19/11/2024

Ấn Độ sản xuất 60 triệu liều vắc xin Covid-19 sau thử nghiệm trên khỉ

Ấn Độ sản xuất 60 triệu liều vắc xin Covid-19 sau thử nghiệm trên khỉ

Ấn Độ sẽ sản xuất 60 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 trong năm nay và tăng lên 400 triệu liều vào năm tới nếu mọi việc suôn sẻ.
Cơ sở của Viện huyết thanh Ấn Độ tại thành phố Pune thuộc bang Maharashtra  /// Ảnh chụp màn hình Finacial Express
Cơ sở của Viện huyết thanh Ấn Độ tại thành phố Pune thuộc bang Maharashtra  ẢNH CHỤP MÀN HÌNH FINACIAL EXPRESS
Tờ South China Morning Post ngày 29.4 đưa tin Ấn Độ dự định sản xuất vắc xin Covid-19 trên quy mô lớn sau khi thử nghiệm trên động vật chứng minh được tính hiệu nghiệm.
Viện huyết thanh Ấn Độ (SII) – nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới – cho hay sẽ sản xuất đến 60 triệu liều vắc xin ChAdOx1 nCoV-19 trong năm nay. Vắc xin này được Đại học Oxford phát triển và đang thử nghiệm lâm sàng tại Anh.
Giải thích lý do sản xuất vắc xin quy mô lớn dù chỉ mới chứng minh được hiệu quả trên khỉ, tổng giám đốc SII Adar Poonawalla cho biết vắc xin đã thử nghiệm thành công trên động vật và có tiến triển trong quá trình thử nghiệm trên người.
Theo The New York Times, 6 con khỉ vàng được tiêm chủng vắc xin tại Phòng thí nghiệm Rocky Mountain thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ vào tháng trước. Sau đó, chúng được cho phơi nhiễm số lượng lớn virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây Covid-19.
Kết quả cho thấy tất cả đều khỏe mạnh sau 28 ngày, theo chuyên gia Vincent Munster tiến hành thí nghiệm.
Hãng Reuters dẫn lời ông Poonawalla cho biết nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford là những nhà khoa học rất giỏi. “Đây cũng là lý do chúng tôi nói sẽ tiến hành sản xuất và tự tin”, ông chia sẻ.
“Là công ty tư nhân không chịu trách nhiệm với các nhà đầu tư công hay ngân hàng, tôi có thể mạo hiểm một chút và bỏ qua một số sản phẩm, dự án thương mại khác mà cơ sở đã có kế hoạch sản xuất”, theo ông Poonawalla.

Hiện có khoảng 100 vắc xin đang được phát triển bởi các chuyên gia trên thế giới và ít nhất 5 vắc xin đang trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu trên người trong giai đoạn đầu của quy trình thử nghiệm lâm sàng.

Ông Poonawalla hy vọng thử nghiệm vắc xin của Đại học Oxford dự kiến kết thúc vào tháng 9 sẽ thành công. Tuần trước, các chuyên gia tại đây cho biết các thử nghiệm ban đầu không chỉ nhằm xác minh tính hiệu quả mà còn theo dõi khả năng kích thích phản ứng miễn nhiễm tốt và không có tác dụng phụ không chấp nhận được.
Được thành lập vào năm 1966 bởi cha của ông Poonawalla là Cyrus Poonawall, SII dự định sản xuất vắc xin mới tại 2 cơ sở ở thành phố Pune thuộc bang Maharashtra với mục tiêu sản xuất đến 400 triệu liều vào năm tới nếu mọi việc suôn sẻ.
“Phần lớn vắc xin, ít nhất là lúc đầu, sẽ được cấp cho người dân nước chúng tôi trước khi xuất ra nước ngoài”, tổng giám đốc Poonawalla nói và cho biết công ty sẽ để chính phủ Ấn Độ quyết định thời điểm, số lượng và quốc gia nào sẽ được nhập sản phẩm.
Ông cho biết giá dự kiến của vắc xin là 1.000 rupee (307.600)/liều, nhưng chính phủ các nước sẽ cung cấp miễn phí cho người dân. Bên cạnh đó, ông cho biết văn phòng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi liên quan “rất sát sao” với việc sản xuất vắc xin, đồng thời hy vọng chính phủ sẽ hỗ trợ chi phí sản xuất.
SII cũng hợp tác với các công ty Codagenix của Mỹ và Themis của Áo liên quan đến 2 vắc xin Covid-19 khác và dự định sẽ công bố đối tác thứ 4 trong vài tuần tới.
Tuần trước, SII đồng ý đầu tư khoảng 6 tỉ rupee vào 1 đơn vị sản xuất mới chuyên về vắc xin Covid-19.
KHÁNH AN
TNO