23/12/2024

Dịch COVID-19 chiều 30-4: Việt Nam thêm ca khỏi bệnh, Anh thứ 2 châu Âu về tử vong

Dịch COVID-19 chiều 30-4: Việt Nam thêm ca khỏi bệnh, Anh thứ 2 châu Âu về tử vong

Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ sẽ sử dụng một giấy phép đặc biệt, cho phép sử dụng thuốc chống virus Remdesivir cho các bệnh nhân COVID-19 sau một số tín hiệu tích cực.

 

Dịch COVID-19 chiều 30-4: Việt Nam thêm ca khỏi bệnh, Anh thứ 2 châu Âu về tử vong - Ảnh 1.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Việt Nam không có ca nhiễm mới, thêm ca khỏi bệnh

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, đến 18h ngày 30-4 Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới. Trong ngày có 1 ca khỏi bệnh, tuy nhiên cũng có 1 ca dương tính trở lại sau khi khỏi bệnh.

Trường hợp khỏi bệnh là bệnh nhân 268 ở Đồng Văn, Hà Giang, còn trường hợp dương tính trở lại là bệnh nhân 92, du học sinh từ Pháp về, hiện đang được theo dõi tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, TP.HCM.

Từ 6h ngày 16-4 đến 18h ngày 30-4, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Như vậy đến thời điểm hiện tại, tổng số ca nhiễm ở Việt Nam vẫn là 270, trong đó 219 ca đã được điều trị khỏi.

Trong diễn biến liên quan, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về một số kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Trong đó, Thủ tướng đồng ý tạm dừng mua sắm thuốc điều trị cho tình huống 10.000 người nhiễm COVID-19. Các địa phương cần có cơ số dự phòng thuốc phục vụ điều trị phục vụ phòng, chống dịch; trường hợp khó khăn, báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ giao Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ động quyết định một số đơn vị chưa đủ năng lực xét nghiệm hoặc có quá nhiều mẫu cần xét nghiệm được đặt hàng các đơn vị y tế khác có đủ năng lực (cả công lập và tư nhân) để thực hiện việc xét nghiệm COVID-19 đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 30-4 ghi nhận thêm 268 ca tử vong, mức tăng thấp nhất trong gần 6 tuần qua. Con số này đã nâng số ca tử vong tại Tây Ban Nha lên 24.543. Trong khi đó, số ca nhiễm tại đây tăng từ 212.917 lên 213.435.

Số ca nhiễm của Hà Lan đã tăng 514 lên 39.316 trong ngày 30-4. Ngoài ra, 84 bệnh nhân mới qua đời đã nâng tổng số trường hợp tử vong tại Hà Lan lên 4.795, theo Viện Y tế Công (RIVM).

Tổng số ca tử vong tại Anh đứng thứ 2 châu Âu

Tổng số ca tử vong do viêm đường hô hấp COVID-19 tại Anh đã lên tới hơn 26.000 ca, biến quốc gia trở thành nước có số ca tử vong do đại địch đứng thứ 2 châu Âu và thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Ý.

Theo báo cáo của cơ quan y tế công cộng (PHE), Anh ghi nhận tổng cộng 26.097 ca tử vong do COVID-19 trên cả nước (tính đến 16h GMT ngày 28-4), vượt tổng số ca tử vong tại Pháp và Tây Ban Nha – cũng là 2 điểm nóng của dịch COVID-19 tại châu Âu.

Cho đến thời điểm hiện tại, Anh chỉ công bố số ca tử vong của các bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại các bệnh viện, do đó, có nhiều lo ngại số ca tử vong do COVID-19 trên thực tế ở Anh còn vượt quá con số trên.

Dịch COVID-19 chiều 30-4: Việt Nam thêm ca khỏi bệnh, Anh thứ 2 châu Âu về tử vong - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Thái Lan sẽ tăng số lượng xét nghiệm COVID-19

Cục Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) của Thái Lan sẽ tăng số lượng các xét nghiệm COVID-19 đối với những nhóm có nguy cơ, như nhân viên y tế, người nhập cư và những tù nhân mới, để phù hợp với các nỗ lực của Chính phủ nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Trong đó có việc nới lỏng một số biện pháp theo Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp vừa được gia hạn thêm một tháng tới 31-5.

CDC Thái hi vọng có thể thực hiện ít nhất 5.000 xét nghiệm trên 1 triệu dân vào tháng tới. Những địa phương được chú trọng xét nghiệm bao gồm thủ đô Bangkok, Samut Sakhon, và 3 tỉnh ở miền Nam Thái Lan.

Thái Lan ngày 30-4 xác nhận thêm 7 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nhưng không có thêm trường hợp tử vong nào. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp số lượng ca mắc COVID-19 mới ghi nhận theo ngày ở Thái Lan ở mức 1 con số. Cho tới nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 2.954 bệnh nhân COVID-19 trên toàn quốc, trong đó có 54 trường hợp tử vong.

Indonesia vượt mốc 10.000 người nhiễm 

Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Indonesia đã tăng lên 10.118 người sau khi có thêm 347 ca được ghi nhận trong ngày 30-4, đưa xứ vạn đảo thành quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á có số ca nhiễm vượt mốc 10.000.

Đại diện Bộ Y tế Indonesia cũng cho biết đã có thêm 8 người chết trong cùng thời gian, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 792 người. Số người được chữa khỏi là 1.552 người. Tính đến ngày 30-4 Indonesia đã xét nghiệm được hơn 72.300 người.

Quốc gia láng giềng Malaysia ngày 30-4 cũng ghi nhận 57 ca nhiễm và 2 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 6.002 người, bao gồm 102 ca tử vong.

Dịch COVID-19 chiều 30-4: Việt Nam thêm ca khỏi bệnh, Anh thứ 2 châu Âu về tử vong - Ảnh 3.

Các y tá chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 tại Mexico với những vết thương trên mặt sau khi tháo mặt nạ và đồ bảo hộ và giao ca cho người khác – Ảnh: REUTERS

Số ca nhiễm tại Nga vượt mốc 100.000

Nhà chức trách Nga ngày 30-4 cho biết tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này đã tăng lên 106.498 trường hợp sau khi có thêm 7.099 ca mới được ghi nhận trong vòng 24 giờ qua. Tổng số ca tử vong ở Nga là 1.073.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 8 nước có tổng số ca nhiễm trên 100.000 người gồm Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Anh, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Mỹ chuẩn bị cấp phép thuốc điều trị COVID-19

Theo đài CNN, hiện Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) chưa cấp phép cho bất kỳ loại thuốc nào là thuốc điều trị COVID-19. Remdesivir của công ty dược phẩm Gilead Sciences cũng nằm trong số này.

Tuy nhiên việc sử dụng Remdesivir cho các bệnh nhân COVID-19 nặng đã cho thấy kết quả tích cực dù loại thuốc này ban đầu được chế ra để điều trị cho các bệnh nhân Ebola.

Trong một tuyên bố ngày 29-4, Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) cho biết các bệnh nhân COVID-19 nhập viện với triệu chứng khó thở khi được sử dụng thuốc chống virus Remdesivir đã phục hồi nhanh hơn so với các bệnh nhân tương tự dùng placebo.

NIAID cũng công bố các số liệu sơ bộ trong một cuộc thử nghiệm quy mô lớn do Mỹ dẫn đầu cho thấy bệnh nhân được dùng Remdesivir đã phục hồi nhanh hơn 31% so với các bệnh nhân được dùng placebo.

Trên cơ sở đó, theo CNN, khả năng FDA sẽ cấp một giấy phép đặc biệt, cho phép sử dụng Remdesivir trong điều trị vì tình huống khẩn cấp trước khi tính đến chuyện chính thức cấp phép lưu hành.

Cùng lúc đó, trong thông báo được phát đi trên trang web của mình ngày 29-4, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2020 sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 31-8 năm nay.

Chỉ huy hạm đội, Đô đốc John Aquilino, nhấn mạnh RIMPAC 2020 là cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh hiện tại, theo ông Aquilino, việc vẫn tổ chức RIMPAC là điều rất có ý nghĩa, thể hiện quyết tâm của các nước đảm bảo tự do hàng hải tại các vùng biển quan trọng.

RIMPAC 2020 sẽ diễn ra ngoài khơi quần đảo Hawaii. Để bảo đảm an toàn cho các quân nhân trong mùa dịch, một số hoạt động giao lưu tập trung đông người đã bị lược bỏ.

Dịch COVID-19 chiều 30-4: Việt Nam thêm ca khỏi bệnh, Anh thứ 2 châu Âu về tử vong - Ảnh 4.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Ấn Độ bỏ kế hoạch sử dụng thuốc sốt rét phòng COVID-19 cho dân nghèo

Truyền thông Ấn Độ ngày 29-4 dẫn lời bác sĩ Daksha Shah – phó giám đốc sở y tế Mumbai – cho biết thành phố này sẽ bỏ kế hoạch sử dụng thuốc sốt rét như một biện pháp phòng sốt rét cho người dân tại các khu ổ chuột cho tới khi có hướng dẫn cụ thể từ Bộ y tế Ấn Độ.

Lý do là loại thuốc này chưa qua thử nghiệm lâm sàng trên quy mô lớn để chứng minh tính hiệu quả.

Hiện Mumbai có hơn 3.000 ca nhiễm virus corona và đang chật vật duy trì lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội tại các khu ổ chuột đông đúc của thành phố.

Năng lực xét nghiệm Đức tăng gấp đôi sau một tuần

Theo Viện Robert Koch (RKI), cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Đức, năng lực xét nghiệm của các phòng thí nghiệm ở nước này hiện đã lên tới con số gần 142.000 trường hợp mỗi ngày. Với năng lực này, Đức có thể xét nghiệm cho khoảng 864.000 người mỗi tuần, RKI khẳng định trong một thông cáo ngày 29-4.

Đây đều là các xét nghiệm PCR, không phải xét nghiệm nhanh thông thường. Con số này là rất ấn tượng bởi trong tuần trước Đức chỉ xét nghiệm được 467.137 trường hợp.

WHO lo ngại lây nhiễm cộng đồng tại Tây Phi

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo tình trạng lây nhiễm cộng đồng trên diện rộng tại các nước Tây Phi. Theo Reuters, khu vực Hạ Sahara tới nay có khoảng 23.800 ca nhiễm và hơn 900 trường hợp tử vong.

“Chúng tôi rất lo ngại về Tây Phi, nơi tình trạng lây nhiễm cộng đồng đang lan rộng tại nhiều quốc gia so với các khu vực khác”, bà Matshidiso Moeti, giám đốc WHO tại khu vực này cho biết.

Một số quốc gia Tây Phi như Ghân và Burkina Faso đã bắt đầu tháo dỡ các biện pháp phong tỏa vì lo ngại tình trạng tê liệt kéo dài sẽ đem lại ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế.

Bà Moeti cho rằng những quyết định đặt ra hay tháo dỡ lệnh cấm sẽ cực kỳ thách thức về chính trị, nhưng các chính phủ cần cân nhắc tuân theo số liệu.

“Khi một chính phủ quyết định phong tỏa một thành phố, họ cần xác định được rằng sẽ có hậu quả về sự lây lan của virus.

Chúng tôi hi vọng những quyết định như thế đã được cân nhắc một các tổng quan, cân bằng giữa việc phát triển kinh tế và chặn đứng đại dịch lây lan – điều có thể gây ra tác động lâu dài đối với nền kinh tế”, bà Moeti cảnh báo.

Dịch COVID-19 chiều 30-4: Việt Nam thêm ca khỏi bệnh, Anh thứ 2 châu Âu về tử vong - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

DUY LINH – LAN ANH – NGUYÊN HẠNH
TTO