27/12/2024

COVID-19 thúc đẩy các dịch vụ mới ra đời ở Việt Nam nhanh hơn

COVID-19 thúc đẩy các dịch vụ mới ra đời ở Việt Nam nhanh hơn

COVID-19 là một thử thách lớn, biến cố chưa bao giờ xảy ra với tất cả các doanh nghiệp trước đây. Đại dịch này là phép thử khả năng đổi mới sáng tạo, ứng biến của mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ.

 

COVID-19 thúc đẩy các dịch vụ mới ra đời ở Việt Nam nhanh hơn - Ảnh 1.

Nhiều dịch vụ mới ra đời trong mùa dịch không chỉ là giải pháp tình thế – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, tân giám đốc điều hành Grab Việt Nam, cho biết như vậy trong buổi phỏng vấn trực tuyến ngày 20-4 về những thách thức mà các doanh nghiệp khởi nghiệp đối mặt trong đại dịch COVID-19.

Theo bà Vân, COVID-19 là một phép thử kiểm tra tốc độ đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Ngay cả Grab, một startup vốn tự hào lấy các giá trị đổi mới sáng tạo, công nghệ làm xương sống cũng xem đây là dịp kiểm chứng mình đã làm tốt công việc này hay chưa.

Trong mùa dịch COVID-19, siêu ứng dụng này đã tung ra hai dịch vụ mới GrabMart (đi chợ hộ) và Grab Assistant (dịch vụ mua hàng hộ và giao nhanh), những dịch vụ mà hãng tin rằng có thể đảm bảo hệ thống sống lâu dài trong điều kiện giãn cách xã hội và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dùng.

Mặc dù vậy, Grab cho biết vẫn không tránh khỏi những thiệt hại chung từ ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhiều đối tác nhà hàng, quán ăn trên nền tảng này bị ảnh hưởng, sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, đối tác tài xế xe 4 bánh phải tạm ngừng hoạt động, lượng khách đi xe hai bánh cũng giảm mạnh.

“Nhiều đối tác nhà hàng của chúng tôi thậm chí sắp chạm vào ngưỡng đóng cửa. Grab đang hỗ trợ quảng cáo, nhận diện truyền thông, khuyến mãi để các nhà hàng này vẫn hoạt động, có thể duy trì qua dịch. Chúng tôi vừa phê duyệt một khoản ngân sách mới giúp đảm bảo thu nhập cho đối tác tài xế”, bà Vân nói.

Theo bà Vân, sẽ có nhiều thay đổi trong lối sống xã hội ngay cả khi dịch COVID-19 đi qua. Do đó, các dịch vụ mới không chỉ ra đời vì hoàn cảnh bắt buộc, mà chúng sẽ trở thành xu hướng lâu dài với các cam kết chất lượng được xây dựng ngay từ đầu.

“Dịch COVID-19 đang đẩy nhanh tốc độ tiếp cận các dịch vụ này ở Việt Nam nhanh hơn”, bà Vân phân tích.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cũng cho rằng COVID-19 đang thay đổi nhận thức, suy nghĩ của người dân về các loại hình trực tuyến từ học trực tuyến đến mua sắm, dịch vụ công, cách thức làm việc…

“Thương mại điện tử chưa chắc đã bán được nhiều hàng hơn trong mùa dịch vì khó khăn trong hệ thống cung ứng, nhưng nhận thức của người dùng về hình thức mua sắm này sẽ khác, theo cách gần gũi hơn”, ông Dũng nói.

N.BÌNH
TTO