27/12/2024

Lục địa đen đối mặt đại khủng hoảng

Lục địa đen đối mặt đại khủng hoảng

Ông John Nkengasong, giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) châu Phi, cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể ‘là một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia, thứ hai là cuộc khủng hoảng kinh tế và thứ ba là cuộc khủng hoảng y tế’.

 

Lục địa đen đối mặt đại khủng hoảng - Ảnh 1.

Hành khách đi lại bằng phương tiện công cộng đi qua khu vực tẩy trùng ở một trạm xe buýt tại thủ đô Nairobi, Kenya ngày 19-4 – Ảnh: Getty Images

Bài viết ngày 21-4 của Project Syndicate nhận định đối với một châu lục mà lịch sử gần đây đã chứng kiến rất nhiều cuộc xung đột bạo lực, đại dịch COVID-19 là một nguy cơ có thể dẫn đến thảm họa.

Khó càng thêm khó

Trong khi đại dịch do virus corona chủng mới tiếp tục gây ảnh hưởng tới lục địa đen và dự kiến hạ tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của toàn châu lục từ 3,2% xuống 1,8% (đây là tỉ lệ được dự báo ở viễn cảnh tích cực nhất), gần 27 triệu dân ở đây cũng đang bị đẩy vào tình cảnh đói khổ cùng cực.

Với những quốc gia vốn đã đối mặt tình trạng thiếu thốn lương thực do mất mùa, di cư và thất nghiệp ở châu Phi, đại dịch COVID-19 có nguy cơ trở thành thảm họa.

Chuyên gia kinh tế và nông nghiệp Sean Granville-Ross thuộc tổ chức từ thiện Mercy Corps tại Kenya cho rằng một cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 sẽ “nhanh chóng trở thành một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực tương đương” tại châu Phi.

“Hàng triệu người châu Phi đang sống xấp xỉ trên mức nghèo, chỉ một cú sốc hay khủng hoảng nhẹ thôi cũng đủ xô họ xuống dưới mức nghèo đó”, chuyên gia này chia sẻ.

Cảnh báo mới nhất của Chương trình lương thực thế giới (WFP) nhấn mạnh những lo ngại ngày càng tăng trong giới chuyên gia.

Trong quan điểm của nhiều người, ảnh hưởng lớn nhất với châu lục “đen” không phải là đại dịch COVID-19, mà chính là nạn đói sẽ nhân dịch bệnh bùng lên dữ dội hơn.

Mặc dù phần lớn những người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng năm 2019 sống tại các nước bị ảnh hưởng vì xung đột (77 triệu), biến đổi khí hậu (34 triệu) và khủng hoảng kinh tế (24 triệu), nhưng đại dịch COVID-19 đã làm nghiêm trọng hơn những cuộc khủng hoảng đã có này và đe dọa làm trầm trọng thêm nhiều cuộc khủng hoảng nữa.

“Những tổn thất kinh tế của đại dịch sẽ nặng nề hơn ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch COVID-19 với châu Phi”, bà Vera Songwe nhận định.

Chưa kể khi giá dầu rớt thê thảm như những ngày qua (dầu mỏ chiếm tới 40% hàng xuất khẩu của châu Phi), châu lục này còn đối mặt với những hệ lụy kinh tế tồi tệ hơn nữa.

Du lịch, ngành công nghiệp chiếm tới 38% GDP của một số nước châu Phi, cũng đã gần như “đứng im” những ngày qua vì dịch COVID-19.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Bất kể số người chết vì COVID-19 trên toàn châu Phi tính tới chiều 22-4 (giờ Việt Nam) mới chỉ là 1.171 người trong tổng số 24.170 ca bệnh và cũng đã có 6.258 người bình phục, giới chức y tế toàn cầu lo sợ điều này sẽ không tiếp tục mãi như vậy.

“Sẽ có 300.000 – 3,3 triệu người châu Phi có thể thiệt mạng do hệ quả trực tiếp từ COVID-19, tùy thuộc vào các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh được triển khai”, báo cáo của UNECA công bố ngày 17-4 nêu.

Không phải ngẫu nhiên UNECA có một dự báo “tiêu cực” như vậy về khả năng diễn tiến của đại dịch COVID-19 ở châu Phi.

Trong bản báo cáo có tiêu đề “Đại dịch COVID-19: Bảo vệ cuộc sống và các nền kinh tế châu Phi”, UNECA cho rằng hệ thống y tế mong manh yếu ớt của châu Phi có thể phải đối mặt thêm nhiều tổn thất trong bối cảnh dịch corona bùng phát mạnh.

Bà Vera Songwe, thư ký điều hành của UNECA, cho rằng châu Phi là khu vực đặc biệt dễ tổn thương trong dịch bệnh vì 56% cư dân đô thị của châu lục này sống tập trung trong các khu nhà ổ chuột hay nhà tạm, và chỉ 34% hộ gia đình châu Phi có điều kiện vệ sinh cơ bản.

Cộng thêm vào đó là số giường bệnh tương đối ít tại các bệnh viện, 71% lực lượng lao động ở đây là lao động tự do, không có các phương tiện cho phép làm việc từ xa trong tình huống xảy ra dịch bệnh.

Nhiều chính phủ ở đây thậm chí không có đủ tài lực để truyền thông tới mọi công dân những cảnh báo phòng ngừa, như phải rửa tay trong 20 giây hay giữ khoảng cách với người khác từ 1,5 – 2m để phòng lây nhiễm virus corona.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã ước tính trong 6 tháng tới, châu Phi có thể có khoảng 10 triệu ca COVID-19.

Trên thực tế, theo tạp chí Vox, tới nay gần như mọi quốc gia ở châu Phi đều đã ghi nhận ít nhất một ca COVID-19.

Hơn 30 nước đã phải áp dụng phong tỏa phòng dịch. Việc châu Phi có số ca bệnh ít được hiểu theo hai cách: hoặc châu Phi đã sớm hành động để ngăn chặn dịch hiệu quả, hoặc các nước tại đây làm được quá ít xét nghiệm và vì dân số trẻ nên có thể số người mắc bệnh có triệu chứng dễ nhận biết cũng ít hơn so với những nơi khác như châu Âu.

Nói cách khác, rất có thể một bức tranh “trung thực” hơn về thực tế dịch COVID-19 tại châu Phi vẫn chưa được phản ánh đúng.

100 tỉ USD

Bà Vera Songwe ước tính cần khoảng 100 tỉ USD để có thể “khẩn trương và ngay lập tức” cung cấp nguồn ngân sách cần thiết hỗ trợ các nước châu Phi để họ có thể đáp ứng các nhu cầu, tạo mạng lưới an toàn cho người dân ở đây.

Trộm cướp lộng hành ở Nigeria

Đại dịch COVID-19 cũng tạo ra những bất ổn xã hội và nạn trộm cướp ở các quốc gia châu Phi. Theo Đài Al Jazeera, hơn 300 tên cướp có vũ trang đã thảm sát ít nhất 47 dân thường ở bang Katsina, miền bắc Nigeria cuối tuần trước.

Theo kênh truyền hình địa phương Channels TV, các nhân chứng kể rằng đám cướp đã bắt họ giao nộp thực phẩm và đồ cứu trợ của chính phủ, đây là những thứ giúp họ sống qua ngày trong lúc lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 đang có hiệu lực.

D.KIM THOA
TTO