Chính sách phải khiến doanh nhân ‘ồ lên thán phục’
Chính sách phải khiến doanh nhân ‘ồ lên thán phục’
Để khôi phục kinh tế sau đại dịch, Nhà nước cần có những chính sách táo bạo, khiến doanh nhân phải ‘ồ lên thán phục’, tạo phấn chấn vượt khó khăn.
Tuổi Trẻ trao đổi cùng ông Đặng Hồng Anh – chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam – về nguyện vọng của doanh nhân. Ông nói:
– Có doanh nhân đã nhắn tin đến Hội Doanh nhân trẻ VN mong rằng chính sách do Nhà nước đưa ra lúc này phải khiến doanh nghiệp ngạc nhiên và ồ lên thán phục.
Doanh nhân này cũng gợi ý nhiều giải pháp, kể cả lập Ban chỉ đạo khôi phục kinh tế do Thủ tướng đứng đầu, có đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề có từ 5.000 hội viên trở lên tham gia.
Mong muốn này là hợp lý. Dù nguồn lực hạn hẹp nhưng đến nay chúng ta đã bảo vệ an toàn sức khỏe của hơn 90 triệu dân trước đại dịch.
Vậy trong khôi phục kinh tế, cũng cần những cú hích để mọi doanh nhân bung ra làm ăn như chiếc lò xo nén, được vậy cuộc sống người dân mới sớm ra khỏi khó khăn.
“Nếu có sự hỗ trợ mạnh hơn từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất có thể giảm thêm, không chỉ trong gói 300.000 tỉ. Gói đó phải là hàng triệu tỉ đồng. Ngân hàng không hạ chuẩn cho vay nhưng phải giảm lãi suất, mức giảm phải khiến người vay “ồ” lên vì không còn bị áp lực lãi suất cao.
Ông Đặng Hồng Anh
Ngân hàng cũng cần được tiếp sức
* Ngay khi dịch bùng nổ, các bộ ngành đã có những gói hỗ trợ cho nhiều đối tượng với ước tính 10% GDP, khoảng 600.000 tỉ đồng, vậy vẫn chưa đủ?
– Điều quan trọng là các gói hỗ trợ đó lan tỏa, thẩm thấu đến đâu, có kịp thời, đúng lúc. Như gói 62.000 tỉ an sinh xã hội trao tiền cho người mất việc, mất thu nhập, do việc lập danh sách kéo dài nên tiền chậm đến tay người dân.
Tương tự, các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn, thuế, tiền thuê đất vẫn có kêu ca, than phiền. Không nên kéo dài tình trạng này, bởi như thế chính sách gỡ khó chưa tạo ra được tiếng ồ như cộng đồng doanh nghiệp mong muốn.
* Kêu nhiều là gói tín dụng, nhưng ngân hàng có nguyên tắc không hạ chuẩn cho vay vì họ cũng là doanh nghiệp nên phải tính toán lời lỗ?…
– Đấy là khúc mắc phải sớm được tháo gỡ. Doanh nghiệp khó, cần ngân hàng hỗ trợ. Nhưng ngân hàng dựa vào ai để giúp doanh nghiệp, khi họ cũng đi vay để cho vay và chịu áp lực trước cổ đông phải kinh doanh có lãi?
Giám đốc chi nhánh ngân hàng phải hoàn thành chỉ tiêu cấp trên giao, nếu giảm lãi nhiều cho doanh nghiệp dẫn đến không hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận, xem như không hoàn thành nhiệm vụ.
Trong khi đó, doanh nghiệp lại quá kỳ vọng vào gỡ khó từ ngân hàng. Một bên đặt kỳ vọng cao, một bên phải cân nhắc thiệt hơn, vì thế chủ trương giảm lãi, giãn nợ chưa thể phủ khắp mọi doanh nghiệp.
* Gỡ nút thắt, theo ông bắt đầu từ đâu?
– Ngân hàng khó đáp ứng được tất cả yêu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong giai đoạn hồi phục kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách tiếp sức hiệu quả để các ngân hàng có thể yên tâm, mạnh tay hơn hỗ trợ cho khách vay.
Tiếp sức cách nào? Kinh nghiệm nhiều nước đã làm và chuyên gia kinh tế đề cập đó là cần sử dụng linh hoạt hơn công cụ lãi suất, đặc biệt là tỉ lệ dự trữ bắt buộc, để giúp ngân hàng có nguồn vốn rẻ để giảm lãi vay nhiều hơn.
Tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước có lý do để chưa giảm dự trữ bắt buộc vì lo lạm phát. Nhưng thực tế lạm phát hiện nay chủ yếu do giá cả tăng, không hẳn do yếu tố tiền tệ. Chưa giảm dự trữ bắt buộc, ngân hàng khó có nhiều vốn rẻ để cho vay.
Khơi thông vốn tư nhân
* Chính phủ đang thúc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tạo việc làm, tiêu thụ hàng hóa, ngăn đà suy giảm kinh tế. Nhưng cũng có thực tế là nhiều dự án của tư nhân lại không thể triển khai?
– Chính phủ quyết liệt để xài hết 700.000 tỉ đồng vốn công đã có sẵn. Thậm chí, Chính phủ còn chuyển các dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía đông từ vốn tư nhân sang đầu tư công.
Vậy tại sao chúng ta không khơi thông vốn tư nhân trong các lĩnh vực khác. Cần tạo ra “song kiếm hợp bích” giữa vốn công và vốn tư để tạo sức bật cho nền kinh tế.
Tại TP.HCM, hiện có 130 dự án bất động sản đang bị đóng băng vì một số thủ tục “nhỏ lẻ”. Giả sử mỗi dự án vốn 1.000 tỉ, chúng ta sẽ có thêm 130.000 tỉ đồng được đưa vào triển khai.
Công trình xây dựng hoạt động sẽ giúp hơn 20 ngành sản xuất khác hoạt động, tạo ra được bao nhiêu việc làm.
Vừa rồi Hà Nội đã đề xuất một số giải pháp đặc thù để triển khai các dự án. Nếu TP.HCM cũng được thực hiện cơ chế này, sẽ có rất nhiều dự án vốn tư nhân khởi động lại.
Vốn công và tư cùng chuyển động mới tạo ra phấn chấn về kinh tế. Tạo thông thoáng về thủ tục cho tư nhân làm, gánh nặng trên vai Nhà nước mới nhẹ đi.
* Tức là chúng ta cần có những “thủ tục rút gọn”, nhưng rút gọn quá cũng lo sẽ có thất thoát…?
– Tình thế khó mới cần rút gọn nhưng phải có nguyên tắc, dự án nào được rút gọn, rút gọn để chạy nhanh nhưng không rơi rớt. Như dùng vốn công để sửa đường băng sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, đúng trình tự thủ tục để đấu thầu, cuối năm nay mới khởi công.
Còn giao hoặc chỉ định thầu, tháng 6 này khởi công. Sân bay đang mùa thấp điểm, khởi công sớm có lợi hơn là chờ đến cuối năm, thật bất cập khi sân bay nhộn nhịp lại đổ ra sửa đường băng.
Từ ví dụ này cho thấy tính khẩn cấp của việc hồi phục kinh tế cần những giải pháp táo bạo, linh hoạt.
Gói 300.000 tỉ đồng có lớn?
Ngân hàng đã cố gắng đưa ra gói tín dụng 300.000 tỉ đồng với lãi suất thấp hơn 2%. Có lãnh đạo ngân hàng thương mại nhà nước cho biết họ phải giảm lợi nhuận cả ngàn tỉ.
Nhưng gói 300.000 tỉ nếu so với tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế đầu năm 2020 là hơn 8 triệu tỉ đồng, dự kiến cuối năm 2020 phải tăng lên gần 9,2 triệu tỉ, thì gói lãi suất thấp chỉ chiếm 3,25%, vậy ai ăn ai đừng?! Doanh nghiệp kêu là vì thế.
Hơn nữa, hiện nhiều doanh nghiệp đã trả nợ vay, vốn đang nằm nhiều ở ngân hàng. Vốn thừa, lãi suất phải giảm, vì thế mức giảm 2% trong gói 300.000 tỉ mà ngân hàng đưa ra không còn hấp dẫn.
Dứt khoát ngân hàng không hạ chuẩn cho vay nhưng phải giảm lãi suất, mức giảm phải khiến người vay “ồ” lên vì không còn bị áp lực lãi suất cao.
Cần có cơ chế giám sát triển khai gói hỗ trợ
Có bộ ngành yêu cầu địa phương lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp về triển khai gói hỗ trợ.
Tuy nhiên doanh nghiệp do còn làm ăn lâu dài, rất ngại kể chuyện khó với cấp trên của “đương sự” nên đường dây nóng trong ngành này khó hiệu quả. Nhưng doanh nghiệp sẵn lòng dốc tâm sự khó khăn cho hội, hiệp hội hoặc lãnh đạo cao hơn.
Nhiều doanh nhân đề xuất nên giao việc tiếp nhận phản ánh khó tiếp cận các gói hỗ trợ cho Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ để chuyển đến cơ quan liên quan giải quyết và giám sát kết quả. Việc này rất quan trọng, có thể quyết định hiệu quả của các gói hỗ trợ.