24/11/2024

Lo phải thêm kỳ thi đại học

Lo phải thêm kỳ thi đại học

Nhiều học sinh và giáo viên lo lắng với thông tin kỳ thi THPT quốc gia năm nay chỉ để xét tốt nghiệp, đồng nghĩa với việc học sinh phải thi thêm một kỳ thi để vào đại học.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019
 /// Ảnh: Ngọc Dương
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019  ẢNH: NGỌC DƯƠNG
* Dự kiến tốt nghiệp THPT chỉ thi 4 môn

Cán bộ ĐH không tham gia kỳ thi

Sáng 21.4, Bộ GD-ĐT đã báo cáo Chính phủ về phương án thi THPT năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Cuộc họp đã chốt việc vẫn tổ chức thi nhưng tập trung vào mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh (HS) phổ thông cả nước. Theo đó, Bộ GD-ĐT tiếp tục ra đề thi, áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng các “hàng rào kỹ thuật” để quản lý chặt chẽ bài thi, vẫn có camera giám sát chấm thi, tiếp tục tổ chức chấm thi trắc nghiệm trên máy tính. Địa phương tổ chức thi, coi thi, chấm thi tự luận. Các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) thực hiện theo quyền tự chủ được quy định trong luật.
Dự kiến kỳ thi năm nay cán bộ coi thi là của các địa phương. Ngoài thanh tra Bộ, thanh tra sở GD-ĐT, dự kiến sẽ có thêm thanh tra của UBND cấp tỉnh giám sát kỳ thi. Vẫn giữ bắt buộc thi 3 môn là toán, văn, ngoại ngữ và 1 môn thi tổ hợp. Tuy nhiên, đây sẽ không phải là bài thi tổ hợp gồm 3 môn và tính 3 đầu điểm như các năm trước mà chỉ là một môn thi tổng hợp các môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên và chỉ tính một đầu điểm.
HS sẽ được chọn 1 trong 2 môn (hoặc khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên) để làm bài. Như vậy, nếu như các năm trước, ngoài 3 môn bắt buộc thí sinh sẽ phải thi 3 môn trong bài thi tổ hợp (tổng cộng 6 môn bắt buộc) thì năm nay dự kiến chỉ còn tổng cộng 4 môn thi. Đề thi cũng được tiếp tục giảm tải hơn so với đề tham khảo đã công bố.
Tại cuộc họp trên, Bộ GD-ĐT thông tin, có khoảng 10% trường ĐH trước đây dùng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh đã xây dựng phương án tuyển sinh riêng. Chủ yếu là các trường thuộc khối ngành công an, quân đội, y dược. Khoảng 28% trường ĐH công bố tuyển sinh theo hình thức xét tuyển học bạ THPT…

Học sinh sẽ phải thi nhiều hơn, khó hơn?

Nhiều HS cùng nỗi niềm: HS đã không được trực tiếp đến trường rồi, học online qua màn hình điện thoại, máy tính hay ti vi thì không thể lúc nào cũng hiểu được như trên lớp, giờ lại ôn thêm để thi vào ĐH. Ví dụ như Trường ĐH Bách khoa có nội dung thi khác với THPT nữa, có nghĩa bây giờ HS sẽ phải thi ít nhất 2 lần và cũng có thể là 2 nội dung khác nhau.
  Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Năm nay, theo phương án, kỳ thi này chỉ còn mục đích thi tốt nghiệp Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Năm nay, theo phương án, kỳ thi này chỉ còn mục đích thi tốt nghiệp  ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Ghi nhận của PV Thanh Niên, HS lớp 12 ở một loạt các trường ở Hà Nội đều có cùng tâm trạng như trên. Nhiều em cho rằng, điều mà HS quan tâm nhất là thi để tuyển sinh ĐH nên lâu nay vẫn ôn theo kỳ thi THPT quốc gia mà Bộ công bố để có kết quả thi tốt, đạt yêu cầu vào trường ĐH phù hợp. Nay sẽ vừa phải thi quốc gia để xét tốt nghiệp THPT lại vừa phải thi để tuyển sinh ĐH mà thời điểm này còn chưa biết trường mình định dự tuyển sẽ thi thế nào.
Do vậy, nhiều HS cho rằng nếu vẫn phải thi quốc gia thì nên giữ mục tiêu như các năm trước để HS không phải thi quá nhiều. Hơn nữa, thời gian từ nay đến kỳ thi quá ngắn để có thể thay đổi cách ôn thi phù hợp với phương án thi của các trường ĐH.
Một giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: “Khi Bộ GD-ĐT công bố đề tham khảo, cả giáo viên và HS rất mừng vì đề thi nhẹ nhàng, phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh. Vậy mà “đùng” một cái Bộ lại chuyển hướng khiến chúng tôi rất hoang mang”.

Tăng áp lực, tốn kém, bất lợi cho phòng chống dịch bệnh

Tuy nhiên, với “kịch bản” mới này, theo ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), sẽ dẫn tới tình trạng HS sau khi thi tốt nghiệp THPT ở địa phương sẽ “khăn gói” lên thành phố để thi vào các trường ĐH. Nếu mỗi trường một kỳ thi thì HS có bao nhiêu nguyện vọng sẽ phải thi bấy nhiêu kỳ. Hơn nữa, không chỉ có thi, mỗi trường ĐH thi một cách sẽ dẫn tới giảng viên của trường đó hoặc các trung tâm luyện thi bắt đầu mọc lên để tổ chức luyện thi theo “phong cách” ra đề của từng trường…
Ông Bình cho rằng, vẫn nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhưng nên giữ ổn định mục tiêu như Bộ đã công bố lâu nay. Nếu có thay đổi thì phải có thời gian để thầy trò các trường chuẩn bị ít nhất là 1 năm học.
Ông Bình và nhiều ý kiến các nhà giáo cũng chỉ ra rằng, trong hoàn cảnh dịch bệnh, kinh tế khó khăn, hạn chế đi lại, tụ tập đông người; việc thi tốt nghiệp THPT rồi lại thi riêng để tuyển sinh vào ĐH rõ ràng sẽ tốn kém hơn cho mỗi gia đình và tập trung ở thành phố để thi, ôn thi là đi ngược với các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh hiện nay. Điều đó tạo ra áp lực kép cho cả nhà trường, HS lẫn phụ huynh.

Sớm hoàn thiện phương án thi để trình Chính phủ

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng cần có những điều chỉnh nhưng dựa trên nguyên tắc phải thực hiện đúng theo luật Giáo dục và luật Giáo dục ĐH. Theo đó, cần trả lại đúng bản chất của kỳ thi là để xét tốt nghiệp THPT; còn tuyển sinh ĐH là quyền tự chủ của các trường ĐH. Nếu chúng ta có kết quả kỳ thi trung thực và khách quan thì vẫn giúp các trường ĐH thuận lợi trong công tác tự chủ tuyển sinh.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Toàn xã hội quan tâm đến thi cử nên mặc dù vấn đề này thuộc quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhưng cũng như mọi năm, Bộ phải hoàn thiện phương án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và báo cáo với Chính phủ. “Chúng ta công bố sớm để HS, giáo viên các trường phổ thông và ĐH chủ động phương án học tập, ôn thi và chuẩn bị phương án tuyển sinh phù hợp”, ông Đam yêu cầu.
TUỆ NGUYỄN
TNO