOPS). Ngược lại, Trung Quốc khẳng định hành động của Mỹ là “vi phạm chủ quyền”.

USS Barry đã tham gia các hoạt động cùng tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill gần nơi tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc áp sát tàu khoan Malaysia ở Biển Đông.

Trong khi chưa rõ vì sao Trung Quốc lần này phản đối ngay lập tức, tờ Hoàn Cầu Thời báo (Global Times) ngày 28-4 có ý nhấn mạnh tới tính biểu tượng của một cuộc “xua đuổi”. Tờ báo này dẫn lời một chuyên gia quân sự Trung Quốc không nêu tên nhìn nhận rằng Mỹ đang muốn thể hiện Lầu Năm Góc vẫn đủ năng lực quân sự, kể cả khi hải quân Mỹ chịu tác động nặng nề vì COVID-19. Vị này tuy vậy nói hành động của Mỹ chỉ càng cho thấy “nỗi sợ của chính họ trong việc mất sự hiện diện trong khu vực”.

Trước đó, một số chuyên gia đã tố cáo Trung Quốc lợi dụng việc các thủy thủ trên nhiều tàu chiến của Mỹ dương tính với virus corona, từ đó tranh thủ đẩy mạnh sự hiện diện ở Biển Đông. Hoàn Cầu Thời báo có vẻ không ngần ngại khẳng định Mỹ thực sự suy yếu.

Mỹ nói thực hiện đúng luật

Theo lời ông Li, đây là lần đầu tiên PLA đưa ra những tuyên bố chủ động và cũng là lần đầu tiên tuyên bố được đưa ra “cùng ngày” với sự kiện đuổi tàu Mỹ kể từ tháng 11-2018.

Phân tích này cho thấy Trung Quốc vừa qua dường như có ý nhấn mạnh tầm quan trọng và mức độ phản đối dành cho tàu Mỹ.

Theo TS Zachary Abuza – chuyên gia an ninh khu vực Đông Nam Á tại Học viện Chiến tranh quốc gia Mỹ, đây là một động thái bất thường và không rõ nó mang hàm ý gì. Theo quan sát của ông Abuza, thường Trung Quốc sẽ đợi một, hai ngày trước khi công bố chuyện phản đối tàu Mỹ, nên thông tin trên của ông Li có sự khác biệt.

“Tôi không chắc lời ông Li nói có nghĩa là gì. Trung Quốc luôn tuyên bố đã trục xuất một tàu hải quân Mỹ sau mỗi lần tàu Mỹ thực hiện FONOPs. Nhưng điều đó thật ngớ ngẩn. Tàu Mỹ không hề bị gây khó dễ, mà vẫn di chuyển qua một khu vực để thách thức các yêu sách chủ quyền quá mức”, TS Abuza nói với Tuổi Trẻ.

Nhận định này phù hợp với thông tin sau đó của hải quân Mỹ cho rằng tàu USS Barry đã di chuyển và tuần tra bình thường thay vì bị Trung Quốc “trục xuất”.

Cụ thể, một quan chức hải quân Mỹ xác nhận với trang tin của Học viện Hải quân Mỹ USNI News rằng tàu USS Barry có thực hiện một hoạt động FONOPs ở “vùng lân cận chuỗi đảo ngoài khơi Việt Nam”. Tuy nhiên hoạt động của USS Barry được tiến hành như kế hoạch, “không hề gặp bất kỳ hành động thiếu an toàn hay thiếu chuyên nghiệp từ tàu hay máy bay quân sự Trung Quốc”.

Gây hấn ở Biển Đông và đổ lỗi

Trong các phát biểu liên quan Biển Đông suốt thời gian này, Mỹ đã nhiều lần tố Trung Quốc lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để tăng cường áp đặt chủ quyền phi pháp. Trung Quốc ngược lại cũng đổ lỗi cho Mỹ.

Trong các phát biểu ngày 28-4, ông Li ngoài ra cũng truyền tải một thông điệp kêu gọi Mỹ thay vì hoạt động ở Biển Đông hãy tập trung phòng chống COVID-19: “Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ tập trung vào phòng chống dịch bệnh ở trong nước, đóng góp nhiều hơn cho cuộc chiến chống đại dịch của quốc tế và lập tức chấm dứt các hành động tổn hại an ninh, hòa bình và ổn định khu vực”.

Tuy nhiên chính Trung Quốc gần đây bị cộng đồng quốc tế lên án và chỉ trích vì đã triển khai hàng loạt hoạt động phi pháp và ngang ngược ở Biển Đông. Sau khi đâm chìm tàu cá Việt Nam, Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 quay lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và được cho đã kéo tới gần nơi tàu khoan của Công ty Malaysia Petronas. Sau đó Bắc Kinh còn chĩa súng rađa vào tàu Philippines.

2 chiến hạm Mỹ áp sát Hoàng Sa, Trường Sa

Trong hai thông báo trên Facebook ngày 29-4 (giờ Việt Nam), hạm đội 7 Hoa Kỳ cho biết tuần dương hạm có trang bị tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đang quá cảnh vùng biển gần quần đảo Trường Sa và khu trục hạm USS Barry đang hoạt động trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa.

Theo thông báo, cả hai chiến hạm này được triển khai trong hạm đội 7 để hỗ trợ các chiến dịch duy trì an ninh và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Thông tin về chiến dịch tại Trường Sa của tàu Bunker Hill chưa được xác nhận chính thức. Song theo một tài liệu ngoại giao rò rỉ mà Tuổi Trẻ tiếp cận được tối 28-4, Mỹ xác nhận tàu USS Bunker Hill (CG 52), một tàu chiến khác, đã thực hiện FONOPs tại Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Phía Mỹ cho rằng các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do trên biển, bao gồm tự do hàng hải và hàng không cũng như quyền đi lại vô hại của mọi loại tàu.

“Quan điểm của Mỹ ở Biển Đông không khác gì so với bất kỳ khu vực nào trên thế giới, nơi luật pháp quốc tế trên biển như được phản ánh trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 cung cấp quyền, tự do và một số mục đích hợp pháp nhất định trên biển của mọi quốc gia. Cộng đồng quốc tế có vai trò lâu dài trong việc giữ gìn sự tự do trên biển, vốn có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh, ổn định và thịnh vượng toàn cầu”, tài liệu này viết.

NHẬT ĐĂNG
TTO