27/12/2024

Các nước thận trọng nới phong toả, mở cửa lại

Các nước thận trọng nới phong toả, mở cửa lại

Nhiều nước đang từng bước nới phong toả và mở cửa lại nhằm giảm bớt tác động kinh tế – xã hội từ đại dịch Covid-19.
Một quầy báo mở cửa trở lại tại Venice sau khi Ý nới lỏng quy định chống Covid-19 /// Reuters

 

Một quầy báo mở cửa trở lại tại Venice sau khi Ý nới lỏng quy định chống Covid-19  Reuters

Nới lỏng từng bước

Reuters hôm qua đưa tin Hàn Quốc quyết định gia hạn giãn cách xã hội thêm 15 ngày nhưng nới lỏng các quy định sau khi ghi nhận 8 ca nhiễm Covid-19 trong ngày 18.4 – con số thấp nhất trong 2 tháng. Theo quy định mới, các cơ sở có nguy cơ cao như nhà thờ sẽ được phép mở cửa và các sự kiện thể thao được tổ chức không có khán giả. Thủ tướng Chung Sye-kyun cho biết có thể chuyển sang “giữ khoảng cách xã hội thông thường” từ ngày 6.5 nếu tình hình dịch bệnh không chuyển biến xấu, cho phép nền kinh tế mở cửa lại nhưng vẫn duy trì các quy định về khử trùng và phòng chống vi rút lây nhiễm trong đời sống thường ngày của người dân.
Tương tự, Israel cũng nới lỏng các quy định trong “kế hoạch trách nhiệm và từng bước” đối với lĩnh vực văn phòng và sản xuất. Theo AFP, Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm qua cho phép một số cửa hàng và một trường học dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt được mở cửa lại, nhưng nhấn mạnh sẽ có lệnh phong tỏa mới nếu số ca nhiễm lại tăng.
Tại châu Âu, Ý mở cửa lại các hiệu sách, cửa hàng giặt ủi, trong khi Đan Mạch cho phép học sinh cấp thấp đi học trở lại, theo CNN. Áo cho phép các cửa hàng nhỏ hoạt động lại và Đức sẽ có chính sách tương tự trong tuần này. Tây Ban Nha dự định gia hạn phong tỏa đến ngày 9.5 nhưng linh động hơn và Thủ tướng Pedro Sanchez sẽ đưa ra quyết định sau khi thảo luận với các lãnh đạo vùng.
Các nước thận trọng nới phong tỏa, mở cửa lại1

 

Một cửa hiệu quần áo mở cửa trở lại tại Innsbruck, Áo  Ảnh: AFP

Trong nỗ lực phục hồi kinh tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết một số doanh nghiệp tại các bang Texas và Vermont sẽ được hoạt động lại vào ngày 20.4, còn bang Montana nới lỏng các quy định vào ngày 24.4. Nằm trong kế hoạch “mở cửa nước Mỹ”, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã đưa ra hướng dẫn mới nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Một quan chức ngành y tế cho biết Mỹ sẽ có công nghệ xét nghiệm mới và công nghệ di động theo dõi việc tiếp xúc của người dân để phòng dịch.

Thận trọng cần thiết

Trong khi đó, các chuyên gia tại Đại học Harvard cho rằng Mỹ không thể mở cửa lại một cách an toàn trong tháng tới nếu như không gia tăng xét nghiệm gấp 3 lần so với con số hiện tại là 146.000 người/ngày.
Trước tình hình nhiều nước đang nới lỏng phong tỏa nhằm mở cửa lại, chuyên gia Peter Drobac tại Đại học Oxford (Anh) cho rằng đây là “những ví dụ quan trọng và được kỳ vọng” cho phương Tây. Theo ông, các nước này có điểm chung là nằm trong nhóm đầu tiên ở châu Âu áp dụng phong tỏa hoặc cách ly xã hội nghiêm khắc, bên cạnh việc tăng nhanh tốc độ xét nghiệm, nên việc nới lỏng có thể là giải pháp hợp lý. Chuyên gia này khuyến cáo các nước chỉ nên nới lỏng các quy định nếu có đủ 3 yếu tố gồm số ca nhiễm mới ổn định, hệ thống y tế đủ đáp ứng mà không cần đến các bệnh viện dã chiến và có hệ thống xét nghiệm hàng loạt, xác định người tiếp xúc và cách ly.
Nguy cơ bùng phát nợ tại Mỹ sau dịch
Theo The Washington Post ngày 19.4, nợ công và nợ doanh nghiệp tại Mỹ đang tăng nhanh chưa từng thấy với hàng ngàn tỉ USD bù đắp thiệt hại kinh tế vì đại dịch Covid-19. Giới phân tích dự báo chính quyền liên bang sẽ bội chi gần 4.000 tỉ USD, mức thâm hụt ngân sách kỷ lục trong nhiều thập niên. Theo ước tính của Ủy ban Ngân sách liên bang có trách nhiệm (CRFB), nợ công sẽ cao hơn giá trị 21.000 tỉ USD của nền kinh tế Mỹ vào tháng 9, với tỷ lệ vượt kỷ lục cũ là 106% vào năm 1946. Nợ doanh nghiệp cũng lập kỷ lục mới với các tập đoàn lớn như ExxonMobil và Walgreens vốn đã đuối sức sau nhiều thập niên nợ, còn tình trạng thất nghiệp đạt mức cao nhất kể từ Đại suy thoái. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo nợ cao sẽ tạo những “vết sẹo”, gây khó khăn cho quyết định dừng hỗ trợ sau đại dịch và khiến nền kinh tế dễ bị ảnh hưởng hơn so với trước đây, bên cạnh nguy cơ tăng trưởng thấp.
KHÁNH AN
TNO