29/12/2024

Mỹ cắt tiền cho WHO gây hậu quả gì?

Mỹ cắt tiền cho WHO gây hậu quả gì?

Sau khi lời qua tiếng lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ‘trừng phạt’ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khi tuyên bố sẽ đóng băng khoản ngân sách đóng góp của Mỹ cho tổ chức này để chờ điều tra về cách phản ứng của WHO với đại dịch COVID-19.

 

Mỹ cắt tiền cho WHO gây hậu quả gì? - Ảnh 1.

Tổng giám đốc WHO Tedros (trái) và Tổng thống Trump đang “cơm không lành, canh không ngọt” – Ảnh: AFP

Theo Hãng tin Reuters, ngày 14-4 ông Trump tuyên bố đã chỉ đạo chính quyền ít nhất là tạm giữ lại khoản ngân sách đóng góp cho WHO vì cách xử lý dịch bệnh COVID-19 không tốt của họ.

Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng cùng ngày, ông Trump cáo buộc WHO đã “không hoàn thành trách nhiệm cơ bản của họ và phải chịu trách nhiệm”. Theo ông Trump, WHO đã quá hữu hảo với Trung Quốc trong những ngày mới phát dịch, từ đó khiến nhiều người bị chết oan.

15% ngân sách của WHO

Theo đó, Washington tạm giữ lại tiền đóng góp cho WHO và dành thời gian 60-90 ngày để xem xét, “đánh giá về vai trò của WHO trong những sai sót quản lý nghiêm trọng và che giấu sự lây lan của virus corona”.

Tổng thống Mỹ tuyên bố Washington sẽ thảo luận với các đối tác y tế toàn cầu về việc họ sẽ làm gì với hàng triệu USD vốn bình thường đóng góp cho WHO. Theo tạp chí Sciencemag của Hiệp hội Mỹ vì sự phát triển khoa học, ông Trump không nói cụ thể ông có ý định giữ lại bao nhiêu trong số ngân sách Mỹ đóng góp cho WHO.

Mỹ là nước có đóng góp ngân sách tổng thể lớn nhất cho WHO với khoản đóng góp mỗi năm từ 400-500 triệu USD, theo Đài CNN. (Ông Trump lưu ý Trung Quốc chỉ góp 40 triệu USD/năm cho WHO).

Trong năm 2019 khoản đóng góp này là hơn 400 triệu USD, chiếm khoảng 15% ngân sách của WHO. Trong 2 năm 2018 và 2019, Mỹ góp cho WHO gần 900 triệu USD trong tổng cộng 5,6 tỉ USD ngân sách của tổ chức này.

Theo trang Sciencemag, nhìn chung Nhà Trắng có thể trì hoãn giải ngân các khoản ngân sách đã được quốc hội phê chuẩn cho một mục đích cụ thể, nhưng nếu hủy luôn việc chi tiêu này thì cần phải được quốc hội đồng ý. Bởi thế ông Trump có thể chuyển đổi một số khoản ngân sách vốn dành cho WHO sang những mục đích tương tự khác mà không cần phải xin ý kiến quốc hội.

Tuyên bố của ông Trump đã vấp phải phản đối ngay trong nội bộ nước Mỹ. Rất nhiều cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các tổ chức y khoa của Mỹ, đã lên tiếng cảnh báo ông Trump về hậu quả khôn lường của động thái này. Hiệp hội Y khoa Mỹ (AMA) gọi đây là “bước nguy hiểm trong định hướng sai lầm”, kêu gọi tổng thống cân nhắc lại quyết định.

Thông cáo của chủ tịch AMA, bà Patrice A. Harris, nêu: “Việc chống lại một đại dịch toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác quốc tế và phụ thuộc vào khoa học cũng như dữ liệu. Việc cắt ngân sách cho WHO, thay vì tập trung cho các giải pháp, là một động thái nguy hiểm ở một thời khắc hiểm nghèo với thế giới”.

Với rất đông nghị sĩ Đảng Dân chủ, ngoài việc lên án quyết định của ông Trump, họ còn cáo buộc chính quyền của tổng thống đang cố tìm cách đổ lỗi cho WHO cũng như bên ngoài về những sai lầm hay quyết định sai của họ khi ứng phó dịch bệnh COVID-19.

Nhiều đóng góp cho thế giới

Cần phải nhắc lại vào thời điểm ông Trump đưa ra tuyên bố giữ lại ngân sách đóng góp của Mỹ cho WHO, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, thế giới đã có hơn 2 triệu ca COVID-19 và hơn 125.000 người chết vì bệnh này.

Thời gian qua, WHO đã kêu gọi các nguồn đóng góp với mục tiêu có được hơn 1 tỉ USD để trang trải cho các hoạt động chống dịch COVID-19. Giờ đang là lúc cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc cần nguồn tài lực hơn bao giờ hết khi phải lĩnh xướng cuộc chiến chống dịch bệnh đang rất cam go.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Sciencemag tháng 12 năm ngoái, tổng giám đốc WHO Tedros cho biết chính sự phụ thuộc của WHO vào một vài nhà tài trợ khiến tổ chức này rất dễ tổn thương. “Nếu một trong số họ từ chối cấp tiếp ngân sách – ông nói – WHO có thể bị sốc nghiêm trọng”.

Ngân sách của WHO dành cho các công việc như giúp tăng tốc nghiên cứu và phát triển vắcxin, thuốc điều trị các bệnh; giúp các nước có giải pháp ứng phó và phản ứng dịch bệnh hợp lý; điều phối công tác chống dịch toàn cầu; giúp người bệnh được tiếp cận dịch vụ y tế cần thiết; truyền thông về cách người dân có thể tự bảo vệ mình và người khác trước dịch bệnh…

Chẳng hạn, trong dịch COVID-19 hiện nay, WHO đã gửi các trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho các nhân viên y tế tại 133 quốc gia, cung cấp 1,5 triệu bộ kit xét nghiệm cho 126 nước, giúp các quốc gia xây dựng năng lực phản ứng dịch bệnh thông qua việc mở 6 khóa học online đa ngôn ngữ cho 1,2 triệu người, biên soạn và phổ biến hơn 40 tài liệu chỉ dẫn và khuyến nghị y tế cộng đồng.

WHO cũng đang điều phối công tác nghiên cứu điều trị COVID-19 với sự tham gia của 74 nước (các số liệu này công bố trên website của WHO).

Mỹ cắt tiền cho WHO gây hậu quả gì? - Ảnh 2.

Các nước đóng góp cho WHO trong 3 tháng đầu năm 2020 – Dữ liệu: Kim Thoa – Forbes – Đồ hoạ: T.ĐẠT

“Khẩu chiến” Trump – WHO

17-3-2020: “Tôi đã cảm nhận được đây là một đại dịch từ lâu trước khi nó được gọi là đại dịch” – ông Trump nói khoảng 1 tuần sau khi WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch.

18-3: “Nên cẩn trọng trong việc sử dụng từ ngữ vì điều này có thể khiến liên tưởng đến các cá nhân cụ thể khi nhắc đến virus corona chủng mới” – Mike Ryan, người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp WHO, phát biểu sau vụ ông Trump gọi “virus Trung Quốc”.

7-4: “WHO thật sự đã làm hỏng chuyện. Vì một số lý do, WHO được Mỹ tài trợ rất nhiều, song lại rất nghiêng về Trung Quốc” – ông Trump cho biết.

8-4: “Điều cần tập trung của tất cả đảng phái chính trị bây giờ là cứu mạng người. Làm ơn đừng chính trị hóa con virus này. Nếu muốn có thêm nhiều túi xác thì cứ làm chuyện đó” – Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

8-4: “Ông ấy (tổng giám đốc WHO) muốn chúng tôi mở biên giới, nhưng chúng tôi đã đóng mặc kệ ông ấy. Chúng tôi đưa ra một quyết định ngược lại WHO. Lúc ông ấy nói ‘chính trị hóa’, chính ông ấy mới đang chính trị hóa vấn đề” – ông Trump nói.

14-4: “Hôm nay tôi chỉ đạo cho chính quyền của mình ngừng tài trợ cho WHO, đồng thời tiến hành đánh giá vai trò của WHO trong việc quản lý kém và che giấu sự lây lan của dịch COVID-19” – Tổng thống Trump thông báo. (BẢO ANH)

Chưa phải lúc truy trách nhiệm

Ngay sau thông điệp của tổng thống Mỹ, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres lên tiếng phản bác, cho rằng giờ “không phải lúc để cắt giảm nguồn tiền cho các hoạt động của WHO cũng như của bất cứ tổ chức nhân đạo nào khác trong cuộc chiến chống virus”.

Dù thừa nhận “những bài học rút ra được từ đó là rất cần thiết để xử lý hiệu quả hơn với những thách thức tương tự vì chúng có thể xảy ra trong tương lai”, nhưng ông Guterres nhấn mạnh giờ chưa phải là lúc truy trách nhiệm, theo Reuters.

“Thế giới cần WHO hơn bao giờ hết”

Tỉ phú Bill Gates cho rằng “việc tạm dừng cung cấp ngân sách cho WHO trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng y tế thế giới là nguy hiểm”.

Nhà đồng sáng lập Tập đoàn Microsoft cho rằng: “Công việc của họ (WHO) đang làm chậm lại tốc độ lây lan của dịch bệnh COVID-19 và nếu công việc này bị dừng lại, không tổ chức nào khác có thể thay thế họ”. “Thế giới lúc này đang cần WHO hơn bao giờ hết” – ông Bill Gates nhấn mạnh.

Cùng ngày 15-4, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đánh giá: “Một trong những khoản đầu tư tốt nhất chính là củng cố Liên Hiệp Quốc, đặc biệt WHO, chẳng hạn về phát triển các xét nghiệm và vắcxin”.

Trong khi đó, nhận định về động thái của Mỹ, đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nói: “Chúng tôi lấy làm tiếc sâu sắc với quyết định ngừng tài trợ cho WHO của Mỹ. Không có lý do nào bào chữa cho động thái này vào thời điểm cần những nỗ lực của họ hơn bao giờ hết”.

Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thúc giục phía Mỹ thực hiện các trách nhiệm và nghĩa vụ của mình một cách thiết thực, hỗ trợ WHO lãnh đạo công tác chống dịch quốc tế. “Hành động của Washington sẽ ảnh hưởng tới các nước trên thế giới, gồm cả Mỹ” – Bắc Kinh nêu. (Đ.DƯƠNG – B.ANH)

D.KIM THOA
TTO