29/12/2024

Khẩu trang không “cứu” được các doanh nghiệp dệt may

Khẩu trang không “cứu” được các doanh nghiệp dệt may

Sản xuất khẩu trang đang được xem là một trong những giải pháp xoay chuyển tình thế của các doanh nghiệp dệt may sau khi bị nhiều đối tác Mỹ, EU hủy hợp đồng.
Hầu hết doanh nghiệp dệt may đều sụt giảm lượng lớn đơn hàng trong mùa dịch Covid-19 /// Ảnh: Ngọc Thắng

Hầu hết doanh nghiệp dệt may đều sụt giảm lượng lớn đơn hàng trong mùa dịch Covid-19  Ảnh: Ngọc Thắng
 Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và nhiều doanh nghiệp nhỏ còn bị chôn vốn vì tồn đọng khẩu trang vải.

Chỉ là sản phẩm tình thế

Bà Cecile Phạm, Tổng giám đốc Tập đoàn Dacotex – đơn vị từng nhận đơn hàng sản xuất khẩu trang kháng khuẩn cho Đan Mạch hồi tháng 2, nhận định: Những đơn hàng may khẩu trang chỉ là giải pháp tình thế khi hàng may mặc xuất khẩu bị chựng lại. Từ sau tết đến nay, công ty nhận tạm đơn hàng làm khẩu trang xuất khẩu đi Đan Mạch. Hiện các đơn hàng trong kỳ từ EU bị tạm hoãn do chính sách đóng cửa biên giới của các nước EU đã được nối lại. Khách hàng Nga, Pháp, Đức… đều nối lại các đơn hàng đã ký trong năm, còn đơn hàng mới hoàn toàn chưa có. Nhưng lượng việc làm chỉ đủ cho công nhân cầm chừng đến tháng 6.
“Mọi năm, sau tết, từ tháng 2 – 3 công ty đã ký kết loạt đơn hàng mới sản xuất hàng mùa hè. Nay ngành may mặc không có hè, số lượng hàng may tại xưởng đủ cầm chừng đến tháng 6, giao hết hàng là hết việc. Có thể lúc đó vẫn còn dịch, nghỉ tiếp 2 tháng nữa, trong thời gian đó, chúng tôi sẽ nhận tiếp đơn hàng khẩu trang cho công nhân có việc làm, thường đơn hàng chỉ vài trăm ngàn sản phẩm khẩu trang”, bà Cecile Phạm chia sẻ thêm.
Bộ Công thương đã khuyến cáo DN cần tìm hiểu kỹ các tiêu chuẩn về mặt hàng khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế của thị trường EU để tránh dư thừa, thiệt hại về kinh tế. Cụ thể, các DN muốn xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU cần đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về mặt hàng này.
Các DN dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này, nhưng để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, thông tin đơn hàng đã giảm đến 90% khi các đối tác từ Mỹ, EU tạm ngừng nhận đơn hàng, chỉ còn khoảng 10% là do công ty có bán tại thị trường nội địa. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp (DN) này đã chuyển hẳn 1 trong số 3 nhà máy sản xuất truyền thống sang may khẩu trang vải để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Việt Thắng Jean đã xuất khẩu đơn hàng 200.000 khẩu trang vải kháng khuẩn sang thị trường EU sau hơn cả tháng làm hàng loạt thủ tục. Công ty Việt Thắng Jean đang tiếp tục sản xuất cho đơn hàng 1 triệu chiếc khẩu trang vải cho cả thị trường Mỹ và EU. Nhưng theo ông Việt, số lượng khẩu trang này chỉ làm trong 3 – 5 ngày là xong. Với lượng công nhân khoảng 4.000 người, phương án của công ty là vẫn duy trì số lượng nhưng phải làm ngày nghỉ ngày, chỉ làm 6 giờ/ngày thay vì 8 giờ/ngày…

“Tính ra một tháng công nhân chỉ còn làm khoảng 10 ngày và thu nhập còn khoảng 60% so với bình thường. Các đơn hàng khẩu trang chỉ để tạo công việc cho công nhân cho qua giai đoạn khó khăn này. Đó là chưa kể tại các thị trường thế giới, ví dụ như EU khi nhu cầu khẩu trang tăng cao thì có nới lỏng một số quy định khiến hàng loạt DN may từ Trung Quốc, Bangladesh cũng tham gia sản xuất nên cạnh tranh đang gay gắt, đẩy giá đi xuống”, ông Phan Văn Việt chia sẻ và dự báo có thể đến tháng 7 các đơn hàng đã ký trước đây mới bắt đầu xuất khẩu trở lại và đến tháng 9 mới có thể tìm thêm đơn hàng mới cho năm nay.

Nhiều doanh nghiệp tồn đọng khẩu trang vải

Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đối với ngành dệt may vào cuối tháng 3, Hiệp hội Dệt may VN (Vitas) nhận định hai thị trường lớn nhập khẩu dệt may của VN là Mỹ, EU, chiếm lần lượt 50% và 12% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, đã rơi vào khủng hoảng dịch bệnh, khiến nhu cầu mua sắm tại hai thị trường này đột ngột suy giảm mạnh. Điều đó dẫn đến việc các nguồn cầu dệt may VN, trong đó các nhãn hàng lớn đều có động thái dừng cắt tất cả các đơn hàng, đóng cửa hệ thống bán hàng trong tháng 3 – 4 và dự kiến kéo dài đến tháng 6.2020. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là sau các thông báo dừng đặt hàng, hoàn toàn không có hỗ trợ gì cho DN dù họ đã đổ tiền mua nguyên phụ liệu.
Vitas nhấn mạnh: Điều này đã tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến gần 100% DN dệt may, tùy quy mô, mức độ và đặc thù mặt hàng của DN. Ước tính có khoảng 70% DN trong ngành đã giảm việc cho công nhân trong tháng 3, nhưng đến 80% DN sẽ cắt giảm lao động trong tháng 4 và tháng 5 này. Ảnh hưởng về tài chính đến tháng 6 đối với toàn ngành dệt may là khoảng 12.000 tỉ đồng.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May thêu đan TP.HCM, nhận định thực tế đang có tình trạng tồn đọng khẩu trang vải của các xưởng may DN vừa và nhỏ thực hiện trong thời gian qua trên địa bàn TP.HCM. Ước tính sơ bộ, lượng khẩu trang vải thừa của một DN khoảng 3 – 5 triệu cái. Theo ông, trong dịch bệnh chủ trương đúng, các DN nhiệt tình tham gia, nhưng chỉ sau thời gian ngắn, việc tồn đọng khẩu trang lớn khiến DN nhỏ bị chôn vốn hàng tỉ đồng vào khẩu trang.
“Chúng ta đã làm hơi vội vàng, thiếu kế hoạch, chưa có khảo sát nên cung cầu lệch pha. Thế nên, hy vọng thời gian tới, khi học sinh đi học trở lại, có thể nhu cầu tiêu thụ khẩu trang nhiều hơn, lượng khẩu trang tồn đọng này được giải quyết”, ông Hồng cho biết.
MAI PHƯƠNG – NGUYÊN NGA
TNO