25/12/2024

Hàng quán ăn uống ở TP.HCM phải thế nào mới có thể hoạt động?

Hàng quán ăn uống ở TP.HCM phải thế nào mới có thể hoạt động?

Ngày 23-4, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM có văn bản hướng dẫn tiêu chí đánh giá an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống và phòng chống dịch COVID-19.

 

Hàng quán ăn uống ở TP.HCM phải thế nào mới có thể hoạt động? - Ảnh 1.

Quán ăn trên đường Nguyễn Văn Chiêm, quận 1 khi chưa có quyết định giãn cách xã hội- Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đây là cơ sở đánh giá để quyết định cơ sở kinh doanh ăn uống có đủ điều kiện hoạt động trong thời gian phòng chống dịch COVID-19 hay không.

Bộ tiêu chí gồm 10 thành phần tiêu chí đánh giá đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong thời gian dịch bệnh hiện nay cho đến khi chấm dứt giãn cách xã hội.

Cụ thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được hoạt động khi đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Tiêu chí 1: Hồ sơ nguồn gốc nguyên liệu có ghi chép theo dõi sổ tự kiểm thực 3 bước; có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm hoặc hợp đồng cung cấp thực phẩm.

Tiêu chí 2: Khu vực nhập hàng, kho bảo quản thực phẩm đảm bảo có thực hiện việc kê cao thực phẩm; có khu vực bảo quản thực phẩm; có dụng cụ bảo quản riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; có chế độ theo dõi nhiệt độ bảo quản phù hợp; có chế độ vệ sinh định kỳ đảm bảo sạch; có sắp xếp ngăn nắp, không bị côn trùng xâm nhập.

Tiêu chí 3: Khu vực sơ chế có đầy đủ trang thiết bị đảm bảo an toàn sơ chế, cống rãnh phải thông thoát nước, không bị ứ đọng và được che đậy; thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm được kê cao; có dụng cụ thu gom rác thải có nắp đậy; có dụng cụ sơ chế riêng đối với thực phẩm tươi sống.

Tiêu chí 4: Khu vực chế biến thực phẩm có trang bị phương tiện phòng chống côn trùng và động vật gây hại; có dụng cụ trang thiết bị chế biến đảm bảo vệ sinh và sử dụng riêng đối với thực phẩm đã qua chế biến, chế biến trên bàn cao cách mặt đất tối thiểu 60 cm; có phương tiện rửa tay cho nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm; có dụng cụ thu gom rác thải có nắp đây.

Tiêu chí 5: Khoảng cách giữa 2 người trên 1 mét và mật độ 1 người /diện tích 3 m hoặc chiều cao vách ngăn cố định cách ly giữa 2 người ăn là 1 mét trên bàn ăn trong khu vực phục vụ ăn uống.

Tiêu chí 6: Khu ăn uống thông thoáng, có nước rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; có dụng cụ làm khô tay hoặc khăn làm khô tay sử dụng 1 lần.

Tiêu chí 7: Bàn ghế phải sát khuẩn thường xuyên trước và sau khi sử dụng

Tiêu chí 8: Dụng cụ ăn uống có tủ bảo quản riêng, phải rửa ngay sau khi sử dụng, không được để trên bàn khi chưa phục vụ ăn uống

Tiêu chí 9: Người chế biến, người phục vụ, người vận chuyển phải được trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ lao động (nón, găng tay, khẩu trang, tạp dề …) và có đo nhiệt độ bằng nhiệt kế chuyên dụng.

Tiêu chí 10: Có đầy đủ nước rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn cho người chế biến, người ăn, người giao nhận thực phẩm.

Mỗi tiêu chí nói trên: nếu có thực hiện đầy đủ được 10 điểm, không thực hiện đầy đủ sẽ được 0 điểm.

Cách đánh giá tiêu chí an toàn: Chỉ số an toàn được tính bằng tổng số điểm của các tiêu chí chia cho 100.

Nếu chỉ số an toàn dưới 50%: cơ sở không được hoạt động – nếu cơ sở đạt chỉ số an toàn từ 50% đến 100% và các chỉ tiêu 5,9,10 điều đạt mới được hoạt động.

Bộ tiêu chí đánh giá nói trên được Ban Quản lý an toàn thực phẩm gửi đến Sở Y tế TP để tổng hợp trình UBND TP chuẩn bị xem xét ban hành đưa vào áp dụng tại TP.HCM theo tinh thần chỉ đạo trước đó của lãnh đạo TP.

MAI HƯƠNG
TTO