25/12/2024

Gạo sẽ thôi nằm tại cảng…

Gạo sẽ thôi nằm tại cảng…

Ngày 25-4, khác với không khí vắng vẻ trước đó, cảng Mỹ Thới (TP Long Xuyên, An Giang) – điểm tập kết gạo xuất khẩu tại ĐBSCL – đã nhộn nhịp trở lại, nhiều công nhân và đại diện chủ hàng tất bật kiểm tra hàng hóa để chuẩn bị rời cảng.

 

Gạo sẽ thôi nằm tại cảng... - Ảnh 1.

Trên cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang cũng diễn ra cảnh đóng gạo vào thùng container để xuất khẩu – Ảnh: BỬU ĐẤU

Từ 0h ngày 25-4 đến 30-4, theo thông báo của Tổng cục Hải quan (HQ), hệ thống HQ tự động tiếp nhận tờ khai đăng ký xuất khẩu những lô gạo đã đưa vào cảng biển và cửa khẩu quốc tế trước ngày 24-3 nhưng chưa đăng ký được tờ khai.

Trước đó, ngày 20-4, tại buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan về xuất khẩu gạo, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu tạm ứng trước hạn ngạch 100.000 tấn gạo từ hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 5-2020 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) có gạo tồn đọng tại cảng nhưng chưa mở được tờ khai HQ.

Vui nhưng chưa trọn vẹn

Ông Trần Hồ Hiền – giám đốc chi nhánh Công ty CP Lương thực Bình Định (Bidifood) – cho biết lô hàng 9.700 tấn gạo của doanh nghiệp này đang nằm trên 21 chiếc sà lan tại cảng Mỹ Thới từ ngày 23-3 đến nay đã được mở lại tờ khai mới. Doanh nghiệp đã làm xong thủ tục xuất khẩu đối với lô hàng này. Nếu suôn sẻ, lô hàng này sẽ “lên đường” xuất sang Philippines.

Theo ông Hiền, HQ chỉ ưu tiên cho các doanh nghiệp đã bị xóa tờ khai trên hệ thống và có hàng tập kết trước ngày 24-3 tại cảng nên Bidifood không gặp trở ngại. Tuy nhiên, do tàu Đức Đạt 666 đã bỏ đi trước đó vì chờ lâu quá nên doanh nghiệp này phải chờ thêm tàu khác quay lại mới vận chuyển đi được.

“Tôi cùng với các công nhân đang kiểm tra lại hàng hóa trước khi xuất khẩu, vì không biết gạo có bị hư hỏng không do để lâu quá trên tàu” – ông Hiền nói.

Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình – giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) – cho hay ngay trong buổi sáng 25-4, công ty của ông cũng đã mở được tờ khai HQ cho gần 50% lượng gạo đã ký hợp đồng trước đó, trong đó có cả gạo nếp nằm tại cảng.

“Do HQ thông báo công khai việc mở tờ khai điện tử nên lần này doanh nghiệp không bị động. Nhưng niềm vui chưa thật trọn vẹn bởi HQ chỉ cho xuất khối lượng hạn chế ngay cả với lượng hàng hóa nằm ở cảng từ trước 24-3. Chúng tôi kiến nghị cần cho mở xuất thêm vì Chính phủ cho xuất thêm đến 100.000 tấn, vẫn còn rất nhiều” – ông Bình đề xuất.

Sẽ tiếp tục “kêu cứu”…

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lâm Thế Giới – chi cục trưởng Chi cục HQ cửa khẩu cảng Mỹ Thới – cho rằng hạn ngạch 100.000 tấn gạo được xuất thêm lần này chỉ ưu tiên những lô hàng đã nằm tại cảng trước ngày 24-3. Trong đó, tại cảng Mỹ Thới chỉ có 3 doanh nghiệp (Bidifood, Công ty Trung An và Công ty CP thương mại dịch vụ gạo Thịnh) được đăng ký tờ khai HQ điện tử với tổng sản lượng gần 14.000 tấn gạo.

“HQ chỉ giải quyết đối với hàng hóa tập kết trước ngày 24-3 đến ngày 12-4, hàng đã tập kết tại cảng sau thời điểm này vẫn tiếp tục nằm chờ hạn ngạch xuất khẩu nên lượng gạo còn tồn lại tại cảng Mỹ Thới cũng còn rất nhiều” – ông Giới nói.

Một lãnh đạo Công ty TNHH Angimex-Kitoku (AKJ) cho biết doanh nghiệp này đang tồn đọng tại cảng Mỹ Thới 17 container chứa 350 tấn gạo xuất khẩu nhưng chưa được mở tờ khai HQ. Đây là lượng hàng đã được AKJ đưa vào cảng Mỹ Thới ngày 12-4 và cũng đã mở tờ khai trên hệ thống vào lần HQ cho mở tờ khai trước đây nhưng các tờ khai HQ đã bị xóa khỏi hệ thống và lượng hàng tại cảng cũng không được HQ thống kê.

“Toàn bộ lô hàng này là gạo Japonica được trồng theo diện bao tiêu xuất khẩu của doanh nghiệp với nông dân nhưng hiện nay chưa đi được khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng. Chúng tôi đã gửi hồ sơ đến các cơ quan chức năng tiếp tục cầu cứu vì gạo chúng tôi ở cảng khá lâu mà chưa đi được” – vị này nói.

Thông tin từ Tổng cục HQ cho biết tổng số lượng gạo sẽ được đăng ký tờ khai xuất khẩu từ 0h ngày 25-4 đến ngày 30-4 là 17.380 tấn của 14 doanh nghiệp. Đây là những lô gạo đã đưa vào cảng biển và cửa khẩu quốc tế trước ngày 24-3 nhưng chưa đăng ký được tờ khai. Trong đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ riêng cửa khẩu Mỹ Thới (An Giang) có 3 doanh nghiệp với số lượng gần 14.000 tấn.

H.T.DŨNG – B.ĐẤU
TTO