24/01/2025

Dịch COVID-19 chiều 28-4: Việt Nam không có ca mới, WHO cảnh báo dịch vẫn nguy hiểm ở châu Âu

Dịch COVID-19 chiều 28-4: Việt Nam không có ca mới, WHO cảnh báo dịch vẫn nguy hiểm ở châu Âu

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi châu Âu tuân thủ quy trình phát hiện, cách ly, xét nghiệm và điều trị tất cả các bệnh nhân COVID-19 cũng như rà soát những trường hợp có tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm.

Dịch COVID-19 chiều 28-4: Việt Nam không có ca mới, WHO cảnh báo dịch vẫn nguy hiểm ở châu Âu - Ảnh 1.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Việt Nam tiếp tục không có ca nhiễm mới

Theo cập nhật lúc 18h ngày 28-4 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trong ngày Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 nào.

Tính từ 6h sáng ngày 16-4 đến nay, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca mắc đến nay vẫn là 270, trong đó 130 ca là từ nước ngoài.

Tổng số trường hợp được điều trị khỏi bệnh, ra viện là 222; còn lại 48 người đang điều trị, trong đó 7 ca đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 2 lần trở lên.

Số ca nhiễm ở Singapore cao hơn số liệu thực tế

Giới chức y tế Singapore cho biết số lượng công nhân nhập cư bị nhiễm virus corona có thể cao hơn số liệu chính thức.

Quốc đảo Đông Nam Á 5,7 triệu dân này đã có gần 15.000 ca nhiễm virus corona được ghi nhận, phần lớn là do bùng phát dịch trong các ký túc xá chật chội, vốn là nơi cư trú của hơn 300.000 công nhân đến từ Nam Á.

Dịch COVID-19 chiều 28-4: Việt Nam không có ca mới, WHO cảnh báo dịch vẫn nguy hiểm ở châu Âu - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Lo ngại số ca nhiễm ở Hà Lan cao hơn báo cáo

Ngày 28-4, Viện Sức khỏe Cộng đồng Hà Lan (RIVM) ghi nhận thêm 171 ca nhiễm virus corona và 48 ca tử vong. Hiện Hà Lan có 38.416 ca nhiễm và 48 ca tử vong.

RIVM cảnh báo họ chỉ báo cáo các trường hợp đã được xác nhận là nhiễm và số ca nhiễm tiềm ẩn trong thực tế có thể cao hơn.

Pháp tính nới lỏng phong tỏa

Hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết việc phong tỏa vì COVID-19 đã cứu sống 62.000 mạng người trong một tháng. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa cũng đồng nghĩa với nguy cơ sụp đổ nền kinh tế.

Phát biểu trước Quốc hội, thủ tướng Pháp cho biết đã đến lúc phải nới lỏng lệnh phong tỏa. Người dân Pháp sẽ phải học cách sống chung với virus và tự bảo vệ mình.

Thổ Nhĩ Kỳ viện trợ thiết bị y tế cho Mỹ

Thổ Nhĩ Kỳ vừa gửi một máy bay chở thiết bị y tế để hỗ trợ Mỹ chống dịch COVID-19, trong đó có 500.000 khẩu trang y tế, 4.000 đồ bảo hộ, 2.000 lít chất khử trùng, 1.500 kính bảo hộ, 400 khẩu trang N95 và 500 miếng che mặt.

Theo Guardian, Thổ Nhĩ Kỳ cũng gửi viện trợ y tế tương tự cho tổng cộng 55 quốc gia gồm Anh, Ý và Tây Ban Nha, nhằm cải thiện vị thế toàn cầu của mình với tư cách là nhà viện trợ nhân đạo trong thời kỳ khủng hoảng.

Số ca nhiễm virus corona mới trong ngày 28-4 ở Iran là 1.112 trường hợp, số ca tử vong mới là 71 trường hợp, Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ bộ Y tế nước này.

Tổng số ca nhiễm virus được xác nhận ở Iran là 92.584 trường hợp, trong đó có 5.877 trường hợp tử vong.

WHO cảnh báo châu Âu dịch bệnh vẫn đặc biệt nguy hiểm

Dịch COVID-19 chiều 28-4: Việt Nam không có ca mới, WHO cảnh báo dịch vẫn nguy hiểm ở châu Âu - Ảnh 3.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo dịch bệnh vẫn đặc biệt nguy hiểm ở Châu Âu – Ảnh: REUTERS

Trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang chuẩn bị từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế ứng phó với đại dịch COVID-19, WHO vừa lên tiếng cảnh báo dịch bệnh vẫn “đặc biệt nguy hiểm,” và nhấn mạnh châu lục này cần duy trì các biện pháp mạnh để kiểm soát dịch bệnh.

Trong tuyên bố ngày 27-4, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo những bằng chứng y học từ sớm cho thấy đa số người dân trên thế giới dễ bị nhiễm bệnh COVID-19 và điều này có nghĩa là dịch bệnh có thể dễ dàng tái bùng phát.

Tổ chức Y tế thế giới ngày 28-4 cũng cho biết cơ quan này sẽ đẩy mạnh các lô hàng xét nghiệm chẩn đoán và thiết bị bảo hộ đến trọng tâm mới là Mỹ Latinh, nơi dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng.

Hãng Reuters dẫn lời ông Paul Molinaro, trưởng bộ phận hỗ trợ và hậu cần của WHO, cho biết việc vận chuyển các lô hàng vắcxin toàn cầu đã bị gián đoạn trong tháng tư và nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra trong tháng năm, sẽ có những lỗ hổng trong tiêm chủng cũng như gián đoạn trong một số chuỗi cung ứng thực phẩm.

WHO dựa chính vào hệ thống vận tải hàng không quốc tế để vận chuyển thiết bị y tế. Do các hãng hàng không giảm hoặc ngừng hoạt động, tổ chức này cần tìm giải pháp cho khâu hậu cần.

Theo ông Molinaro, Panama sẽ là điểm đầu mối phân phối các thiết bị bảo hộ cá nhân và các nguồn bổ sung khác cho toàn vùng Nam Mỹ.

Áo ngừng các biện pháp hạn chế vào cuối tháng 4

Áo tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và sẽ ngừng các biện pháp giãn cách xã hội tập trung sẽ ngừng vào cuối tháng 4-2020. Bộ trưởng Y tế Áo ngày 28-4 thông báo các cuộc tụ họp tối đa 10 người được cho phép. Trước đó, Áo cấm tụ tập hơn 2 người.

Bang California chấn chỉnh thực thi lệnh hạn chế 

Bang California ở Mỹ sẽ tăng cường thực thi các biện pháp hạn chế về sức khỏe cộng đồng liên quan đến virus corona sau khi người dân tập trung đông tại các bãi biển gây ùn tắc vào cuối tuần qua.

Ngày 27-4, Thống đốc bang California Gavin Newsom cho rằng việc chính quyền các quận hạt Orange (quận Cam) và Ventura cho phép người ra biển trong khi các công viên vẫn đóng cửa đã dẫn tới tình trạng “kẹt bãi biển” trong kì nghỉ cuối tuần đẹp trời vừa qua.

Sự kiện này đe doạ những tiến bộ trong việc làm chậm tình trạng lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của tiểu bang và hậu quả là có thể làm chậm các quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế.

Sự việc cũng tạo thêm sức ép cho những nhà quản lý hành chính ở Mỹ khi một số ban đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế. Biện pháp phong tỏa ở California có hiệu lực đến ngày 3-5.

Singapore cân nhắc sửa Hiến pháp để Quốc hội có thể họp trực tuyến

Để bảo hoạt động liên tục của Quốc hội trong bối cảnh vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội để đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Singapore đang cân nhắc sửa đổi Hiến pháp để Quốc hội nước này có thể họp từ nhiều nơi, thay vì buộc phải tập trung tại một địa điểm như hiện nay.

Chủ nhiệm Văn phòng lãnh đạo Quốc hội Grace Fu sẽ trình dự luật sửa đổi này để Quốc hội xem xét vào tuần tới. Đạo luật sẽ giúp tăng cường khả năng hoạt động của Quốc hội trong những tình huống khẩn cấp.

Dự luật trên cũng đưa ra các biện pháp để bảo đảm tính liên tục trong các hoạt động của Quốc hội, theo đó trong trường hợp bất khả kháng, không an toàn hoặc không thiết thực, Quốc hội có thể sẽ họp từ nhiều nơi khác nhau. Hiện Hiến pháp Singapore quy định Quốc hội buộc phải họp từ một nơi duy nhất là nghị trường.

Trong trường hợp được Quốc hội thông qua, luật sẽ có thời hạn áp dụng trong 6 tháng. Khi hết hạn, đạo luật có thể được Quốc hội kích hoạt lại bất kỳ lúc nào nếu thấy cần thiết. Ngoài ra, Quốc hội cũng có thể ra nghị quyết vô hiệu hoá đạo luật này khi không còn cần thiết.

Động thái trên được coi là biện pháp hỗ trợ việc thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội trong và sau đại dịch COVID-19 tại Singapore. Hồi đầu tháng 4, Nội các Singapore cũng đã triển khai họp trực tuyến từ 2 nơi.

Đến thời điểm này, “đảo quốc Sư tử” đã ghi nhận 14.951 ca nhiễm, trong đó có 14 ca tử vong vì COVID-19.

Con số 528 ca nhiễm tăng thêm ngày 28-4 là số ca nhiễm mới ít nhất trong một ngày trong gần 2 tuần qua ở đảo quốc này, cho thấy các biện pháp cách ly, kiểm soát của Singapore đang có hiệu quả. Phần lớn số ca nhiễm mới vẫn thuộc nhóm công nhân nước ngoài sống trong các khu tập thể dành cho người lao động ở Singapore.

Theo báo Phil Star, bộ trưởng Y tế Philippines ngày 28-4 cho biết nước này có thêm 181 ca nhiễm virus corona chủng mới và 19 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus corona của Philippines là 7.958 trường hợp, trong đó có 530 trường hợp tử vong. Tổng số người hồi phục là 975 người.

Theo Hãng tin Reuters, ngày 28-4, Malaysia ghi nhận thêm 31 ca nhiễm virus corona mới và 1 ca tử vong mới. Tổng số ca nhiễm virus corona của Malaysia là 5.851 trường hợp, trong đó có 10 trường hợp tử vong.

Ngày 28-4, Bộ trưởng Y tế Indonesia Achmad Yurianto xác nhận nước này có thêm 415 ca nhiễm virus corona mới và 8 trường hợp tử vong. Tổng số ca nhiễm virus corona của Indonesia là 9.511 trường hợp, trong đó có 773 trường hợp tử vong. Tổng số người hồi phục là 1.254 người.

Dịch COVID-19 chiều 28-4: Việt Nam không có ca mới, WHO cảnh báo dịch vẫn nguy hiểm ở châu Âu - Ảnh 4.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Nga có số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong một ngày 

Theo Hãng tin Reuters, số ca nhiễm virus corona mới được ghi nhận ở Nga riêng trong ngày 28- 4 là 6.411 trường hợp. Đây là con số nhiễm mới kỷ lục trong một ngày ở nước này. Số ca tử vong trong 24 giờ qua là 72, cũng là ngày có nhiều ca tử vong nhiều nhất ở Nga do bệnh COVID-19 từ trước đến nay.

Theo trung tâm xử lý khủng hoảng của Nga, hiện tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới ở Nga là 93.558 trường hợp. Tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Nga là 867 trường hợp.

Một số trẻ em ở Anh chết vì hội chứng có thể có liên quan đến COVID-19 

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 28-4 cho biết có tình trạng một số trẻ em không có bất cứ bệnh lý nền nào ở Anh nhưng tử vong do một hội chứng viêm hiếm gặp có thể liên quan đến bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo Reuters, các chuyên gia y tế Anh và Ý đang điều tra về sự liên hệ có thể có giữa COVID-19 và các nhóm bệnh viêm nặng ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu bị sốt cao và sưng động mạch.

 Các bác sĩ ở miền bắc Ý, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới trong đại dịch COVID-19 đã báo cáo về một số lượng lớn các ca bệnh cực kỳ nghiêm trọng ở trẻ em dưới 9 tuổi, được cho là bị bệnh Kawasaki, vốn phổ biến hơn ở châu Á.

Bệnh Kawasaki là tình trạng sưng viêm của các mạch máu nhỏ và vừa trên toàn cơ thể, bao gồm cả động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim. Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ nhưng chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi.

Trả lời phỏng vấn Đài BBC, ông Hancock cảnh báo: “Đây là một bệnh mới mà chúng tôi cho rằng có thể do virus corona và bệnh COVID-19 gây ra. Chúng tôi không chắc chắn 100% vì một số trường hợp mắc bệnh này không có dương tính với virus corona. Chúng tôi đang nghiên cứu nhưng đây là một vấn đề đáng lo ngại”.

Dịch COVID-19 chiều 28-4: Việt Nam không có ca mới, WHO cảnh báo dịch vẫn nguy hiểm ở châu Âu - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

HỒNG VÂN – LAN ANH – MINH KHÔI
TTO