Trung Quốc đang đi trước trong cuộc đua ‘hậu dịch’ COVID-19?
Trung Quốc đang đi trước trong cuộc đua ‘hậu dịch’ COVID-19?
Nhà nghiên cứu địa chính trị Cyrille Bret ở Học viện Chính trị Paris (Pháp) đã khắc hoạ thế giới sau đại dịch trong bài phân tích “Sau khủng hoảng COVID-19: Ai thắng và ai thua?” trên trang The Conversation.
Hầu hết khủng hoảng lớn trên thế giới đều làm đảo lộn tương quan lực lượng về kinh tế, chính trị, chiến lược. Khủng hoảng y tế COVID-19 hiện nay cũng vậy.
Trung Quốc: Từ vật tế thần đến “bác sĩ toàn cầu”
Trong khủng hoảng COVID-19, uy tín quốc tế của Trung Quốc phát triển theo quỹ đạo hết sức bất ngờ.
Chỉ trong vài tuần, Trung Quốc đã chuyển từ quốc gia nguồn dịch bệnh sang vị thế của một “anh hùng hảo hán” đi chu cấp thiết bị y tế.
Là ổ dịch COVID-19 đầu tiên trên thế giới, Trung Quốc đã áp dụng liệu pháp sốc bằng cách cô lập cứng các tỉnh công nghiệp bị lây nhiễm, áp dụng biện pháp cách ly khắc nghiệt đối với dân chúng và dừng toàn bộ các dây chuyền sản xuất trong sáu tuần.
Kinh tế Trung Quốc phải chịu tổn thất nặng nề vào đầu năm 2020 sau giai đoạn tăng trưởng hạn chế năm 2019.
Cuối tháng 3-2020, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng Trung Quốc năm 2020 có thể chỉ đạt 0,1%.
Rủi ro chính trị trong nước cũng đáng kể vì tình hình gián đoạn mức tăng trưởng liên tục từ 30 năm nay có thể sẽ làm lòng dân lung lay.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã phục hồi rất nhanh. Từ hạ tuần tháng 3-2020, Trung Quốc đã gửi các bác sĩ, các nhà khoa học và nhiều triệu khẩu trang đi khắp thế giới.
Trong cuộc chạy đua về uy tín với Hàn Quốc và Singapore để khẳng định vị thế một cường quốc y tế mẫu mực, Trung Quốc muốn trở thành “bác sĩ toàn cầu” bằng cách vạch ra thiếu sót của các hệ thống y tế nước ngoài.
Trong cuộc đối đầu công khai với Mỹ, Trung Quốc từ vật tế thần vào đầu năm 2020 lại trở thành người dạy bài học cho một nước Mỹ đang bị dịch hoành hành.
Đối với Trung Quốc, thế giới hậu khủng hoảng đã bắt đầu.
Sản xuất công nghiệp nhanh chóng hồi phục dù tiêu dùng nội địa vẫn chưa. Sức hồi phục chưa đủ để bảo đảm tăng trưởng bền vững trong năm 2020 nhưng là điềm báo tích cực.
Trung Quốc đã đi trước một bước và thế giới hậu khủng hoảng sẽ còn tập trung nhiều vào Trung Quốc.
EU giữa chặng thập giá và Phục sinh
Liên minh châu Âu (EU) tương tự như Trung Quốc. Ban đầu dịch COVID-19 đối với EU chẳng khác gì con đường thập giá.
Khi EU trở thành ổ dịch thứ hai trên thế giới, mọi cái xấu lộ ra. Kinh hoàng trước số liệu tử vong nặng nề ở Ý và Tây Ban Nha, các nước châu Âu mạnh ai nấy xoay xở.
Mỗi nước áp dụng chính sách y tế riêng, từ phong tỏa rất nghiêm ngặt ở Ý đến khuyến cáo đơn giản ở Thụy Điển.
Đã có biểu hiện ích kỷ dân tộc. Ý cảm thấy bị bỏ rơi khi Pháp và Đức cấm xuất khẩu thiết bị y tế.
Về tài chính cũng thế. Các cuộc thảo luận về ngân sách bị ngăn chặn.
Bốn quốc gia thuộc “nhóm các nước tiết kiệm” (Hà Lan, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển) từ chối phát hành “trái phiếu corona”.
Nhân đó truyền thông Trung Quốc và Nga đã công khai chế giễu thái độ mất đoàn kết của châu Âu để tán dương hành động đoàn kết của họ, đặc biệt đối với Ý.
Dù vậy, còn quá sớm để đánh giá EU suy thoái nhanh chóng. Từ vấn đề thiếu phối hợp ban đầu, EU đã nhận ra cần phải trao cho Ủy ban châu Âu thêm nhiều quyền hạn.
Tuy yếu kém về y tế thì EU lại thể hiện được quyền lực về tài chính.
Các nước thành viên EU thoải mái thiết lập chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình nhờ tạm hoãn thực thi Hiệp định Ổn định và tăng trưởng (giới hạn thâm hụt ngân sách 3% và nợ quốc gia 60% GDP).
Các định chế tài chính (Ngân hàng Trung ương châu Âu và Cơ chế Ổn định châu Âu) cũng đã quyết định cho phép bơm tín dụng công vào kinh tế.
Hiện thời EU vẫn chưa bước vào thế giới hậu khủng hoảng. Và trong thế giới sau đại dịch ở châu Âu sẽ có tranh luận sâu sắc về ý nghĩa của tình đoàn kết.
Mỹ vẫn còn là điều bí ẩn
Thế giới hậu khủng hoảng vẫn còn xa vời với Mỹ. Từ lâu quen sống lạc quan dẫn đến lơ là, ban đầu Mỹ rất chậm chạp trong chuẩn bị thực hiện các biện pháp khẩn cấp, xây dựng kế hoạch hỗ trợ kinh tế và xây dựng phương án thoát khủng hoảng.
Nếu cuối cùng kế hoạch hỗ trợ kinh tế của Mỹ cũng được công bố và đã gây ấn tượng với khối lượng tài chính khổng lồ, uy tín chính trị của Mỹ lại bị chỉ trích.
Mỹ bị chế giễu vì thiếu chuẩn bị phòng chống dịch. Nỗ lực giảm thất nghiệp có thể giúp ông Trump trong vận động tái tranh cử đã bị xóa sạch.
Nói chung trước nay Mỹ rất trễ tràng trong tiếp cận nhiều khủng hoảng quốc tế nhưng sau đó vẫn không đánh mất vị trí quyền lực.
Năm 1917, Mỹ bất tay với các đồng minh châu Âu rất muộn nhưng cuối cùng được xem như nhân tố quyết định chiến thắng Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tuy tham chiến muộn nhưng Mỹ lại định hình châu Âu và hệ thống Hội Quốc Liên.
Hiện nay vẫn còn để ngỏ nhiều lựa chọn trong việc Mỹ chuẩn bị thế giới sau đại dịch.
Khủng hoảng y tế đã bắt đầu gây ra khủng hoảng kinh tế và có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị ở nửa cuối năm 2020.
Một số biến đổi dường như khó tránh khỏi, ví dụ khủng hoảng sẽ làm suy yếu lâu dài về ngân sách và chính trị đối với các quốc gia vốn đã suy yếu.
Ý, Tây Ban Nha rồi Hi Lạp và Bồ Đào Nha sẽ lại cảm thấy phụ thuộc vào Bắc Âu.
Ở châu Á, Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến lối thoát khủng hoảng của nhiều quốc gia phụ thuộc…
HOÀNG DUY LONG