29/12/2024

Châu Âu ‘dò đá sang sông’ để mở cửa trở lại

Châu Âu ‘dò đá sang sông’ để mở cửa trở lại

Trong lộ trình hướng dẫn dỡ bỏ phong toả công bố tuần này, Uỷ ban châu Âu (EC) khuyên các nước thành viên hành động từng bước một, nới lỏng các hạn chế theo giai đoạn, và duy trì một khoảng thời gian giữa mỗi hành động để đánh giá tác động.

 

Châu Âu dò đá sang sông để mở cửa trở lại - Ảnh 1.

Các học sinh trong giờ học âm nhạc ngoài trời tại một ngôi trường vừa mở cửa lại ở thành phố Randers, Đan Mạch hôm 15-4 – Ảnh: REUTERS

Chúng ta vẫn đang ở tâm bão. Không có cách nào nhanh chóng để quay lại bình thường.

Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge nhận định.

Tạp chí Forbes viết giờ đây người dân có thể đi xăm hình ở Đan Mạch và đi mua sách tại Ý, khi các quốc gia ở châu Âu dần mở cửa lại. Với số ca nhiễm mới đang ít đi và đường cong dịch tễ trở nên phẳng, nhiều nước châu Âu bắt đầu muốn quay lại trạng thái bình thường, gồm cả khôi phục các “dịch vụ thiết yếu”.

Áo, Đan Mạch tiên phong

Cách đây khoảng hai tuần, Áo và Đan Mạch đã trở thành những quốc gia đầu tiên ở châu Âu công bố kế hoạch cụ thể để mở cửa trở lại sau các biện pháp phong tỏa nhằm đối phó dịch COVID-19, với hi vọng họ đã qua được giai đoạn tồi tệ nhất của làn sóng dịch đầu tiên, theo báo Washington Post.

Tuần này, một câu chuyện hiếm hoi đã được ghi nhận ở Đan Mạch: những lớp học đông đúc học sinh trở lại. Hôm 15-4, có 350 học sinh đã quay lại Trường Logumkloster ở miền nam Đan Mạch lần đầu tiên trong vòng một tháng qua, khi Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên ở phương Tây mở cửa lại các trường tiểu học kể từ đầu mùa dịch.

“Đó là một thế giới mới. Chúng tôi từng vạch ra các kế hoạch cho ngôi trường trong trường hợp xảy ra tấn công khủng bố, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến loại hình tấn công bởi virus như thế này” – Tanja Linnet, hiệu trưởng của trường, chia sẻ.

Báo New York Times nhận định bằng việc cho hàng trăm học sinh gặp lại nhau ở hàng ngàn trường học như vậy trên khắp Đan Mạch, chính phủ nước này đã có “bước đi táo bạo nhất” hướng tới điều gì đó giống với cuộc sống bình thường, trong một biện pháp mà giới quan sát khắp thế giới sẽ theo dõi chặt chẽ.

“Khi nào sẽ mở? Đó là tình thế tiến thoái lưỡng nan của toàn thế giới” – Finn Christensen, phó hiệu trưởng của trường, nói.

Cách làm của Đan Mạch trái ngược với Tây Ban Nha, nơi hầu hết học sinh đã không ra ngoài trong 5 tuần qua. Với số ca nhiễm cao nhất châu Âu, Tây Ban Nha cấm trẻ em rời khỏi nhà.

Đối với bọn trẻ tại Trường Logumkloster, quay lại trường học là một trải nghiệm thú vị với các em sau một tháng bị nhốt trong nhà. “Gặp lại người bạn thân nhất của cháu thiệt là thích!” – Maja Petersen, một học sinh 7 tuổi, diễn tả sự vui sướng.

Cả Áo và Đan Mạch đều lên kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế theo giai đoạn. Tại Áo, những cửa hàng nhỏ mở lại vào ngày 14-4, sau đó đến các cửa hàng lớn hơn vào ngày 1-5 tới. Các nhà hàng, khách sạn và trường học có thể sẽ mở lại vào giữa tháng 5.

“Ở Áo, chúng tôi đã phản ứng nhanh hơn và khắt khe hơn các quốc gia khác và do đó đến nay có thể ngăn chặn điều tồi tệ nhất xảy ra. Phản ứng nhanh và khắt khe giờ đây cho chúng tôi cơ hội bước ra khỏi cuộc khủng hoảng này nhanh hơn” – Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết.

Châu Âu dò đá sang sông để mở cửa trở lại - Ảnh 3.

Ông Hartmut Fey, một công dân Đức, đứng từ xa sử dụng cần câu để tránh bị phạt 250 euro khi nhận bánh mì que tại biên giới Đức – Pháp ngày 18-4 – Ảnh: AFP

Châu Âu đang đi đúng hướng?

Nhiều nước châu Âu khác cũng đang nối gót mở cửa trở lại. Tại Ý, từ hôm 14-4 các cửa hàng bán sách, văn phòng phẩm, quần áo trẻ em đã được phép mở lại. Tại Tây Ban Nha, các ngành xây dựng và sản xuất đang dần quay lại làm việc. Tại Cộng hòa Czech, chính phủ đã thông qua kế hoạch cho phép mở các cửa hàng nhỏ vào ngày 20-4 và các cửa hàng lớn hơn vào ngày 11-5. Còn Ba Lan mở lại các công viên…

Ở Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết sẽ nới lỏng dần các biện pháp khắt khe sau ngày 11-5. Với trường hợp Đức, Thủ tướng Angela Merkel cho biết sẽ gia hạn các biện pháp hạn chế tới ngày 3-5 và trường học, tiệm cắt tóc sẽ dần mở lại vào ngày 4-5.

Theo thống kê của Đài CNN, tại châu Âu tính đến ngày 16-4 có 14 quốc gia đang dần nới lỏng các hạn chế, hơn 20 quốc gia (gồm Anh, Hà Lan, Pháp, Bỉ, Hi Lạp…) vẫn đang áp dụng lệnh phong tỏa hoặc các biện pháp khắt khe khác, và 2 quốc gia không áp dụng lệnh phong tỏa (Thụy Điển và Belarus).

Mỹ: 4 bang có thể mở lại đầu tháng 5

Đối diện châu Âu bên kia bờ Đại Tây Dương, Đài CNN ngày 18-4 dẫn lại một mô hình theo dõi đại dịch uy tín cho biết 4 bang của Mỹ gồm Vermont, West Virginia, Montana và Hawaii có thể sẽ mở lại vào ngày 4-5. Trong khi đó, hầu hết các bang khác có thể mở lại trong khoảng giữa tới cuối tháng 5. Một số bang gồm Iowa, North Dakota, South Dakota, Nebraska, Utah, Arkansas và Oklahoma có thể cần đợi tới cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7.

Christopher Murray, giám đốc Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) ở Mỹ và là người tạo ra mô hình trên, cho biết một số bang không nên nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội vì sự bùng phát dịch vẫn còn “đang triển khai”. “Bạn phải đợi đến khi số ca nhiễm trong cộng đồng ở mức có thể kiểm soát được” – ông nói và giải thích thêm mỗi bang có tình hình, hệ thống y tế cũng như năng lực khác nhau.

Theo báo The CS Monitor, việc mở cửa trở lại tại các nước châu Âu vẫn mang nhiều nguy cơ. Như với trường hợp Singapore ở châu Á, dù từng được khen ngợi xử lý đại dịch tốt, giờ đây vẫn đang nỗ lực để làm giảm số ca nhiễm mới.

Trong khi đó, báo Washington Post bình luận với việc có các bước đi “thăm dò” đầu tiên hướng tới dỡ bỏ phong tỏa, chính phủ các nước châu Âu bắt đầu “đi trên dây”, lâm vào tình thế chênh vênh và bất kỳ bước lầm lạc nào cũng có khả năng gây chết chóc.

Không rõ các nước châu Âu đang dần nới lỏng hạn chế có đáp ứng đầy đủ 6 điểm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay không, nhưng trước mắt có thể thấy nhìn chung các nước này đang hành động dần dần, không gấp gáp.

Chẳng hạn Đức mở lại các cửa hàng trước, sau đó ưu tiên mở trường tiểu học và cấp II nhưng vẫn thực hiện lệnh cấm tổ chức các sự kiện công chúng quy mô lớn. Còn Na Uy duy trì “sự lạc quan thận trọng” như Thủ tướng Na Uy Erna Solberg tuyên bố, bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế từng bước một.

Hay với Đan Mạch, dù mở cửa trường học vẫn phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa vì họ vẫn còn “sống chung với lũ”. Chẳng hạn phụ huynh không được vào bên trong và giáo viên không được tụ tập ở khu vực phòng nhân viên.

Mỗi trẻ em đều ngồi ở bàn học riêng cách xa nhau. Các bé chỉ có thể chơi với nhau theo nhóm nhỏ vào giờ nghỉ và phải rửa tay sạch sẽ thường xuyên.

Tuy nhiên, có một vấn đề mà không chỉ riêng châu Âu gặp phải, trang Politico chỉ ra như sau: “Không có các tiêu chuẩn toàn cầu và có ít sự phối hợp liên quan tới việc mở lại nền kinh tế các nước”. Trong lộ trình dỡ bỏ phong tỏa mới công bố, EC cũng đánh giá việc thiếu hợp tác trong dỡ bỏ các biện pháp hạn chế có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả quốc gia thành viên và tạo ra xích mích chính trị.

6 điểm cần biết để dỡ bỏ hạn chế

Tuần này, WHO đã công bố một danh sách gồm 6 điểm dành cho các quốc gia xem xét dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, gồm: (1) tình trạng lây nhiễm phải được kiểm soát, (2) các hệ thống y tế phải có năng lực phát hiện, xét nghiệm, cách ly và điều trị mọi ca nhiễm cũng như theo dõi mọi tiếp xúc, (3) các nguy cơ bùng phát phải được giảm thiểu, đặc biệt tại các bệnh viện và viện dưỡng lão, (4) trường học và công sở phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, (5) quản lý các nguy cơ “nhập” ca nhiễm, (6) giáo dục cộng đồng điều chỉnh phù hợp với “chuẩn mực mới” của cuộc sống thường ngày.

BÌNH AN
TTO