29/12/2024

Dịch COVID-19 chiều 15-4: Toàn cầu vượt 2 triệu ca mắc, WHO nói ‘đừng để virus chia rẽ’

Dịch COVID-19 chiều 15-4: Toàn cầu vượt 2 triệu ca mắc, WHO nói ‘đừng để virus chia rẽ’

Tổng số ca nhiễm toàn cầu đã vượt qua con số 2 triệu, trong đó Mỹ chiếm gần 1/3 (hơn 614.000 ca). Trong khi đó, theo AFP, một nửa số ca nhiễm toàn cầu là ở châu Âu.

 

 

 

Dịch COVID-19 chiều 15-4: Số ca nhiễm toàn cầu vượt mốc 2 triệu, một nửa ở châu Âu - Ảnh 1.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

* Bản tin cập nhật lúc 20h30 ngày 15-4

Theo cập nhật của trang Wordometers, số ca bệnh COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 2.000.134 ca, trong đó có 126.757 ca tử vong và 484.600 ca đã hồi phục. Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm cao nhất thế giới, với hơn 614.000 ca, kế đến là Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức. Mỹ cũng là quốc gia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới, với hơn 26.000 ca.

Tổng giám đốc WHO: Đừng để virus corona tận dụng vết nứt chia rẽ

Tối 15-4 (giờ Việt Nam), cuộc họp báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã diễn ra với trung tâm chú ý là Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Dư luận mong chờ phản ứng chính thức đầu tiên của ông Tedros kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tạm ngưng viện trợ cho WHO, vì cho rằng tổ chức này hoạt động không hiệu quả.

Tại họp báo, ông Tedros tỏ ra chừng mực khi nói rằng ông thấy rất tiếc với quyết định của ông Trump. Tuy nhiên người đứng đầu WHO khẳng định Mỹ đã là người bạn lâu dài và rộng lượng của WHO, và “chúng tôi hi vọng điều đó sẽ tiếp tục”, theo Reuters.

Ông Tedros ngoài ra cũng nói rằng “chúng ta đang bị chia rẽ”, và “virus sẽ khai thác vết nứt giữa chúng ta”.

“WHO rất biết ơn nhiều quốc gia, tổ chức và cá nhân, những người đã thể hiện sự ủng hộ và cam kết với WHO trong những ngày gần đây, bao gồm cam kết tài chính của họ. Chúng tôi hoan nghênh sự đoàn kết toa cầu vì sự đoàn kết này là nguyên tắc của cuộc chơi để đánh bại COVID-19. WHO đang tiếp tục công việc của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu từng phút, từng giờ đối với con virus này, và đang học hỏi từ nhiều nước xem điều gì hiệu quả, và chúng tôi chia sẻ thông tin ấy với thế giới”, người đứng đầu WHO nói.

EU, Anh, Pháp… lên tiếng vụ Trump – WHO

Sau tuyên bố tạm ngưng tài trợ cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) của ông Trump, ngày 15-4 nhiều nước thể hiện lập trường không muốn gây bất ổn cho sự hoạt động của WHO vào thời điểm này.

Đại diện cấp cao EU phụ trách Đối ngoại, ông Josep Borrell cho biết “rất lấy làm tiếc” với quyết định tạm của ông Trump. “Không có lý do gì biện minh cho động thái này, tại thời điểm các nỗ lực của họ đang cần thiết hơn bao giờ hết trong việc giúp ngăn chặn và kiềm chế đại dịch virus corona. Chỉ khi hợp tác với nhau chúng ta mới vượt qua cuộc khủng hoảng không biên giới này”, ông Borrell nói.

Các thành viên khác của EU không lên án ông Trump nhưng ngỏ ý khẳng định tầm quan trọng của WHO trong giai đoạn đại dịch cũng như nhu cầu chung tay giúp đỡ nhau. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 15-4 khẳng định việc tăng cường cho WHO là một trong những công việc đầu tư tốt nhất.

Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh cũng nhấn mạnh Anh tin rằng WHO có vai trò quan trọng trong việc dẫn đầu các nỗ lực ứng phó dịch COVID-19 trên toàn cầu: “Quan điểm của chúng tôi là Vương quốc Anh không có kế hoạch ngừng tài trợ cho WHO, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn đầu công tác ứng phó y tế toàn cầu”.

Trước đó trong tuần này, Anh đã công bố kế hoạch tăng cường đóng góp cho WHO lên 65 triệu bảng (81 triệu USD), theo Reuters.

Quyết định của ông Trump ngoài ra còn bị “người nhà” phản ứng. Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield nói WHO “lâu nay đã và vẫn là một đối tác tuyệt vời với chúng tôi”.

Ông nói với CBS News: “Đối với tôi và CDC cũng như lĩnh vực y tế công cộng, chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với WHO để làm tốt nhất những gì có thể, nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh và bảo vệ người Mỹ”.

Dịch COVID-19 chiều 15-4: Số ca nhiễm toàn cầu vượt mốc 2 triệu, một nửa ở châu Âu - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Singapore ghi nhận số ca kỉ lục trong ngày 

Bộ Y tế Singapore ngày 15-4 cho biết nước này có thêm 447 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.699. Đây là số ca kỉ lục trong một ngày của Singapore từ đầu dịch đến nay. Theo Reuters, 404 trong số 447 ca nhiễm mới công bố ngày 15-4 liên quan tới các khu vực cư trú dành cho công nhân nhập cư.

Pháp hứa thưởng nhân viên y tế tuyến đầu 1.500 euro

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe ngày 15-4 cho biết nhân viên y tế tại các khu vực khó khăn nhất ở Pháp trong dịch COVID-19 sẽ nhận thêm 1.500 euro (gần 40 triệu đồng). Đây là số thù lao tăng lên so với mức chi trả thông thường cho việc làm thêm ngoài giờ, theo Reuters.

Phát biểu của ông Philippe được đưa ra sau một cuộc họp nội các nhằm ra quyết định đối với gói 110 tỉ euro cứu trọ nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng COVID-19.

Một nửa số ca nhiễm toàn cầu rơi vào châu Âu

AFP cho biết hơn một nửa tổng số trường hợp xác nhận nhiễm virus corona chủng mới đến nay thuộc về châu Âu. Tính trên lục địa, hiện châu Âu đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất so với các châu lục còn lại.

Hãng tin Pháp theo đó đếm tới 8h30 sáng ngày 15-4, và thấy châu Âu có 1.003.284 ca nhiễm virus corona chủng mới, trong đó có 84.465 trường hợp tử vong.

Toàn thế giới trong khi đó có 1.991.019 trường hợp mắc COVID-19, với tổng cộng 125.955 ca tử vong được xác nhận.

Số liệu của AFP có chút chênh lệch so với ĐH Johns Hopkins. Trường đại học có trụ sở tại Maryland (Mỹ) này đang là nguồn tin được nhiều tờ báo quốc tế tham khảo. Tính tới 11h30 sáng theo giờ Anh, Johns Hopkins ghi nhận toàn cầu có 1.988.143 trường hợp mắc COVID-19.

Đến chiều 15-4, Bộ Y tế Tây Ban Nha cho hay số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã tăng thêm 523 ca trong 24 giờ qua (ít hơn con số 567 của ngày trước đó), nâng tổng số ca tử vong lên 18.579. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm ở nước này đã tăng lên 177.633 ca.

Thụy Sĩ ngày 15-4 ghi nhận thêm 973 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca đã mắc COVID-19 ở nước này lên 26.336 ca.

Tại Iran, số ca tử vong đã tăng thêm 94 trong 24 giờ qua, lên tổng cộng 4.777, trong khi tổng số ca nhiễm hiện là 76.389.

EU ước tính mất một năm nữa mới có văcxin

Báo Guardian (Anh) dẫn lời Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) của Liên minh châu Âu (EU) ước tính phải mất một năm mới có văcxin sử dụng rộng rãi cho việc ngừa virus corona. Cụ thể EMA cho rằng một năm là giai đoạn để sẵn sàng cho việc phê chuẩn và sản xuất đủ số lượng cung cấp cho việc sử dụng văcxin trên diện rộng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen trước đó từng nói rằng văcxin có thể có mặt trên thị trường vào “trước mùa thu”. Hiện EU cũng cam kết chi nhiều tiền hơn vào nghiên cứu văcxin, cũng như đẩy nhanh các bước quy định dành cho việc sử dụng, ví dụ thử nghiệm lâm sàng.

Dù Ủy ban châu Âu không có quyền hành trong việc chấm dứt hay mở rộng các biện pháp đóng cửa biên giới, cửa hàng hay doanh nghiệp, cơ quan này cũng đang khuyến khích các nước cân nhắc ba yếu tố trước khi nới lỏng biện pháp xã hội, bao gồm: tình hình bệnh dịch, năng lực y tế và năng lực giám sát.

Bộ Y tế Philippines cho biết nước này ghi nhận thêm 14 ca tử vong và 230 ca nhiễm mới. Như vậy, tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Philippines đã lên tới 349, còn tổng số ca nhiễm là 5.453. Trong khi đó, số ca hồi phục tăng thêm 58, lên tổng cộng 353. Philippines hiện là quốc gia có số ca nhiễm cao nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Malaysia ghi nhận thêm 85 ca nhiễm mới, lên tổng cộng 5.072 ca. Nước này ghi nhận thêm 1 ca tử vong mới.

Nga ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục trong ngày

Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Trung tâm phản ứng COVID-19 của Nga cho hay Nga ngày 15-4 ghi nhận thêm 3.388 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 24.490. Đây là số ca nhiễm tăng thêm trong một ngày cao nhất tới nay ở nước này. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 ở Nga tăng thêm 28 ca, lên tổng cộng 198 ca.

Pháp hoãn Tour de France

Liên đoàn xe đạp quốc tế (UCI) ngày 15-4 cho biết giải đua xe đạp vòng quanh nước pháp Tour de France sẽ bị hoãn tới ngày 29-8 vì tình hình COVID-19. Trước đó giải đua xe nổi tiếng thế giới này dự kiến tổ chức từ ngày 27-6 tới 19-7.

Hôm đầu tuần, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói không cho phép tổ chức các sự kiện công cộng ở Pháp cho tới giữa tháng 7. Đây là một phần trong nỗ lực kiểm soát lây lan dịch bệnh ở Pháp, nước cũng đang đứng thứ tư toàn thế giới về số lượng ca nhiễm virus corona chủng mới.

Phía UCI nói thêm rằng giải đua ở Ý (Giro d’Italia) và Tây Ban Nha (Vuelta a España) cũng sẽ chịu sự điều chỉnh theo một lịch mới như Tour de France. Trong khi đó giải đua vô địch thế giới dành chon am ở Martigny (Thụy Sĩ) vẫn diễn ra theo kế hoạch cũ, từ ngày 27-9.

Dịch COVID-19 chiều 15-4: Số ca nhiễm toàn cầu vượt mốc 2 triệu, một nửa ở châu Âu - Ảnh 4.

Người dân đi bỏ phiếu tại Seoul, Hàn Quốc ngày 15-4 – Ảnh: REUTERS

Hàn Quốc tổ chức bầu cử giữa dịch COVID-19

Hàn Quốc vẫn tiến hành cuộc bầu cử bầu 300 đại biểu của Quốc hội khóa mới trong bối cảnh hầu hết các quốc gia trên thế giới đang thực hiện biện pháp giãn cách xã hội và một số nước đã hủy các cuộc bầu cử để chống dịch.

Khoảng 14.000 điểm bỏ phiếu đã mở cửa từ lúc 6h sáng 15-4 (giờ địa phương) khắp Hàn Quốc sau khi công tác khử trùng được tiến hành. Các cử tri đã được yêu cầu đeo khẩu trang và trải qua kiểm tra thân nhiệt. Bất kỳ ai có nhiệt độ cơ thể cao hơn 37,5 độ C sẽ được chuyển tới một khu đặc biệt. Dự kiến khoảng 44 triệu cử tri Hàn Quốc tham gia bỏ phiếu.

Chile ân xá 1.300 tù nhân để tránh COVID-19

Khoảng 1.300 tù nhân có nguy cơ cao bị lây nhiễm virus corona tại Chile sẽ được ân xá, sau khi Tòa án Hiến pháp nước này ngày 14-4 (giờ địa phương) thông qua một luật đặc biệt vừa được chính quyền Tổng thống Sebastian Pinera gửi lên.

Luật này sẽ có lợi cho các tù nhân trên 75 tuổi, những phụ nữ có con dưới 2 tuổi và phụ nữ mang thai. Trong khi đó các tù nhân phạm những tội chống nhân loại, giết người, bắt cóc, buôn ma túy và bạo lực gia đình sẽ không được ân xá.

Dịch COVID-19 chiều 15-4: Số ca nhiễm toàn cầu vượt mốc 2 triệu, một nửa ở châu Âu - Ảnh 5.

Cựu binh Ermando Armelino Piveta trong ngày xuất viện ở Brazil – Ảnh: REUTERS

Cựu binh 99 tuổi ở Brazil thắng dịch COVID-19

Hãng tin Reuters ngày 15-4 đưa tin cựu binh Thế chiến 2 Ermando Piveta, 99 tuổi, đã được xuất viện sau nhiều ngày chữa trị vì nhiễm virus corona chủng mới. Cụ Piveta rời khỏi Bệnh viện Các lực lượng vũ trang tại thủ đô Brasilia trong tiếng vỗ tay của mọi người.

Trước đây, cụ Ermando Piveta từng phục vụ trong lực lượng pháo binh Brazil ở châu Phi thời kỳ Thế chiến 2.

“Giành được chiến thắng trong trận chiến này đối với tôi còn to lớn hơn chiến thắng trong Thế chiến. Trong chiến tranh, bạn sẽ thiệt mạng hoặc sống sót. Còn trong cuộc chiến này, bạn cần phải chiến đấu để sống”, cụ Piveta chia sẻ.

Đan Mạch: Quốc gia châu Âu đầu tiên mở lại trường học

Hãng tin AFP cho biết Đan Mạch đã bắt đầu mở lại các trường học trong ngày 15-4 sau khi đóng cửa cả tháng trời vì dịch COVID-19. Đây là quốc gia đầu tiên ở châu Âu có bước đi này.Các nhà trẻ, trường tiểu học tại Đan Mạch đã đóng cửa từ hôm 12-3. Tuy nhiên, với động thái mới, các lớp học hiện chỉ được mở lại ở khoảng một nửa đô thị tự trị của Đan Mạch và ở khoảng 35% số trường học của thủ đô Copenhagen.Số còn lại sẽ cần thêm một chút thời gian để điều chỉnh phù hợp với các quy định. Tất cả trường học dự kiến mở lại vào ngày 20-4.

Dịch COVID-19 chiều 15-4: Số ca nhiễm toàn cầu vượt mốc 2 triệu, một nửa ở châu Âu - Ảnh 6.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Báo Nhật: Dự đoán 400.000 ca tử vong nếu không có biện pháp ngăn dịch

Hãng tin Kyodo và báo Asahi của Nhật Bản dẫn một mô hình dự đoán của Bộ Y tế Nhật Bản cho biết số ca tử vong do COVID-19 ở nước này có thể lên tới 400.000, nếu Nhật Bản không thực hiện các biện pháp ngăn chặn virus.

Bộ Y tế Nhật Bản cũng ước tính số ca nghiêm trọng cần dùng máy thở có thể lên tới 850.000. Các số liệu được đưa ra dựa trên nghiên cứu từ giáo sư Hiroshi Nishiura ở Đại học Hokkaido – một trong các chuyên gia bệnh truyền nhiễm tham gia hỗ trợ chính phủ Nhật trong phản ứng với COVID-19.

Dịch COVID-19 chiều 15-4: Số ca nhiễm toàn cầu vượt mốc 2 triệu, một nửa ở châu Âu - Ảnh 7.
BẢO ANH – NHẬT ĐĂNG
TTO