24/12/2024

Tái khởi động, doanh nghiệp thiếu nhân lực

Tái khởi động, doanh nghiệp thiếu nhân lực

Các doanh nghiệp đã làm việc trở lại sau thời gian giãn cách xã hội với nhiều nỗi lo lẫn thay đổi để thích ứng với quá trình hoạt động mới trong mùa dịch Covid-19.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động lại sau giãn cách xã hội bị thiếu lao động	 /// Ảnh: Nguyên Nga
Nhiều doanh nghiệp hoạt động lại sau giãn cách xã hội bị thiếu lao động  ẢNH: NGUYÊN NGA

Sản xuất khó tuyển công nhân

Anh Phạm Oanh, quê ở Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế), là công nhân lâu năm trong ngành xây dựng cầu đường, đã gần chục năm rời quê theo đuổi các công trình ở phía nam. Có dự án anh phải “bám theo” thi công đến 3 năm mới về quê. Thường cứ ăn tết xong anh phải khăn gói vào nam làm việc tiếp để có tiền gửi về nuôi 3 đứa con đang học phổ thông. Nhưng năm nay, dịch Covid-19 ập đến khiến anh quyết định ở quê luôn và hiện đang thử việc tại công ty xi măng trong tỉnh. Cùng quê với anh Oanh, cô Phạm Kim Yến, thợ may hàng xuất khẩu cho công ty nước ngoài tại Bình Dương, cũng cho biết sau tết, gặp dịch Covid-19 lan rộng nên nghỉ gần hết tháng 2. Bước sang tháng 3 cô xin vào làm tại Công ty cổ phần Scavi chuyên may đồ lót xuất khẩu tại Thừa Thiên-Huế. Cô chia sẻ nếu vào Bình Dương thì lương cao hơn khoảng 1,6 triệu đồng nhưng đổi lại, sống xa nhà, tiền trọ, tiền ăn đều tốn hơn nên sau 4 năm “bỏ xứ làm ăn” cô vẫn không dư đồng nào. “Dịp này ở lại quê làm luôn nếu ổn định”, cô Yến dự tính.

Chúng tôi chọn cách tái hoạt động từ từ, không mở cửa đồng loạt vì quan trọng nhất lúc này là khởi động an toàn, đúng quy định trong tinh thần phòng chống dịch cao độ và phục vụ khách hàng tốt nhất

Đại diện chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Lotteria

Những trường hợp như trên đang diễn ra ngày càng nhiều. Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (Bình Dương), cho biết hiện các đơn hàng da giày xuất khẩu sang thị trường EU đã trở lại gần như bình thường nhưng các đơn hàng đi Mỹ dù đã hoàn thành vẫn đang nằm chờ trong kho và chưa biết khi nào mới xuất được. Đáng nói, lượng công nhân về quê ăn tết không quay lại làm việc vì dịch Covid-19 khá nhiều. Ước tính số công nhân bị thiếu hụt khoảng 15%, chỉ còn dưới 1.000 người so với số lao động thường xuyên tại đây. Công ty liên tục tuyển dụng nhưng cũng chưa đủ theo nhu cầu. Còn Công ty TNHH Pousung VN (H.Trảng Bom, Đồng Nai) phải hoãn lại kế hoạch tuyển dụng 10.000 lao động trong năm nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pousung VN, chia sẻ công ty đã xây dựng thêm nhà xưởng và lên kế hoạch tuyển thêm khoảng 10.000 công nhân trong năm 2020. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay chỉ mới tuyển được hơn 1.000 lao động và kế hoạch này đang tạm dừng vì dịch bệnh. Ngoài việc bổ sung thêm lao động khi có nhu cầu mở rộng sản xuất, Công ty Pousung hằng năm đều tuyển mới để bổ sung cho số người nhảy việc theo quy luật tự nhiên. “Lượng công nhân nghỉ việc để thay đổi chỗ làm, muốn tìm việc có lương cao hơn hay chỉ đơn giản là gần nhà cũng thường xuyên xảy ra. Đầu năm công ty luôn luôn có kế hoạch tuyển dụng lao động mới khi có đơn hàng gia tăng hoặc bù số nghỉ việc để đảm bảo số lao động sản xuất. Hiện công ty có gần 26.000 lao động và theo kế hoạch năm nay phải tuyển mới rất nhiều do mở rộng sản xuất. Thế nhưng việc tuyển người hiện rất khó”, ông Trường nói.
Tái khởi động, doanh nghiệp thiếu nhân lực  - ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp hoạt động lại sau giãn cách xã hội bị thiếu lao động  ẢNH: NGỌC THẮNG

Dịch vụ thiếu nhân lực

Sau thời gian chỉ bán hàng qua mạng, giao tận nơi hoặc mua mang về nhà, dịp cuối tuần qua, 173 tiệm trong tổng số 240 tiệm của hệ thống Lotteria trên toàn quốc đã hoạt động trở lại. Đại diện chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Lotteria cho biết đa số nhân viên quản lý đều làm toàn thời gian. Ngay thời gian cách ly toàn xã hội cửa hàng vẫn không nghỉ mà làm việc trực tuyến nên số nhân sự này không thay đổi. Riêng với nhân viên bán hàng, nhân viên giao nhận… làm bán thời gian đa số về quê chưa quay lên kịp TP nên có thiếu hụt nhân viên ở mảng này. “Chúng tôi chọn cách tái hoạt động từ từ, không mở cửa đồng loạt vì quan trọng nhất lúc này là khởi động an toàn, đúng quy định trong tinh thần phòng chống dịch cao độ và phục vụ khách hàng tốt nhất. May mắn và hơi bất ngờ là dịp cuối tuần vừa khởi động bán hàng ăn tại chỗ trở lại, doanh số tăng gấp đôi so với thời cao điểm, cách ly toàn xã hội, chỉ chuyên bán online hay qua điện thoại. Tất nhiên, doanh số này chỉ mới đạt 50% so với khi chưa có dịch Covid-19 nhưng đó cũng là niềm vui lớn lao cho doanh nghiệp kinh doanh ngành dịch vụ ăn uống trong mùa dịch này rồi. Đã gọi là khởi động, không thể quá vội vã được”, vị này nói.
Rất nhiều nhà hàng, quán ăn, các dịch vụ thương mại cũng phải giảm quy mô, thậm chí chưa thể tái khởi động vì thiếu hụt nhân lực dù khá sốt ruột sau thời gian đóng cửa. Chủ một nhà hàng quy mô lớn tại Q.1 (TP.HCM) cho biết, quá nửa trong số hơn 100 nhân viên của công ty ông là người ngoại tỉnh, thuê nhà làm việc ở TP. Khi nhà hàng nghỉ bán, họ trả nhà về quê vừa tránh dịch, vừa giảm chi phí khi mất thu nhập. Dù đã cho phòng nhân sự gọi điện nhưng đa số chưa muốn quay trở lại vì dịch chưa hết hẳn, thu nhập thấp không kham nổi chi phí tại TP. Một số thì nghỉ luôn bởi muốn thay đổi công việc vì sau dịch, họ thấy nghề này bấp bênh. “Đáng lẽ chúng tôi mở cửa ngay ngày đầu tiên nới lỏng lệnh cách ly nhưng tới giờ vẫn chưa thể, không có người phục vụ, bếp cũng không đủ… đành chờ tuyển thêm người mới tính tiếp được. Hy vọng tới lễ 30.4 – 1.5 sẽ tái khởi động”, vị này nói.

Thay đổi để thích nghi

Theo bà Trương Thị Thúy Liên, gần chục năm trước khi dự báo sẽ thiếu hụt về lao động phổ thông ở các TP lớn, Công ty Liên Phát cũng đã đi đầu tư sang những tỉnh thành khác để sử dụng nguồn lao động tại chỗ với chi phí thấp hơn. Nhưng sau một thời gian, công ty lại đóng cửa xí nghiệp ở các tỉnh do năng suất lao động tại địa phương quá thấp, quản lý không tập trung nên dẫn đến hoạt động không hiệu quả. Hiện công ty chọn giải pháp đưa ra ngoài gia công một số công đoạn khi có nhiều đơn hàng. Còn theo ông Lê Nhật Trường, Công ty Pousung cũng như nhiều doanh nghiệp khác đã từng bước đầu tư thiết bị công nghệ để giảm bớt lao động thủ công. Tuy nhiên với nhiều công đoạn phức tạp của nghề may hay da giày thì chưa đủ máy móc để thay thế được hoàn toàn con người. Chính vì vậy công ty vẫn phải tiếp tục kế hoạch tuyển dụng và đào tạo nhân sự hằng năm, đưa ra chính sách khuyến khích nhân viên công ty giới thiệu công nhân vào nhà máy làm việc như thưởng cho người giới thiệu lẫn thưởng thêm cho công nhân mới sau khi vào làm đủ tối thiểu từ 3 tháng trở lên…
Ông Trần Việt Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), cũng cho biết hiện một số công ty nội thất lớn như An Cường, AA, Woodsland… đã đưa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những thay đổi chưa từng có trong lịch sử với lĩnh vực sản xuất – kinh doanh đồ nội thất với xu hướng tự động hóa sản xuất. Tại VN, sự tương tác trực tiếp của các doanh nghiệp sản xuất nội thất với thị trường tiêu thụ còn rất ít, dẫn tới việc hạn chế trong đổi mới sản xuất, nghèo nàn về mẫu mã, chủng loại, nên thường bị động trước biến đổi của thị trường. Sau dịch Covid-19, sẽ có xu hướng nhiều doanh nghiệp tiếp bước con đường đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất và bán hàng để giảm áp lực thiếu nhân lực của ngành trong tương lai xa.
MAI PHƯƠNG – NGUYÊN NGA
TNO