24/01/2025

Vấn nạn tham nhũng tăng ở nhiều nước trong dịch COVID-19

Vấn nạn tham nhũng tăng ở nhiều nước trong dịch COVID-19

Khi chính phủ các nước khẩn trương mua mọi thứ từ thực phẩm đến vật tư y tế, họ ưu tiên tiến độ hơn tính minh bạch, bỏ qua đấu thầu cạnh tranh và các biện pháp khác để theo kịp đại dịch, từ đó tạo sơ hở cho nạn tham nhũng.

 

Vấn nạn tham nhũng tăng ở nhiều nước trong dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Các binh sĩ mang theo các túi thực phẩm đi phát cho những người nghèo ở khu ổ chuột tại Bogota, Colombia trong thời gian cách ly theo lệnh của chính phủ ngày 23-4 – Ảnh: GETTY IMAGES

Các quốc gia trên thế giới đang tiêu tốn hàng nghìn tỉ USD vào cuộc chiến chống dịch COVID-19. Hầu hết chính phủ các nước không có sự lựa chọn. Với tốc độ lây lan của đại dịch, việc mua thực phẩm và vật tư y tế nhanh chóng là điều thiết yếu nếu không muốn hàng triệu người gặp rủi ro.

Tuy nhiên, hiện nay đang có mối quan tâm ngày càng tăng về việc tiền thuế của người dân có thể lọt vào túi của các quan chức tham nhũng, các nhà thầu thân hữu và nhiều tập đoàn tội phạm.

“Những vụ tham nhũng đang xảy ra, theo thời gian thực. Nhìn vào các lỗ hổng của các hệ thống và số tiền liên quan đến vấn nạn này, công bằng mà nói là chúng tôi cực kỳ lo ngại”, ông Max Heywood, làm việc cho Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), nói với báo Washington Post ngày 26-4.

Từ viện trợ lương thực

Viện trợ lương thực cho người lao động gặp khó khăn trong thời gian phong tỏa đang là một mục tiêu của nạn tham nhũng. Khi Chính phủ Bangladesh công bố kế hoạch phát gạo cho bộ phận người dân dễ bị tổn thương nhất trong tháng 4, gần 745.000 USD đã biến mất.

Khoảng 50 người, bao gồm cả các quan chức chính phủ và quan chức địa phương, đã bị buộc tội cố gắng bán lại gạo với giá cao hơn. Chính phủ Bangladesh đã phải kiểm tra lại toàn bộ kế hoạch phát gạo để loại bỏ những quan chức tiêu cực này.

Trong khi đó, Colombia đã tiến hành 14 vụ điều tra hình sự liên quan đến COVID-19. Quốc gia Nam Mỹ này là một trong nhiều nước trên thế giới đang chứng kiến sự gia tăng các cáo buộc tham nhũng trong mùa dịch.

Nhà lập pháp Ricardo Quintero cho biết ông đã cảm thấy không ổn khi chính quyền bang Cesar phải mua thực phẩm để viện trợ cho người dân từ những nhà cung cấp hàng hóa với giá cao. Sau đó, ông Quintero đã tìm hiểu và biết được giá các mặt hàng như cà phê, mì ống và các hàng hóa khác chỉ bằng nửa giá so với những nhà cung cấp trên.

Ông Fernando Carrillo, tổng thanh tra của Colombia, cho biết các cuộc điều tra, tiến hành tại 14 bang của nước này và liên quan đến virus corona, hầu hết đều dính đến việc kê giá, nâng giá quá cao.

Ví dụ ở bang Cesar, số tiền chính quyền phải bỏ ra để mua 250 gram cà phê là 2,81 USD, trong khi cửa hàng tạp hóa địa phương bán lẻ với giá chỉ 1,2 USD.

Vấn nạn tham nhũng tăng ở nhiều nước trong dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Các tình nguyện viên trao hàng viện trợ cho người dân tại Dhaka, Bangladesh vào ngày 23-4 – Ảnh: REUTERS

Đến vật tư y tế

Giá cao của các mặt hàng như khẩu trang hay máy thở có thể được giải thích một phần bởi kinh tế thị trường: khan hiếm khi nhu cầu đang cao sẽ đẩy giá lên cao, với thực tế là các hợp đồng mua trang thiết bị y tế thiết yếu chống dịch COVID-19 đã tăng vọt tại nhiều nước.

Tại Romania, nơi quy trình đấu thầu bình thường được tạm gác qua một bên để đẩy nhanh tiến độ mua hàng, các nhà chỉ trích đang cảnh báo chính phủ về các giao dịch cửa sau.

Romwine and Coffee SRL, một công ty nhỏ cách thủ đô Bucharest hơn 50km về phía nam, bán thuốc lá và rượu nhưng giành được 2 hợp đồng nhà nước trị giá 12,6 triệu USD để cung cấp khẩu trang y tế chuyên dụng với giá cao gấp đôi so với thị trường.

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang Mỹ đã trao một hợp đồng khẩu trang trị giá 55 triệu USD cho Công ty Panthera Worldwide có trụ sở tại bang Delaware và chưa từng có lịch sử sản xuất hay mua sắm thiết bị y tế, theo báo Washington Post.

Luật chống tham nhũng

Một số nước đang tìm cách giảm thiểu các kẽ hở dễ phát sinh tiêu cực này, ví dụ Argentina với Luật chống tham nhũng đang giúp chính quyền tại thủ đô Buenos Aires phải công khai các hợp đồng mua sắm công để người dân có thể tìm kiếm trực tuyến, thậm chí trong suốt cuộc khủng hoảng vì COVID-19.

Ít nhất hai hợp đồng đáng ngờ đã bị đưa ra ánh sáng, trong đó có một hợp đồng liên quan đến 15.000 chiếc khẩu trang được mua với giá 40 USD mỗi chiếc từ một công ty chỉ có 1.500 USD vốn lưu động.

Cái còn lại liên quan đến một hợp đồng sinh lợi cung cấp chỗ ở cho các bệnh nhân COVID-19 tại một khách sạn mà chị gái của Thị trưởng Buenos Aires đang có ghế trong hội đồng quản trị của khách sạn này.

Các sự việc xuất hiện trên mặt báo chí Argentina và dẫn đến việc hủy bỏ hợp đồng cùng sự từ chức của 2 quan chức thành phố.

ANH THƯ
TTO