24/11/2024

Do dịch, người dân Mỹ thêm nợ đầm đìa

Do dịch, người dân Mỹ thêm nợ đầm đìa

Nếu đại dịch kéo dài, khoảng 30% người Mỹ có khoản vay mua nhà sẽ không thể trả nợ. Tiến sĩ Olfa Kaabia lo ngại nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính như năm 2008.

 

Do dịch, người dân Mỹ thêm nợ đầm đìa - Ảnh 1.

Ngày 18-4, dòng người xếp hàng chờ phân phối khầu trang và thực phẩm tại khu Harlem ở New York – Ảnh: AP

Đến ngày 23-4, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 47.000 người Mỹ.

Trong khi đó, 5 tuần qua, đã có 26,4 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Con số kỷ lục này cho thấy chỉ trong vỏn vẹn 1 tháng dịch COVID-19 đã “cuốn phăng” tất cả việc làm được tạo ra trong khoảng thời gian dài bùng nổ việc làm mà ông Trump từng tự hào là kỳ tích.

TS Olfa Kaabia – giáo sư Học viện cao cấp kinh tế và thương mại (Pháp), ghi nhận số người tìm việc tăng vọt ở Mỹ là dấu hiệu cảnh báo khủng hoảng kinh tế có nguy cơ biến thành khủng hoảng tài chính.

12% khoản vay tiêu dùng chậm thanh toán

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ngày càng nhiều hộ gia đình ở Mỹ đã mất khả năng thanh toán.

Công ty Moody’s Analytics (Mỹ) dự báo nếu đại dịch kéo dài, khoảng 30% người Mỹ có khoản vay mua nhà sẽ không thể trả được nợ.

Cho dù hiện thời các hộ gia đình có thể đề nghị hoãn trả nợ hằng tháng trong 180 ngày mà không bị phạt trễ hạn, song sau 180 ngày đó vẫn là tương lai mờ mịt.

Trừ bất động sản, hiện có 9 triệu người Mỹ đang thụ hưởng các khoản vay sinh viên liên bang đã thanh toán trễ tối thiểu 9 tháng.

Về vay mua xe hơi, 7 triệu người Mỹ đã chậm thanh toán 90 ngày theo số liệu của chi nhánh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ở New York.

Tổng cộng nợ các hộ gia đình Mỹ đã tăng 601 tỉ USD ở quý 4-2019 so với năm 2018, tức tăng 4,4%.

Theo báo cáo hằng quý của FED, tổng số nợ các hộ gia đình Mỹ đã tăng 26,8% so với nợ ở quý 2-2013.

Tính đến ngày 9-4, khoảng 12% các khoản vay tiêu dùng dược duyệt trực tuyến là các khoản nghi vấn, có nghĩa là người vay đã bỏ qua một kỳ thanh toán hoặc thương lượng gia hạn ngày đáo hạn hoặc đã ngừng trả nợ.

Do dịch, người dân Mỹ thêm nợ đầm đìa - Ảnh 2.

Những người thất nghiệp ở New York nộp đơn xin việc tại công trường ngày 26-3 – Ảnh: AFP

Kịch bản bùng nổ nợ dưới chuẩn?

GSTS Olfa Kaabia ghi nhận trên thực tế, phần lớn người dân Mỹ sống bằng các khoản vay tiêu dùng.

Theo Công ty khởi nghiệp dv01 (Mỹ) đang theo dõi 32 triệu khoản vay với tổng giá trị lên đến 3 tỉ USD, số khoản vay gặp rắc rối đã tăng 200% trong ba tuần nay.

Do đó, hơn bao giờ hết các ngân hàng Mỹ đang lo sẽ xảy ra tình trạng các hộ gia đình mất khả năng chi trả hàng loạt.

Năm 2008 đã từng xảy ra khủng hoảng tài chính. Nguyên nhân xuất phát từ tình trạng bán sản phẩm tài chính cho các hộ gia đình mất khả năng chi trả.

Các khoản nợ xấu dưới chuẩn (subprime) đã được trộn lẫn với các khoản nợ tốt hơn để chuyển thành chứng khoán.

Bằng cách chứng khoán hóa các khoản vay mua nhà không đủ chuẩn, các đơn vị cho vay thế chấp muốn thu hồi ngay tiền vay còn nhà đầu tư sẽ được hưởng lãi suất cao hơn.

Đến khi giá trị chứng khoán của các khoản nợ dưới chuẩn sụp đổ, nhiều tổ chức tài chính thua lỗ trầm trọng.

Hiệu ứng domino đã dẫn đến phá sản ngân hàng hàng loạt như trường hợp Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ.

Do dịch, người dân Mỹ thêm nợ đầm đìa - Ảnh 3.

Các ngân hàng Mỹ đã trích lập quỹ dự phòng để tránh kịch bản khủng hoảng tài chính năm 2008 xảy ra – Ảnh: AFP

Các ngân hàng Mỹ đã thủ thế

Hiện nay, Ngân hàng JPMorgan (ngân hàng lớn nhất của Mỹ) đang chuẩn bị đối phó với kịch bản xảy ra khủng hoảng tài chính tương tự năm 2008.

JPMorgan đã lập quỹ dự phòng 6,8 tỉ USD chuẩn bị cho các khoản nợ mất khả năng thanh toán.

Trao đổi với tạp chí Forbes, giám đốc tài chính Jennifer Piepszak cho biết quỹ dự phòng có thể sẽ được tăng thêm trong quý tới.

Các ngân hàng Bank of America, Citigroup và Wells Fargo cũng đã lập quỹ dự phòng tổng cộng khoảng 20 tỉ USD.

TS Olfa Kaabia dự báo trong tương lai trung hạn, các ngân hàng có thể thận trọng hơn trong đầu tư kinh tế dẫn đến gia tăng chi phí của khủng hoảng y tế hiện nay.

Bên cạnh đó, phần còn lại của thế giới cũng sẽ rơi vào nguy cơ như Mỹ.

Năm 2008, khủng hoảng tài chính ở Mỹ đã nhanh chóng lan rộng khiến Liên minh châu Âu (EU) bị đình trệ kinh tế và phải mất nhiều năm mới gượng dậy được.

 

HOÀNG DUY LONG

TTO