28/12/2024

Tuyển sinh đại học thế nào nếu không còn kỳ thi THPT quốc gia?

Tuyển sinh đại học thế nào nếu không còn kỳ thi THPT quốc gia?

Trước chủ trương kỳ thi THPT năm 2020 được tổ chức chỉ để xét tốt nghiệp khi học sinh cả nước nghỉ học kéo dài vì dịch Covid-19, đại diện các trường đại học đều cho biết sẽ có những phương án dự phòng tuyển sinh.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia
 /// Ngọc Dương
Thí sinh dự thi THPT quốc gia   NGỌC DƯƠNG

ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức thi riêng cho nhiều trường

Tuần trước, ĐH Quốc gia Hà Nội đã quyết định, nếu Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020 thì phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh của các đơn vị thành viên sẽ được tuyển theo phương thức dựa vào kết quả kỳ thi này. Trong trường hợp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thi THPT quốc gia không thể tổ chức được, ĐH này sẽ triển khai kỳ thi tuyển sinh riêng theo hình thức đánh giá năng lực rút gọn.

Mới đây, sau khi nghe thông tin vẫn có một kỳ thi chung để học sinh lớp 12 tốt nghiệp THPT thì ĐH đã phải bàn lại. Dự kiến, ĐH này vẫn tổ chức kỳ thi riêng để phục vụ công tác tuyển sinh, nhưng không hoàn toàn giống phương án dự phòng đã bàn tuần trước. “ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ không thể dùng kết quả kỳ thi này của Bộ GD-ĐT để xét tuyển. Nếu có tổ chức kỳ thi riêng, sẽ tổ chức với cách thức và nội dung khác kỳ thi chung”, PGS Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, giải thích.
Theo PGS Hải, có thể sẽ tổ chức thi và xây dựng đề theo hướng có 2 lựa chọn cho thí sinh: toán và khoa học tự nhiên, văn và khoa học xã hội. Nếu có thì kỳ thi sẽ gọn nhẹ, trong một ngày.
Nội dung đề thi được thiết kế để kiểm tra, đánh giá năng lực các môn toán, văn, ngoại ngữ (là những môn Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ cho thí sinh thi tốt nghiệp) của thí sinh vẫn có, nhưng là nội dung nâng cao, chứ không cơ bản như đề thi của Bộ. “Nó là một kỳ thi đánh giá năng lực giống như trước đây đã tổ chức, nhưng thí sinh sẽ làm bài trên giấy, chứ không thi trên máy. Đó là dự kiến, còn cụ thể như thế nào, sau khi Bộ GD-ĐT quyết định chính thức về việc tổ chức thi THPT năm nay, mới có thể công bố phương án thi và tuyển sinh của mình”, PGS Hải nói.
PGS Hải cũng cho biết trong trường hợp ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi, chắc chắn sẽ có đơn vị khác tham gia cùng, hoặc sẽ tham gia ở mức độ sử dụng đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Giảm chỉ tiêu phương thức thi THPT

Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết trường này sẽ vẫn dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp là một trong số phương án của trường. Trường hợp số môn giảm, trường có thể điều chỉnh tổ hợp xét tuyển hoặc kết hợp với phương thức khác cho những môn không thi. Như vậy, theo tiến sĩ Hồng, phương án tuyển sinh năm nay sẽ gồm tuyển thẳng, xét học bạ và điểm thi THPT. Trong đó, tỷ lệ chỉ tiêu xét dựa vào kỳ thi tốt nghiệp sẽ giảm xuống.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết trường vẫn tiếp tục xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi dùng để xét tốt nghiệp này, vẫn xét tuyển dựa trên 5 phương thức xét tuyển như đã công bố. Tuy nhiên, trường sẽ điều chỉnh chỉ tiêu giữa các phương thức này cho phù hợp hơn.
Cụ thể, trường có thể sẽ tăng chỉ tiêu xét điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM, không loại trừ có thể lên 60 – 70% chỉ tiêu (năm ngoái phương thức này xét 40% chỉ tiêu). Bù lại, phương thức xét điểm kỳ thi THPT sẽ giảm khoảng 30%, xuống còn 20 – 40% chỉ tiêu (thay vì 50 – 70% như năm ngoái). Các phương thức còn lại, chỉ tiêu có thể giữ ổn định như: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thí sinh nước ngoài.
Cũng theo ông Phúc, nếu Bộ GD-ĐT thực hiện giảm môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT thì không đủ môn để trường xét tuyển. Khi đó, có thể trường sẽ thực hiện xét học bạ các môn trong tổ hợp xét tuyển mà kỳ thi không có. Điểm học bạ này nếu có sẽ thực hiện theo 5 học kỳ, trừ học kỳ 2 lớp 12.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết dự kiến giữ ổn định các phương thức xét tuyển như dự kiến gồm: điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực, tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Tuy nhiên, trường có thể sẽ điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức cho phù hợp với thực tế.

Thêm phương thức xét tuyển

Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho biết năm nay trường sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi riêng với khoảng 20% chỉ tiêu hoặc cao hơn. Bên cạnh đó, trường dự kiến sẽ chuyển sang phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp, với trọng số điểm được tính toán đảm bảo chất lượng người học.
Ở phương thức kết hợp này, điểm học bạ trường dự tính xây dựng trên điểm 6 môn, trong đó 3 môn theo tổ hợp xét tuyển sẽ có trọng số điểm lớn hơn để đảm bảo chất lượng đầu vào theo ngành nghề. Còn điểm thi THPT có thể là cột điểm thêm để tăng tính toàn diện hơn. Tuy nhiên, phương án chính thức trường sẽ chờ quyết định của Bộ GD-ĐT.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho biết trường này vừa họp bàn đề án tuyển sinh mới có điều chỉnh hơn với thực tế. Theo đó, trường dự kiến bổ sung phương thức xét tuyển thẳng học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên, học sinh các trường chuyên và đạt các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Bên cạnh đó, ở phương thức xét học bạ, thay vì xét điểm lớp 12 như dự kiến, trường điều chỉnh xét học bạ 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12). Phương thức xét dựa vào điểm thi THPT và điểm thi đánh giá năng lực giữ ổn định so với dự kiến nhưng sẽ điều chỉnh giảm chỉ tiêu, có thể chỉ còn khoảng 40% (thay vì 80% như mọi năm).

Các trường sẽ tìm phương án mới

Theo PGS Nguyễn Văn Khải, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Hải Phòng, trường vẫn mong muốn Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để có thể sử dụng kết quả thi làm căn cứ xét tuyển. Kể cả trong trường hợp kỳ thi quốc gia chỉ có 3 môn toán, văn, ngoại ngữ, thì trường sẵn sàng thay đổi tổ hợp xét tuyển (nghĩa là xét văn, toán, ngoại ngữ thay vì xét toán, hóa, sinh).
“Trường cũng đã lên phương án dự phòng là sẽ tự tổ chức thi 3 môn toán, hóa, sinh. Nhưng nếu hội đồng hiệu trưởng các trường y dược thống nhất được với nhau, cùng tổ chức một kỳ thi chung, thì cũng rất tốt”, PGS Khải nói. Theo ông Khải, tốt nhất là khối y dược cùng tổ chức thi một kỳ thi chung cho nhau.
Sau khi nghe thông tin có thể Bộ GD-ĐT sẽ chỉ tổ chức thi tốt nghiệp THPT, PGS Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho biết: “Như vậy đây cũng không phải là kỳ thi quốc gia, vì thế trường không thể dùng kết quả kỳ thi đó để xét tuyển. Trường vẫn sẽ phải tự tổ chức thi. Phương án cụ thể thế nào, trường sẽ quyết định sau khi Bộ GD-ĐT có thông báo chính thức”.
QUÝ HIÊN – HÀ ÁNH
TNO