06/01/2025

Haiti : ‘Chết vì đói hay chết vì Covid-19?’

Haiti : ‘Chết vì đói hay chết vì Covid-19?’

Khi nói về việc chính phủ Haiti quyết định mở lại các nhà máy dệt may để có nguồn thu kinh tế, người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp nước này đã đặt vấn đề “chết vì đói hay chết vì Covid-19”.
Ngành dệt may chiếm đến 90% xuất khẩu của Haiti /// Ảnh: Reuters
Ngành dệt may chiếm đến 90% xuất khẩu của Haiti  Ảnh: Reuters
Theo Reuters, tuần tới Haiti sẽ tái hoạt động ngành dệt may vốn đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế nước này. Thủ tướng Joseph Jouthe, mới nhậm chức ngày 4.3.2020, vừa thông báo quyết định đó vào thứ Tư, đồng thời ngụ ý quốc gia nghèo nhất bán cầu phía Tây đã không rơi vào tình huống xấu nhất của đại dịch Covid-19 nhờ sớm ban hành tình trạng khẩn cấp.

Điều kiện eo hẹp nên cẩn trọng từ xa

Mật độ dân số cao, thiếu nước và cơ sở hạ tầng về vệ sinh cũng như dịch vụ y tế không đủ đáp ứng, điều kiện eo hẹp như vậy nên Haiti đã sớm đề cao ý thức phòng chống dịch bệnh. Sau khi phát hiện 2 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên cách đây gần 1 tháng, nước này lập tức ban bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa biên giới, trường học, những nơi thờ phượng và các khu công nghiệp.
Theo Bộ Y tế Haiti, nước này mới thực hiện khoảng 453 xét nghiệm Covid-19. Đến nay, Haiti chỉ ghi nhận 41 ca nhiễm virus corona với 3 người tử vong. Con số này thấp hơn nhiều so với nước láng giềng – CH Dominica với hơn 3.600 ca nhiễm và gần 200 người tử vong. Cả 2 nước đều có dân số khoảng 11 triệu người, nhưng Haiti ít có du khách hơn.
Thủ tướng Jouthe tự tin rằng “chúng tôi đã phản ứng rất tốt” và cho biết đang cân nhắc có nên kéo dài thời gian “tình trạng khẩn cấp” sắp sửa kết thúc.
Haiti : ‘Chết vì đói hay chết vì Covid-19?’ - ảnh 1

Quá nửa dân số Haiti sống dưới mức nghèo  Ảnh: Reuters

Dù thế nào, chính phủ nước này vẫn quyết định sẽ cho phép lĩnh vực sản xuất dệt may khởi động lại từ thứ Hai tới. Ngành dệt may chiếm đến 90% kim ngạch xuất khẩu của Haiti. Trước mắt, các nhà máy chỉ hoạt động khoảng 30% năng suất để đảm bảo giãn cách xã hội ở nơi làm việc.

“Nhà nghèo” nên phải ưu tiên kinh tế

Trên khắp thế giới, các quốc gia đang tranh luận khi nào là tốt nhất để nới lỏng những quy định cách ly xã hội phòng chống dịch Covid-19 và khởi động lại nền kinh tế. Quyết định của Haiti có vẻ khá sớm trong bối cảnh các chuyên gia y tế cảnh báo dịch bệnh chưa lên đến đỉnh ở châu Mỹ La tinh và vùng Caribbean.
Tuy nhiên, Haiti đang đặt nhu cầu kinh tế lên trên hết. “Vấn đề là sẽ chết vì đói hay chết vì Covid-19”, Georges Sassine – người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Haiti nhấn mạnh.
Ông Sassine chỉ ra rằng các khoản kiều hối, vốn là nguồn ngoại tệ chính của Haiti, năm nay có lẽ sẽ vô vọng vì người di cư Haiti thường ở nấc thang cuối cùng của nền kinh tế và sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất bởi suy thoái toàn cầu.
“Chính phủ không có đủ nguồn tài chính để hỗ trợ lương cho công nhân. Những nhà máy này không muốn mất thu nhập, ngoài ra cũng giúp đất nước cân bằng thu – chi”, kinh tế gia Etzer Emile lý giải.
Cách đây 2 tuần, vài nhà máy với khoảng 1/3 số công nhân ngành dệt may Haiti đã được phép tái hoạt động để sản xuất khẩu trang vải và phục trang y tế. Chính phủ nước này dự định sẽ phát miễn phí hàng triệu khẩu trang cho người dân. Quá nửa trong số họ sống dưới mức nghèo.
NGỌC THU
TNO