Khẩu trang: từ kỳ thị tới vật bất ly thân
Khẩu trang: từ kỳ thị tới vật bất ly thân
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều mặt của cuộc sống, trong đó có thói quen đeo khẩu trang – vốn là điều xa lạ đối với người phương Tây.
Nếu một ai đó đeo khẩu trang trên đường phố Đức, Anh hay Mỹ, họ sẽ được nhận ra ngay là người gốc Á. Đó từng là dấu hiệu nhận biết, tiêu cực hơn có thể là cái nhìn không mấy thiện cảm, thậm chí kỳ thị; nhưng giờ đây, khẩu trang lại trở thành thứ thiết yếu đối với chính người phương Tây.
Vật bất ly thân
Chỉ cách đây chưa đầy 2 tháng, lãnh đạo lẫn giới chức y tế phương Tây đều không tin vào vai trò của việc đeo khẩu trang trong phòng chống Covid-19. Nhiều nước khước từ khuyến cáo từ châu Á. Mọi chuyện đã thay đổi khi tình hình dịch bệnh ở Mỹ và châu Âu diễn biến theo chiều hướng tệ hại với số ca nhiễm và tử vong tăng chóng mặt mỗi ngày. Đến giữa tháng 3, đầu tháng 4, các nước phương Tây mới chịu thừa nhận khẩu trang có thể giúp ngăn đà lây lan của dịch.
Nếu như ở châu Á, việc đeo khẩu trang vốn quen thuộc kể cả khi không có dịch bệnh, thì ở các nước phương Tây lại khác. Người dân phương Tây phải làm quen với việc coi khẩu trang hoặc đồ che mặt là vật bất ly thân, gác lại những suy nghĩ về chủ nghĩa tự do cá nhân được họ tôn thờ.
CH Czech là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên ban hành quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài từ ngày 18.3 để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Lãnh đạo nước này còn khuyên Mỹ và các nước khác làm theo.
Tới đầu tháng 4, Slovakia ra quy định tương tự. Bulgaria “nối gót” các nước bạn từ ngày 12.4, trong khi Bỉ áp dụng quy định này từ 20.4 tại tất cả các địa điểm công cộng. Bên cạnh các nước triển khai trên toàn quốc, chính quyền một số vùng tại Ý, Đức cũng bắt buộc người dân dùng khẩu trang hoặc có biện pháp che mũi, miệng khi ra đường. Một số nước như Áo thì chỉ đưa ra khuyến cáo.
Theo trang Euronews, hiện nhiều nước châu Âu khác đang tiếp tục tranh luận cân nhắc về quyết định yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi rục rịch mở cửa lại nền kinh tế. Trong khi đó, tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đã thay đổi quan điểm và khuyên mọi người đeo khẩu trang khi ra ngoài. Một số tiểu bang như New York thì ra quy định chính thức đối với người dân.
Cỗ máy kiếm tiền
Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các nước phương Tây, nhu cầu khẩu trang ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là với các y bác sĩ. Thêm vào đó, các mặt hàng như khẩu trang trước nay không được chú trọng sản xuất ở nhiều nước châu Âu, nên sự phụ thuộc vào nước ngoài là rất lớn, đặc biệt là Trung Quốc.
Theo tờ South China Morning Post, từ đầu năm đến nay, hơn 38.000 công ty mới đăng ký sản xuất hoặc mua bán khẩu trang tại Trung Quốc, tăng gấp nhiều lần so với mức 8.594 công ty trong cả năm 2019.
Nhiều doanh nghiệp vốn sản xuất bóng golf, thuốc lá điện tử và linh kiện ô tô chuyển sang sản xuất khẩu trang vì có thể thu lời trong vài tuần. Ông David Sun, vận hành một công ty hậu cần ở Chiết Giang bắt đầu chuyển sang kinh doanh thiết bị y tế từ tháng 2, mô tả: “Ở Trung Quốc, giờ đây máy sản xuất khẩu trang chẳng khác nào máy in tiền”.
Mỹ xuất khẩu trang sang Trung Quốc hồi đầu dịch
Tờ The Washington Post đưa tin các nhà sản xuất Mỹ đã xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều lô hàng khẩu trang và thiết bị bảo hộ y tế trị giá hàng triệu USD trong tháng 1 và tháng 2. Những thương vụ này đều được chính quyền liên bang khuyến khích. Cuối tháng 2, Bộ Thương mại Mỹ vẫn đưa ra hướng dẫn cho các doanh nghiệp Mỹ về việc làm sao để bán sản phẩm y tế thiết yếu sang Trung Quốc. Động thái này cho thấy Mỹ đã chủ quan cho rằng Covid-19 sẽ không ảnh hưởng đến mình, phớt lờ khuyến cáo của giới chuyên gia. Hiện nay, Mỹ đã là ổ dịch lớn nhất thế giới, đồng thời lâm cảnh thiếu khẩu trang và vật tư y tế trầm trọng.
NGỌC MAI
TNO