01/11/2024

Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể đã thử nghiệm hạt nhân cấp độ thấp

Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể đã thử nghiệm hạt nhân cấp độ thấp

Trung Quốc có thể đã bí mật tiến hành nổ thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất ở cấp độ thấp, bất kể Bắc Kinh tuyên bố tuân thủ hiệp ước quốc tế cấm hoạt động này, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Xe quân sự mang tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 di chuyển qua quảng trường Thiên An Môn trong cuộc duyệt binh ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc hồi tháng 10.2019 /// Reuters

Xe quân sự mang tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 di chuyển qua quảng trường Thiên An Môn trong cuộc duyệt binh ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc hồi tháng 10.2019   Reuters
Trong một báo cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ lo ngại trước những hoạt động tại khu thử nghiệm La Bố Bạc ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc trong năm 2019, theo Reuters.
“Trung Quốc có thể chuẩn bị để vận hành khu thử nghiệm quanh năm, sử dụng buồng thử nghiệm nổ và thiếu minh bạch trong các hoạt động thử nghiệm hạt nhân“, báo cáo lưu ý, nhưng không nêu bằng chứng cụ thể về cuộc thử nghiệm hạt nhân cấp độ thấp.
Bộ Ngoại giao Mỹ đồng thời bày tỏ lo ngại Trung Quốc không tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế “zero yield”, tức thử hạt nhân không có phản ứng nổ dây chuyền.
Tiêu chuẩn này là một phần trong Hiệp ước Cấm thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện (CTBT) 1996. Đến nay, CTBT 1996 vẫn chưa có hiệu lực vì có 8 quốc gia ký kết nhưng chưa phê chuẩn, bao gồm Mỹ và Trung Quốc , theo Reuters. Dù vậy, Trung Quốc và Mỹ đã tuyên bố tuân thủ các điều khoản đã ký kết.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Trung Quốc thiếu minh bạch, bao gồm ngăn chặn các trạm cảm biến truyền dữ liệu đến hệ thống giám sát được vận hành bởi Tổ chức Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBTO).
CTBTO là tổ chức quốc tế được thành lập để đảm bảo các quốc gia tham gia ký kết tuân thủ CTBT 1996. Tổ chức này vận hành hệ thống giám sát trên toàn thế giới, kết nối với các trạm cảm biến.
Tờ The Wall Street Journal dẫn lời một người phát ngôn của CTBTO cho biết không có sự gián đoạn nào trong việc truyền dữ liệu từ 5 trạm cảm biến của Trung Quốc kể từ cuối tháng 8.2019 đến nay. Dù vậy, vẫn có sự gián đoạn bắt đầu vào năm 2018, theo người phát ngôn. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ vẫn chưa có phản ứng gì về thông tin trên.
Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ tiết lộ động thái của Bộ Ngoại giao là nhằm buộc Trung Quốc phải tham gia cùng Mỹ và Nga trong các cuộc đàm phán về một hiệp định kiểm soát vũ khí để thay thế hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START) năm 2010. New START là hiệp ước giữa Washington và Moscow, sẽ hết hạn vào ngày 5.2.2021.
New START hạn chế Mỹ và Nga không được triển khai hơn 1.550 đầu đạn hạt nhân, hạn chế tên lửa phóng từ mặt đất lẫn tàu ngầm. “Tốc độ và cách thức hiện đại hóa kho vũ khí của chính phủ Trung Quốc là đáng lo ngại và có nguy cơ gây bất ổn. Chính vì thế, Trung Quốc nên được đưa vào khuôn khổ kiểm soát vũ khí toàn cầu”, một quan chức cấp cao khác của Mỹ nói với Reuters.
Các chuyên gia ước tính Trung Quốc có khoảng 300 vũ khí hạt nhân. Chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần từ chối đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tham gia đàm phán hiệp ước kiểm soát vũ khí với lý lực lượng hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích phòng thủ và không gây ra mối đe dọa nào.
PHÚC DUY
TNO