Dịch COVID-19 chiều 25-4: Việt Nam 0 ca nhiễm mới, Mỹ 925.000 người nhiễm
Dịch COVID-19 chiều 25-4: Việt Nam 0 ca nhiễm mới, Mỹ 925.000 người nhiễm
Việt Nam chiều nay không ghi nhận ca nhiễm mới. Trên toàn cầu có hơn 800.000 ca bệnh COVID-19 hồi phục, trong đó có một số nơi mà tất cả ca nhiễm đã khỏi bệnh. Campuchia chỉ còn 5 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị.
* Bản tin cập nhật lúc 18h ngày 25-4
Việt Nam không có ca nhiễm mới
Theo cập nhật lúc 18h ngày 25-4 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính từ 6h-18h ngày 25-4 Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới. Tổng số ca bệnh cả nước vẫn là 270 ca, trong đó 225 ca đã khỏi.
Hiện còn 45 trường hợp, trong đó có 5 ca tái dương tính, đang điều trị tại 6 cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước.
Hà Lan tăng thêm 655 ca nhiễm
Reuters dẫn số liệu từ Viện Sức khỏe Cộng đồng (RIVM) Hà Lan cho hay nước này vừa ghi nhận thêm 655 ca nhiễm virus corona và 120 ca tử vong.
Hà Lan đang có 4.409 người chết vì virus corona và 37.190 người nhiễm. Con số thực tế có khả năng cao hơn vì không phải tất cả các trường hợp nghi nhiễm đều được xét nghiệm.
Tây Ban Nha tăng gần 4.000 ca nhiễm
Hãng tin Reuters dẫn lời báo Tây Ban Nha El Pais và El Mundo cho hay số người chết vì virus corona ở nước này đã tăng thêm 378 ca, con số thấp nhất được ghi nhận trong 3 tháng qua.
Nhưng tổng số ca nhiễm vẫn tăng tới 3.995 ca, lên tổng số 223.759.
Bộ Y tế Tây Ban Nha chưa xác nhận số liệu này với Reuters.
Nga tăng thêm gần 6.000 ca nhiễm trong 24 giờ
Số ca nhiễm virus corona ở Nga tăng 5.966 ca trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 74.588 ca. Ngoài ra trung tâm ứng phó khủng hoảng virus corona của Nga còn cho biết nước này ghi nhận thêm 66 ca tử vong, tổng số đã lên đến 681 ca.
Số ca nhiễm virus corona ở Nga bắt đầu tăng mạnh trong tháng này, nhưng vẫn còn ít hơn so với các nước Tây Âu trong giai đoạn đầu bùng phát.
WHO: “Không có bằng chứng” cho thấy người hồi phục không tái nhiễm
Ngày 25-4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hiện “không có bằng chứng” cho thấy những người mắc COVID-19 đã hồi phục và có kháng thể không nhiễm bệnh lần hai.
Trong một tuyên bố, cơ quan Liên Hiệp Quốc này cảnh báo các nước không cấp “hộ chiếu miễn dịch” hoặc “giấy chứng nhận không còn nguy cơ” cho những người nhiễm bệnh đã hồi phục. Họ cho rằng hành động này có thể làm tăng nguy cơ lây lan dịch COVID-19.
Lời khuyên được đưa ra sau khi Chile tuần trước cho biết sẽ bắt đầu cấp “hộ chiếu y tế” cho những người đã hồi phục.
Campuchia: Chỉ còn 5 bệnh nhân đang điều trị
Trang Khmer Times ngày 25-4 đưa tin: “Tỉ lệ hồi phục tại Campuchia tiếp tục tăng lên mức đáng chú ý với thêm 7 ca hồi phục được Bộ Y tế Campuchia thông báo hôm nay”.
Cụ thể, trong tổng số 122 ca bệnh COVID-19 được ghi nhận ở Campuchia kể từ ca đầu tiên vào ngày 27-1 ở Sihanoukville, đến nay đã có tổng cộng 117 ca hồi phục. Chỉ còn 5 người đang được điều trị tại bệnh viện. Bộ Y tế Campuchia cho biết họ quyết tâm sẽ trị khỏi bệnh cho 5 bệnh nhân COVID-19 còn lại.
Trong số 117/122 ca hồi phục, tức chiếm 95,9%, có 3 người Trung Quốc, 5 người Anh, 2 người Mỹ, 1 người Bỉ, 38 người Pháp, 2 người Canada, 13 người Malaysia, 2 người Indonesia, 3 người Việt Nam và 48 người Campuchia.
Thái Lan ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới tăng trở lại
Với 53 ca mới được xác nhận ngày 25-4, Thái Lan hiện có tổng số bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là 2.907 người. Giới chức Thái Lan cũng xác nhận có thêm 1 bệnh nhân COVID-19 tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 51 người.
Trước đó, trong khoảng 2 tuần, số lượng các ca mới nhiễm virus ghi nhận theo ngày đã giảm từ 54 ca hôm 9-4 xuống 13 ca ngày 23-4 và 15 ca ngày 24-4. Ngày có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 được ghi nhận cao nhất ở Thái Lan là 22-3 với 188 ca.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha hôm 24-4 cho biết đang cân nhắc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trong bối cảnh các ca nhiễm COVID-19 ở nước này có xu hướng giảm. Tuy nhiên, Thủ tướng Prayut khuyến cáo người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, bao gồm cả việc giãn cách xã hội và không nên chủ quan trước tình hình.
* Bộ Y tế Singapore ngày 25-4 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 618 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 ở đảo quốc sư tử lên 12.693. Phần đông trong số các ca nhiễm mới là lao động nhập cư đang sống trong các ký túc xá, trong khi chỉ có 7 người là thường trú nhân.
Hiện đảo quốc 5,7 triệu dân này là một trong những quốc gia có tỉ lệ nhiễm virus corona chủng mới cao nhất ở châu Á.
* Bộ Y tế Philippines ngày 25-4 cho biết nước này ghi nhận thêm 102 ca nhiễm mới và 17 ca tử vong do COVID-19. Hiện Philippines ghi nhận tổng cộng 7.294 ca nhiễm và 494 ca tử vong do COVID-19. Có thêm hơn 30 bệnh nhân đã hồi phục, nâng tổng số ca hồi phục lên 792.
* Ngày 25-4, Malaysia ghi nhận thêm 51 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 5.742. Trong khi đó, số ca tử vong tăng thêm 2, lên tổng cộng 98 ca.
* Indonesia ghi nhận thêm 396 ca nhiễm mới ngày 25-4, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 8.607. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 tăng thêm 31, lên tổng cộng 720 ca. Indonesia hiện là một trong những quốc gia châu Á có số ca tử vong cao nhất bên ngoài Trung Quốc.
Toàn cầu hơn 2,8 triệu ca nhiễm, hơn 807.000 người hồi phục
Theo cập nhật của trang Worldometers vào lúc 13h30 ngày 25-4, trên toàn cầu đã có 2.832.520 ca bệnh COVID-19 và 197.343 ca tử vong. Trong khi đó đã có 807.040 ca hồi phục.
Trong đó Mỹ – quốc gia có số ca nhiễm cao nhất thế giới với hơn 925.000 ca nhiễm – cũng là nước có số ca hồi phục nhiều nhất thế giới, với 110.432 ca hồi phục.
Kế đến, Đức – quốc gia có số ca nhiễm cao thứ năm thế giới với khoảng 155.000 ca nhiễm – đứng ở vị trí thứ hai với 109.800 ca hồi phục.
Yemen (1 ca nhiễm), đảo quốc St. Barth (6 ca nhiễm), đảo tự trị Greenland (11 ca nhiễm), đảo quốc Saint Lucia (15 ca nhiễm) là những nơi mà tất cả ca nhiễm đều đã hồi phục đến nay.
Một số nước nới lỏng hạn chế
Hãng tin Reuters đưa tin Chính phủ Ấn Độ đã cho phép dần mở lại các cửa hàng trong các khu phố và khu dân cư kể từ hôm nay 25-4, hơn một tháng sau khi nước này được đặt vào tình trạng phong tỏa để ngăn COVID-19 lây lan.
Trước đó một ngày, nhà chức trách Ấn Độ cho biết các cửa hàng bán lẻ có thể bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng với số nhân viên phải giảm bớt 50%, đồng thời yêu cầu người dân vẫn giữ giãn cách xã hội thích hợp, đeo khẩu trang và bao tay trong lúc làm việc.
Tại Pakistan, chính phủ nước này đã gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 9-5. Tuy nhiên, họ đang chuyển sang cái gọi là “phong tỏa khôn ngoan” kể từ ngày 25-4, vẫn cho phép một số hoạt động công nghiệp và thương mại bắt đầu diễn ra theo các hướng dẫn về đảm bảo an toàn.