Hiểu cho đúng về thị trường xăng dầu
Hiểu cho đúng về thị trường xăng dầu
Ngày 20.4 (rạng sáng 21.4 giờ Việt Nam) đã trở thành ngày lịch sử của ngành dầu mỏ thế giới, sau khi giá dầu thô WTI giao tháng 5 rơi xuống mức -37,63 USD/thùng.
Mức giảm này do chịu tác động của dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, các công ty năng lượng hết chỗ chứa dầu.
|
Sứ mệnh đảm bảo an ninh năng lượng
Từ sự kiện này, trở lại câu chuyện những ngày qua, khi đề xuất tạm ngưng nhập khẩu xăng dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được đưa ra nhằm hỗ trợ tiêu thụ xăng dầu trong nước thu hút nhiều ý kiến trái chiều.
Trong đó, những ý kiến phản đối cho rằng, nên theo quy luật thị trường, chỗ nào rẻ hơn thì doanh nghiệp mua hàng để tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh và nhập khẩu rẻ sẽ kéo theo giá xăng dầu bán lẻ trong nước giảm, có lợi cho người tiêu dùng. Do đó, đứng ở góc độ người tiêu dùng thì không nên tạm ngừng nhập khẩu xăng dầu. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, giá dầu thế giới giảm mạnh là cơ hội thị trường, nên tranh thủ nhập khẩu càng nhiều càng tốt về để dùng dần,…
Thực tế, việc dự trữ, tận dụng cơ hội thị trường không phải là chưa từng được PVN nghĩ tới. Kịch bản mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu từ hai nhà máy lọc dầu trong nước, chờ thị trường ấm lại đã từng được PVN tính tới khi giá dầu ở ngưỡng 20 USD/ thùng.
|
Tuy nhiên, biến động thị trường rất khó lường, việc dự trữ cần tính toán cẩn trọng về hiệu quả kinh tế và đặc biệt phải tính đến khả năng tồn chứa của các kho dự trữ đến đâu.
Câu chuyện tàng trữ xăng dầu không như những hàng hóa khác. Bởi để đầu tư kho chứa xăng dầu phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn nghiêm ngặt, công suất các kho chứa cũng có giới hạn phù hợp với nhu cầu xăng dầu trong nước trong điều kiện tiêu thụ bình thường, để đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Chúng ta có thể thấy rõ, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên thế giới hiện đã sụt giảm nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó thì việc nhập khẩu xăng dầu của nước ta thời gian qua lại tăng, tạo thêm sức ép cho tiêu thụ xăng dầu trong nước, đẩy các nhà máy lọc dầu trong nước vào tình trạng khó khăn hơn khi đối mặt với khủng hoảng kép.
|
Giá bán xăng dầu của Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất được xây dựng trên nguyên tắc thị trường và cạnh tranh ngang bằng với hàng nhập khẩu từ khu vực được ưu đãi thuế nhập khẩu thấp nhất như giá bán xăng của Dung Quất được xây dựng tương đương với xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc (có thuế nhập khẩu 10%), giá bán dầu DO của Dung Quất được xây dựng tương đương với dầu nhập khẩu từ khu vực ASEAN (có thuế nhập khẩu 0%). Thêm vào đó, việc tiêu thụ xăng dầu trong nước còn mang lại một số lợi thế như chi phí vận tải (cước phí, thời gian quay vòng tàu), hạn chế rủi ro biến động tỉ giá trong kỳ thanh toán, chi phí thuế VAT đối với hàng nội địa được trả sau 30 ngày cùng với tiền hàng,…
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị quản lý và vận hành NMLD Dung Quất cho biết đã đưa ra nhiều kịch bản cho vận hành nhằm ứng phó với dịch Covid-19, trong đó có tính đến tạm dừng vận hành NMLD Dung Quất một thời gian.
Tuy nhiên, phải xét rằng, NMLD Dung Quất đang vận hành với khoảng 60% dầu thô trong nước và trong quý 1, BSR nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.732 tỉ đồng. Vì một lý do nào đó mà nhà máy phải dừng hoạt động thì ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến an toàn cho các mỏ dầu Việt Nam. Chưa kể, việc duy trì khai thác dầu thô còn là vấn đề khẳng định chủ quyền an ninh biển đảo. Ngoài ra, các nhà máy lọc dầu trong nước có vai trò rất quan trọng trong việc ổn định thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Thử nghĩ, nếu ta chỉ đi nhập khẩu mà không tự chủ được nhu cầu năng lượng, khi thị trường thế giới biến động hoặc vì một lý do nào đó mà các quốc gia xuất khẩu tạo sức ép nguồn cung, tăng giá đột biến, thì nguy cơ chúng ta phải mua xăng dầu giá cao gấp nhiều lần là hoàn toàn có thể.
|
Không ảnh hưởng lợi ích người tiêu dùng
Xăng dầu là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, được Nhà nước điều hành giá. Với vai trò điều tiết của Nhà nước mà cụ thể là liên Bộ Công thương – Tài chính hiện nay, quyền lợi của người tiêu dùng luôn được bảo đảm cùng với vai trò ổn định kinh tế vĩ mô.
Do đó, việc tạm ngừng nhập khẩu xăng dầu và hỗ trợ tiêu thụ xăng dầu trong nước để giảm tồn kho là vấn đề rất cấp bách, không làm giảm đi hiệu quả tổng thể của các đơn vị sản xuất, đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu cũng như người tiêu dùng.
Trong bối cảnh tiêu thụ giảm sút mạnh trên toàn cầu, khủng hoảng giá dầu ngày càng nặng nề, các quốc gia trên toàn thế giới như Nga, Indonesia, Trung Quốc,… đồng loạt thực hiện các biện pháp ngưng nhập khẩu xăng dầu, tăng bảo hộ, chống bán phá giá, nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp trong nước vượt qua suy thoái. Thiết nghĩ, với Việt Nam chúng ta, Chính phủ cần áp dụng những quyết sách thật sự mạnh mẽ và quyết liệt để có thể mang lại những lợi ích hài hòa cho đất nước trong giai đoạn khó khăn, thách thức hiện tại.
SỸ VĂN
TNO