23/11/2024

Bộ Tài chính vẫn giữ mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng: Đừng đẩy khó cho dân

Bộ Tài chính vẫn giữ mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng: Đừng đẩy khó cho dân

Trong tờ trình số 59 vừa được gửi lên Chính phủ để lấy ý kiến các thành viên, Bộ Tài chính vẫn giữ mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) mới là 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc như đề xuất trước đó.

 

 

Bộ Tài chính vẫn giữ mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng: Đừng đẩy khó cho dân - Ảnh 1.

Các chuyên gia kiến nghị nên có chính sách miễn, giảm thuế TNCN cho người làm công ăn lương, vì đây cũng là đối tượng bị ảnh hưởng khá nặng nề do dịch COVID-19 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tôi cho rằng nên nâng mức GTGC cho người nộp thuế lên 14 triệu đồng/tháng, đồng thời sửa luật để Chính phủ được phép điều chỉnh mức GTGC khi chỉ số giá tăng quá 5% nhằm theo sát thực tế, chứ không nên đợi trình lên Quốc hội.

Ông Nguyễn Văn Được (tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín)

Các chuyên gia cho rằng nên tính lại mức GTGC này bởi đã lạc hậu ngay cả khi chưa áp dụng, đồng thời có chính sách giảm, giãn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho người làm công ăn lương bị giảm thu nhập vì chịu ảnh hưởng nặng từ dịch COVID-19.

Thu nhập sụt giảm, vẫn bị tạm trừ thuế

Chị Kim Hoa (Tân Bình) cho biết hai mẹ con chị mua trả góp căn hộ chung cư, đang nợ ngân hàng (NH) hơn 1 tỉ đồng. Ngoài chi phí sinh hoạt, hằng tháng chị Hoa phải trả cả nợ gốc lẫn lãi cho NH hơn 15 triệu đồng. Khi chưa xảy ra dịch COVID-19, mỗi tháng thu nhập của chị được khoảng 25 triệu đồng, vừa vặn chi tiêu và trả nợ NH.

Căn cứ vào mức tăng của chỉ số giá là 23,2%, tính từ ngày 1-7-2013 đến hết tháng 12-2019, Bộ Tài chính đề xuất mức GTGC 11 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc. Nếu muốn nâng mức GTGC cao hơn, trước tiên phải sửa luật. Tuy nhiên, chương trình xây dựng pháp luật trong năm nay chưa có Luật thuế TNCN.

Ông Phạm Đình Thi (vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính)

Tuy nhiên, thu nhập của gia đình chị sụt giảm mạnh trong ba tháng qua do tác động của dịch COVID-19 nhưng chị vẫn đều đặn bị công ty tạm khấu trừ thuế TNCN.

“Gồng gánh vừa chi tiêu sinh hoạt vừa trả nợ NH tôi muốn ngộp thở. Cơ quan thuế đã có chính sách giãn thuế cho doanh nghiệp (DN), sao không có chính sách hỗ trợ cá nhân, đặc biệt là những người có mức thu nhập chịu thuế ở những bậc đầu trong biểu thuế lũy tiến” – chị Kim Hoa nói.

Tương tự, anh Hữu Hoàng (Phú Nhuận) cũng cho biết đã vay NH hơn 2 tỉ đồng mua căn hộ chung cư. Trước đây anh có thể trang trải khoản tiền gốc và lãi 40 triệu đồng hằng tháng nhờ tiền lương của anh và nguồn từ kinh doanh thực phẩm của vợ.

Tuy nhiên, mấy tháng nay hoạt động kinh doanh gần như tê liệt do dịch, thu nhập của bản thân anh cũng sụt giảm.

“Giờ tôi phải vay mượn người thân để đóng gốc lãi hằng tháng cho NH trong khi tiền lương tháng nào cũng bị “khấu trừ tại nguồn” trước khi chi trả. Lẽ ra phải có chính sách miễn hoặc giảm ít nhất 50% thuế TNCN trong năm 2020 và tạm ngừng khấu trừ trong vòng sáu tháng để giúp những người làm công ăn lương, nhất là những người vay trả góp NH vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay” – anh Hoàng kiến nghị.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, người làm công ăn lương cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 do các DN thu hẹp hoạt động kinh doanh, thắt chặt hầu bao, thậm chí cho người lao động nghỉ luân phiên để giảm chi phí.

Chị Hằng, nhân viên một NH tại TP.HCM, cho hay NH đã ra thông báo thực hiện chế độ nghỉ không lương hoặc làm việc tại nhà luân phiên hưởng 50% lương, chưa kể giảm lương kinh doanh 10-30% tùy theo xếp loại thi đua.

“Khi thu nhập tốt tôi đóng thuế đều đặn, nhưng hiện nay thu nhập của tôi sụt giảm mạnh do dịch nhưng vẫn chưa thấy chính sách hỗ trợ nào. Sao cơ quan thuế không giảm thuế TNCN và ngưng tạm thu thuế ít nhất sáu tháng để chúng tôi bớt chật vật mùa dịch?” – chị Hằng thắc mắc.

Phải được miễn, giảm thuế

Ông Nguyễn Đức Nghĩa – chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP.HCM, cho rằng dịch COVID-19 kéo dài khiến hầu như tất cả DN đều gặp khó khăn, gây ảnh hưởng dây chuyền đến người làm công ăn lương, đặc biệt trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có chính sách hỗ trợ DN chứ chưa có chính sách nào hỗ trợ người nộp thuế bị sụt giảm nguồn thu nhập.

“Tôi cho rằng cơ quan quản lý cũng nên xem xét giảm hoặc miễn nghĩa vụ thuế cho người làm công ăn lương trong giai đoạn gặp khó khăn này. Khi tình hình ổn định, thu nhập tốt lên, họ sẽ đóng góp trở lại. Đó cũng là cách nuôi dưỡng nguồn thu” – ông Nghĩa kiến nghị.

Theo chuyên gia Nguyễn Thái Sơn, mới chỉ có những đối tượng như bị chấm dứt hợp đồng lao động, người không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động tự do bị mất việc làm… được hỗ trợ. Trong khi đó, nhiều người làm công ăn lương bị sụt giảm thu nhập lại chưa có chính sách hỗ trợ.

“Có thể cơ quan thuế cho rằng khi thu nhập người làm công ăn lương bị sụt giảm, số thuế TNCN cũng sụt giảm theo. Nhưng theo tôi, khi có thu nhập tốt, người lao động đóng góp thuế cho ngân sách thì nay cũng nên có sự hỗ trợ ngược lại cho họ theo hướng giảm thuế TNCN, ngưng việc tạm thu thuế ít nhất sáu tháng đến khi tình hình trở lại như trước đây” – ông Sơn nói

Theo ông Sơn, nhiều quốc gia đã có chính sách hỗ trợ người dân, thậm chí phát tiền để họ vượt qua khó khăn, trong khi cơ quan thuế VN cứ tạm thu thuế TNCN hằng tháng là không công bằng và đẩy khó cho người lao động. “Trong bất kỳ tình huống nào, cơ quan quản lý nên là người chịu thiệt, chứ không nên đẩy khó cho người dân” – ông Sơn khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Được, tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, cũng kiến nghị nên miễn thuế TNCN cho người nộp thuế có thu nhập nộp thuế ở bậc 1 và 2 của biểu thuế lũy tiến từng phần và giảm 30% thuế số thuế TNCN của các đối tượng còn lại.

“Dù rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhưng không nên vì thế mà chần chừ vì người lao động đang rất cần được tiếp sức lúc này” – ông Được nói.

Bộ Tài chính vẫn giữ mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng: Đừng đẩy khó cho dân - Ảnh 4.

Nguồn: Bộ Tài chính – Đồ họa: N.KH.

Đừng đẩy khó cho người dân

Chuyên gia tài chính Ngô Trí Long cho biết tại hội nghị trực tuyến toàn quốc vào ngày 10-4, Bộ Tài chính báo cáo rằng việc đề xuất nâng mức GTGC cho người nộp thuế là một trong những giải pháp tài khóa nhằm tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh trước tác động của dịch COVID-19. “Tuy nhiên, theo tôi, báo cáo như vậy là không đúng và không thuyết phục. Bởi việc đề xuất này là thực thi luật chứ không phải hỗ trợ người nộp thuế.

Dù có dịch hay không vẫn phải nâng mức GTGC vì đến cuối tháng 12-2019 chỉ số giá đã tăng 23,2% rồi. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã là giữa tháng 4 mà mức GTGC vẫn chưa được sửa đổi, cho thấy sự chậm trễ của cơ quan quản lý” – ông Long nhấn mạnh, đồng thời cho rằng trong bối cảnh dịch COVID-19, lẽ ra Nhà nước nên gia hạn, thậm chí miễn, giảm tiền thuế cho những người làm công ăn lương có thu nhập đang nộp thuế ở bậc đầu để chia sẻ, tháo gỡ khó khăn với họ.

Cũng theo ông Long, ngoài việc nâng mức GTGC theo luật, trước mắt Chính phủ cần gia hạn tiền thuế TNCN trong năm nay, ít nhất sáu tháng tới để hỗ trợ, chia sẻ với người làm công ăn lương vơi bớt khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh này. “Vào năm 2009, để kích cầu vì suy giảm kinh tế, Chính phủ cũng cho miễn tiền thuế TNCN trong sáu tháng đầu năm cho nhiều đối tượng, trong đó có người có thu nhập từ tiền công, tiền lương. Mức độ khó khăn hiện nay còn nặng nề hơn, người làm công ăn lương càng cần được hỗ trợ nhiều hơn”, ông Long khẳng định

Bộ Tài chính vẫn giữ mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng: Đừng đẩy khó cho dân - Ảnh 5.

Người dân quyết toán thuế tại Cục Thuế TP.HCM, thời điểm trước khi có cách ly xã hội – Ảnh: Q.ĐỊNH

Ông Nguyễn Văn Được cũng cho rằng mức GTGC điều chỉnh là để áp dụng cho tương lai, tức 5-7 năm tới, trong khi Bộ Tài chính dựa trên chênh lệch giữa chỉ số giá từ tháng 7-2013 đến cuối năm 2019 là 23,2% để đề xuất mức GTGC mới. Như vậy, mức GTGC mới chưa được áp dụng đã lạc hậu.

“Tôi cho rằng nên nâng mức GTGC cho người nộp thuế lên 14 triệu đồng/tháng, đồng thời sửa luật để Chính phủ được phép điều chỉnh mức GTGC khi chỉ số giá tăng quá 5% nhằm theo sát thực tế, chứ không nên đợi trình lên Quốc hội” – ông Được kiến nghị.

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, mức GTGC đưa ra phải hợp lý và thuyết phục người nộp thuế, chứ không phải sẽ có bao nhiêu người được hưởng lợi từ chính sách đó như Bộ Tài chính giải thích. “Con số 1 triệu người được hưởng lợi từ chính sách cũng vô nghĩa khi không có cơ sở để so sánh, đối chiếu với những thiệt hại do sự bất cập của chính sách. Khi hoạch định, thực thi và truyền thông chính sách nên tính đến việc thuyết phục những người chịu thiệt hại hơn là nói về những người được hưởng lợi”, ông Bảo nói.

Ngân sách giảm thu hơn 10.000 tỉ đồng?

Theo Bộ Tài chính, cả nước hiện có khoảng 6,89 triệu người nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công với tổng số thuế thu được năm 2019 là trên 79.220 tỉ đồng. Việc nâng mức GTGC như đề xuất, theo Bộ Tài chính, sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013. Số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng nộp thuế.

Chẳng hạn với mức GTGC mới, người có thu nhập đến 15 triệu đồng/tháng và có một người phụ thuộc tới đây sẽ không phải nộp thuế nữa, thay vì nộp thuế ở mức 120.000 đồng/tháng như hiện nay. Người có thu nhập mỗi tháng 20 triệu đồng, có hai người phụ thuộc, mức thuế TNCN phải nộp tới đây chỉ còn 10.000 đồng/tháng thay vì 190.000 đồng/tháng theo mức GTGC đang áp dụng. Theo ước tính, với mức GTGC, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 10.300 tỉ đồng mỗi năm.

Muốn nâng mức GTGC phải sửa luật?

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đình Thi (vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính) cho biết vào ngày 3-4 vừa qua, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ số 59 về đề xuất nâng mức GTGC để lấy ý kiến các thành viên Chính phủ trước khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mức GTGC trình lên Chính phủ vẫn giữ như trước khi đưa lấy ý kiến góp ý hồi tháng 2-2020, đó là 11 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc, thay cho mức 9 triệu và 3,6 triệu đồng đang được áp dụng.

Trả lời các ý kiến cho rằng mức GTGC chưa áp dụng đã lỗi thời và cần được nâng lên, ông Thi cho rằng Bộ Tài chính không thể làm khác luật được. Bởi theo Luật thuế TNCN, khi chỉ số giá biến động từ 20%, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh mức GTGC theo mức biến động của chỉ số giá và áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo. “Căn cứ vào mức tăng của chỉ số giá là 23,2%, tính từ ngày 1-7-2013 đến hết tháng 12-2019, Bộ Tài chính đề xuất mức GTGC 11 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc.

Nếu muốn nâng mức GTGC cao hơn, trước tiên phải sửa luật. Tuy nhiên, chương trình xây dựng pháp luật trong năm nay chưa có Luật thuế TNCN” – ông Thi nói.

ÁNH HỒNG – LÊ THANH
TTO