27/12/2024

Nỗi lo dịch chồng dịch ở Mỹ

Nỗi lo dịch chồng dịch ở Mỹ

Đợt tấn công thứ hai của dịch Covid-19 dự kiến sẽ ập đến Mỹ vào mùa đông 2020 – 2021, và mức độ tàn phá được cho là sẽ còn thảm khốc hơn đợt đầu vì lúc đó mùa cúm cũng bắt đầu.
Xe cấp cứu đưa bệnh nhân Covid-19 đến bệnh viện ở bang Maryland (Mỹ)	 ///  Ảnh: AFP
Xe cấp cứu đưa bệnh nhân Covid-19 đến bệnh viện ở bang Maryland (Mỹ) ẢNH: AFP
Đợt tấn công thứ hai của dịch Covid-19 dự kiến sẽ ập đến Mỹ vào mùa đông 2020 – 2021, và mức độ tàn phá được cho là sẽ còn thảm khốc hơn đợt đầu vì lúc đó mùa cúm cũng bắt đầu.
Trong lúc đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ Robert Redfield lên tiếng báo động người dân nước này về viễn cảnh dịch chồng dịch trong những tháng tới. “Có khả năng đợt tấn công kế tiếp của vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) sẽ đẩy đất nước chúng ta vào tình trạng khó khăn hơn cả dịch bệnh hiện tại”, báo The Washington Post dẫn lời tiến sĩ Redfield ngày 22.4.
“Chúng ta sẽ phải chống chọi với dịch cúm và dịch Covid-19 cùng lúc”, quan chức đứng đầu về y tế công cộng của Mỹ cho biết, đồng thời kêu gọi giới hữu trách chuẩn bị cho nguy cơ tái bùng phát Covid-19 đợt hai một khi mùa đông quay lại.

Gánh nặng chưa từng có

Tiến sĩ Redfield cảnh báo nguy cơ bùng phát cùng lúc hai dịch bệnh về đường hô hấp sẽ tạo nên áp lực nằm ngoài năng lực tưởng tượng của giới chức y tế đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng của Mỹ.

Thượng viện Mỹ thông qua gói cứu trợ 480 tỉ USD

AFP ngày 22.4 đưa tin Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật về gói cứu trợ trị giá 480 tỉ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, các bệnh viện cũng như thúc đẩy công tác xét nghiệm trên toàn quốc nhằm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Trong số này, 320 tỉ USD dành cho chương trình đảm bảo tiền lương của các doanh nghiệp nhỏ; 60 tỉ USD cho quỹ tín dụng thảm họa hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ; 75 tỉ USD cho các bệnh viện và25 tỉ USD cho các bang để mở rộng xét nghiệm Covid-19, theo lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell. Hạ viện Mỹ dự kiến dễ dàng thông qua dự luật về gói cứu trợ trên vào ngày 23.4 (giờ Mỹ). Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lên tiếng kêu gọi Hạ viện nhanh chóng thông qua dự luật trên để ông có thể sớm ký thành luật.
Huỳnh Thiềm

Kể từ ca nhiễm đầu tiên ở Mỹ được ghi nhận tại bang Washington vào ngày 20.1, cho đến tối qua số ca mắc Covid-19 tại nước này đã vượt 825.000, trong đó hơn 45.000 người đã thiệt mạng vì vi rút Corona. CDC cũng công bố kết quả giám định pháp y cho thấy 2 người chết tại nhà ở hạt Santa Clara (California) lần lượt vào ngày 6.2 và 17.2 đều mắc Covid-19. Kết quả mới đã điều chỉnh lại thời điểm xuất hiện ca tử vong đầu tiên trên lãnh thổ Mỹ là từ 26.2 (ở bang Washington) sớm hơn gần 3 tuần. Trong khi đó, website cdc.gov dẫn ước tính sơ bộ về dịch cúm mùa năm 2019 – 2020 ở Mỹ cho thấy từ ngày 1.10.2019 đến 4.4.2020, số người Mỹ bị cúm dao động từ 39 – 56 triệu, trong đó từ 24.000 – 62.000 ca tử vong.

Giám đốc Redfield và các quan chức khác trong ngành y tế công cộng Mỹ đánh giá cao những biện pháp phong tỏa tại các tiểu bang, cho phép kìm hãm tốc độ lây lan của dịch Covid-19. Tuy nhiên, các lệnh giới hạn đi lại và yêu cầu người dân ở nhà đã đẩy ít nhất 22 triệu lao động vào tình trạng thất nghiệp tạm thời trong 4 tuần qua, và chính quyền các tiểu bang đang đối mặt với áp lực phải nhanh chóng mở cửa lại nền kinh tế.
Trước tình hình này, tiến sĩ Redfield nhấn mạnh các cá nhân cần phải tiếp tục duy trì các biện pháp giãn cách xã hội một khi lệnh phong tỏa dần được dỡ bỏ. Lãnh đạo CDC cũng gọi những cuộc biểu tình buộc dỡ bỏ lệnh giới hạn đi lại đang diễn ra ở các tiểu bang, mà bản thân Tổng thống Donald Trump cũng lên tiếng ủng hộ, là “chẳng hữu ích” cho nỗ lực phòng, chống Covid-19 tại Mỹ.

Tàu bệnh viện chuẩn bị rời New York

Trong một dấu hiệu cho thấy dịch Covid-19 tại tiểu bang New York đã suy giảm, Thống đốc Andrew Cuomo cho biết bang này đã không còn cần đến tàu bệnh viện USNS Comfort và Tổng thống Trump sẽ sớm rút con tàu về cảng nhà ở Virginia trước khi lên đường cho sứ mệnh kế tiếp, theo Đài CNBC. Con tàu này với 1.000 giường bệnh đã cập cảng Manhattan vào ngày 30.3 và ban đầu được dự kiến điều trị các ca bệnh không phải Covid-19 nhằm giải tỏa áp lực cho các bệnh viện của TP.New York. Sau đó, Thống đốc Cuomo đề nghị USNS Comfort hỗ trợ tiếp nhận các bệnh nhân mắc Covid-19. Cho đến nay con tàu tiếp nhận tổng cộng 178 bệnh nhân và đến ngày 21.4 chỉ còn 60 người được điều trị.
THUỲ MIÊN
TNO