24/12/2024

Doanh nghiệp Việt Nam lo mất cân đối dòng tiền cao nhất khu vực vì COVID-19

Doanh nghiệp Việt Nam lo mất cân đối dòng tiền cao nhất khu vực vì COVID-19

Mức độ tác động nặng nề của dịch COVID-19 lên người lao động, năng suất và đặc biệt là khó khăn của dòng tiền ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của doanh nghiệp Việt Nam cao hơn so với doanh nghiệp các nước trong khu vực.

 

Doanh nghiệp Việt Nam lo mất cân đối dòng tiền cao nhất khu vực vì COVID-19 - Ảnh 1.

Doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần được hỗ trợ để tái khởi động sau dịch – Ảnh: N.BÌNH

Theo một nghiên cứu toàn cầu của Hiệp hội Nghề nghiệp toàn cầu của các kế toán viên, kiểm toán viên và chuyên gia tài chính (ACCA), tác động nặng nề nhất với các doanh nghiệp Việt Nam cũng như khu vực là sự thiếu hụt dòng tiền, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của các doanh nghiệp trong mùa dịch COVID-19.

Theo đó, có đến 47% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ đang gặp khó khăn về dòng tiền, con số này cao hơn hẳn 37% của toàn cầu và 44% mặt bằng chung của doanh nghiệp khu vực ASEAN.

Các tổ chức dù ở quy mô lớn hay nhỏ, ở khu vực công hay tư, đều quan ngại về tác động của COVID-19 trên ba yếu tố: người lao động, năng suất và dòng tiền.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng là nhóm bị ảnh hưởng nặng nhất vì khách hàng dừng hoặc giảm mua hàng. Theo nhiều doanh nghiệp, việc đơn hàng doanh nghiệp Việt Nam bị mất nhiều một phần do doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu sản xuất gia công theo đơn đặt hàng mẫu, chưa sản xuất hàm lượng chất xám cao nên khi dịch xảy ra, đơn hàng bị cắt và không chuyển dịch kịp. Con số ảnh hưởng trong yếu tố này ở quy mô toàn cầu chỉ khoảng 28% và khu vực ASEAN là 38%.

Số doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng bị gián đoạn dẫn đến dừng hoặc giảm đơn hàng từ khách cũng cao nhất với 41%, con số này lần lượt 24% và 30% ở mức độ toàn cầu và ASEAN.

Theo ACCA, trong điều kiện nhiều nước công bố các gói hỗ trợ của chính phủ, hầu hết những người tham gia khảo sát đều trả lời còn quá sớm để khẳng định tính hiệu quả của các gói hỗ trợ này. 80% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết họ phải giảm đáng kể doanh thu và lợi nhuận hàng năm, 21% tổ chức đã ngừng tuyển dụng nhân viên.

Trước tình trạng các doanh nghiệp có nguy cơ mất dòng tiền cao, nhiều hiệp hội doanh nghiệp khác nhau đã đề xuất chính sách hỗ trợ, gói tài chính giúp các doanh nghiệp tiếp cận được vốn mới để tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh.

Mới đây, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) đã đề xuất lên chính phủ một chính sách tạo điều kiện và bảo lãnh tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng với giá trị 150.000 tỉ đồng, tương đương với khoảng 25% doanh thu năm 2019 của ngành du lịch.

Theo đề xuất này, các doanh nghiệp du lịch có nhu cầu vay vốn có thể đăng ký vay định kỳ cho 2 quý tiếp theo với số vốn tương đương khoản thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, cộng với số tiền doanh nghiệp đã đóng đảm bảo cho các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.  TAB tin rằng các doanh nghiệp sẽ có khả năng hoàn trả các khoản vay.

Tương tự, các doanh nghiệp trong Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cũng mong muốn được giảm gánh nặng thiếu hụt dòng tiền bằng chính sách giảm 100% hoặc ít nhất 50% các loại thuế, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất trong thời gian khoảng 6 tháng để có nguồn lực tái sản xuất.

Nghiên cứu của ACCA được hơn 10.000 chuyên gia tài chính trên toàn cầu hưởng ứng, trong đó có 1.513 chuyên gia, doanh nghiệp từ ASEAN và gần 300 từ Việt Nam để nắm được mức độ ảnh hưởng với hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của các DN và tổ chức từ quan điểm của doanh nghiệp.

N.BÌNH
TTO