Chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng, dịch
Covid-19 đã lây lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, cướp đi mạng sống của hơn 137.000 người và làm thay đổi gần như mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội ở khắp mọi nơi. Đây không còn là cuộc khủng hoảng y tế đơn thuần mà đã trở thành một cuộc khủng hoảng toàn diện.
Thế lưỡng nan
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây cảnh báo, kinh tế toàn cầu có thể phải trải qua một năm 2020 tồi tệ với tăng trưởng có thể giảm 3%. AFP hôm qua dẫn lời Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng một loại vắc xin phòng
Covid-19 an toàn và hiệu quả có thể là thứ duy nhất giúp thế giới quay trở lại “trạng thái bình thường”.
Cả
thế giới đều đang kỳ vọng vào loại vắc xin ấy, nhưng trước khi có được, một bài toán khó khác đang cần lời giải: làm sao để vừa phòng chống được dịch hiệu quả, vừa hạn chế thiệt hại về kinh tế, xã hội và đời sống người dân.
3 mặt trận khó khăn
Để giải quyết khủng hoảng y tế vì đại dịch Covid-19, bên cạnh các biện pháp phòng chống trong xã hội, giới chuyên gia y tế đang phải nhanh chóng và quyết liệt trên 3 mặt trận chính: nghiên cứu, sử dụng các loại thuốc sẵn có để chữa trị bệnh nhân; phát triển vắc xin ngừa Covid-19; tìm thuốc đặc trị mới để khắc chế vi rút. Tuy nhiên, theo tờ Wall Street Journal dẫn lời giới chuyên môn, quá trình này đều rất khó khăn và sẽ cần nhiều thời gian. Do đó, thế giới cần chuẩn bị cho việc ứng phó lâu dài và bước vào trạng thái “bình thường mới”.
Sau khi nhận thấy rõ sức tàn phá của đại dịch, các quốc gia và vùng lãnh thổ đã đóng cửa biên giới, phong tỏa, giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc, đóng cửa nhà máy, trường học. Các biện pháp quyết liệt ấy đã phát huy hiệu quả ở nhiều nơi, làm chậm hoặc ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Nhiều phân tích cũng chỉ ra, việc phong tỏa và giãn cách xã hội đã giúp cứu hàng chục ngàn người khỏi nguy cơ tử vong vì bệnh. Hơn thế nữa, các biện pháp này giúp giảm áp lực lên nhiều hệ thống y tế vốn chưa đủ sẵn sàng để chống chọi với làn sóng quá lớn như Covid-19. Thực tế cho thấy, một số nước chủ quan, phản ứng chậm trễ đã phải trả giá rất đắt.
Tuy nhiên, những biện pháp đó lại phải đánh đổi bằng thiệt hại kinh tế, xã hội. Tình trạng thất nghiệp gia tăng chóng mặt, hơn nửa dân số thế giới phải ở trong nhà, công xưởng, xí nghiệp đóng cửa, chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào trạng thái gián đoạn, nhiều ngành nghề tê liệt. Nếu kéo dài các biện pháp quyết liệt nói trên, cũng đồng nghĩa với việc các nước sẽ tiến gần hơn tới giới hạn chịu đựng của mình. Nhưng để khôi phục lại nền kinh tế và các lĩnh vực khác, nếu vội vàng, thiếu thận trọng có thể sẽ làm tình hình dịch bệnh khó lường hơn. Rõ ràng các nước đang đứng trước thế lưỡng nan giữa đại dịch.
Những bước đi đầu
Trung Quốc là nơi khởi phát của bệnh và sớm triển khai lệnh phong tỏa. Theo thông tin mà Trung Quốc công bố từ tháng 3, nước này đã qua đỉnh dịch và kiểm soát được, thậm chí có những ngày tuyên bố không ghi nhận ca nhiễm mới nên đã dỡ bỏ phong tỏa, nới lệnh hạn chế đi lại và tiến hành một loạt biện pháp khôi phục nền kinh tế.
Theo CNN, Trung Quốc hối thúc
người lao động trở lại làm việc, cố gắng khôi phục lòng tin vào kinh doanh trong nước cũng như quốc tế, đồng thời ngăn các công ty phá sản. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng rót lượng đầu tư lớn vào các dự án cơ sở hạ tầng để tạo việc làm. Nước này cũng giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ, yêu cầu
ngân hàng hoãn nợ cho các cá nhân và công ty gặp khó khăn để giúp họ sống sót qua dịch. Truyền thông nhà nước Trung Quốc phát đi thông điệp rằng nước này có thể bật dậy mạnh mẽ sau đại dịch, kêu gọi các công ty và nhà đầu tư nước ngoài không nên sợ hãi.
Trung Quốc tuyên bố chính sách của mình đã phát huy tác dụng khi phần lớn doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, chính họ cũng thừa nhận nỗ lực khôi phục kinh tế ẩn chứa nhiều nguy cơ, đặc biệt là làn sóng dịch thứ 2 có thể ập tới bất cứ lúc nào.
Không có mẫu số chung
Theo CNN, nhiều nước đang theo dõi tình hình Trung Quốc để đánh giá khả năng khôi phục kinh tế mà không ảnh hưởng đến việc kiềm chế dịch bệnh. Tuy vậy, giới chuyên gia cảnh báo không thể áp dụng hoàn toàn mô hình của Trung Quốc ở các nước khác vì tình hình diễn biến dịch bệnh là khác nhau và môi trường cũng như nguồn lực huy động cũng không giống nhau.
Mỹ và các nước châu Âu đang rục rịch kích thích lại nền kinh tế giữa lúc không ai dám chắc họ đã qua đỉnh dịch. Mặc dù ghi nhận số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 rất cao mỗi ngày, Mỹ và các nước châu Âu vẫn phải tìm “lối ra” để dần sống chung với bệnh khi chưa có thuốc đặc trị hay vắc xin nào.
Đức là quốc gia phương Tây mới nhất vạch rõ lộ trình khôi phục kinh tế, xã hội sau khi Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố “đường cong của dịch đã dần được làm phẳng”. Theo tờ The
New York Times, bà Merkel đã tham vấn những chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực để đưa ra kế hoạch nới dần hạn chế về kinh tế xã hội. Kế hoạch của bà nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo các bang và sẽ lần lượt được thực thi từ tuần tới. Cứ sau mỗi 2 tuần, chính phủ Đức sẽ đánh giá hiệu quả và dựa vào các dữ liệu y tế về tình hình dịch bệnh để đưa ra biện pháp tiếp theo. Mặc dù kế hoạch dựa trên các cơ sở khoa học, nhưng Thủ tướng Merkel vẫn thận trọng nói rằng “dục tốc bất đạt”. Bà đồng thời nhấn mạnh việc kiểm soát dịch bệnh của Đức vẫn chỉ là thành công tạm thời hết sức mong manh.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nóng lòng khôi phục kinh tế, nhưng ông phải thừa nhận chọn thời điểm nào là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời mình. Mỹ hiện là nước có số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 cao nhất toàn cầu và hệ thống y tế ở nhiều bang đã rơi vào tình trạng quá tải. Về mặt kinh tế, nền kinh tế lớn nhất thế giới bị cho là có thể rơi vào trạng thái rơi tự do, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng hàng triệu mỗi tuần. Tổng thống Trump ban đầu tuyên bố là người quyết định thời điểm mở cửa lại. Tuy nhiên, tuyên bố mang tính áp đặt của ông vấp phải sự phản đối của thống đốc nhiều bang. Đến hôm qua, chủ nhân Nhà Trắng cho biết sẽ ủy quyền cho các tiểu bang tự quyết định cách thức và thời điểm mở cửa lại nền kinh tế.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc, Mỹ, Đức hay các nước khác trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế đều phải cân nhắc rất kỹ, thận trọng và làm từng bước nếu không có thể sẽ phải trả giá đắt là mạng sống con người.