07/01/2025

Doanh nghiệp nhiều nước chờ cứu trợ

Doanh nghiệp nhiều nước chờ cứu trợ

Dù nhiều nước thông qua các gói cứu trợ khủng cho nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng những khoản tiền vẫn chưa đến tay các doanh nghiệp.
Hàng quán Mỹ đìu hiu trong khi vẫn phải trả tiền mặt bằng và nhân viên /// The New York Times

Hàng quán Mỹ đìu hiu trong khi vẫn phải trả tiền mặt bằng và nhân viên  The New York Times

Mỹ khởi động nhanh, chạy chậm

Gói cứu trợ khổng lồ 2.300 tỉ USD của Mỹ đã đạt được sự thống nhất chưa từng thấy trong quốc hội để được thông qua chỉ trong vài ngày.
Tuy nhiên, nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục và chính sách đã khiến cho quá trình phân bổ bị trì trệ. Các doanh nghiệp phàn nàn rằng ngân hàng đã không thật sự giải quyết thủ tục cho vay một cách nhanh chóng, thậm chí còn cắt giảm hạn mức vay xuống thấp theo quy định của Chương trình Bảo vệ tiền lương PPP trị giá 350 tỉ USD. Ngược lại, các ngân hàng phụ trách trực tiếp việc cho vay đính chính rằng họ không nhận được hướng dẫn đầy đủ từ Bộ Tài chính Mỹ.
“Tôi đã được chấp thuận cho vay 25.000 USD, nhưng cuối cùng bị cắt xuống chỉ còn 8.300 USD mà không hiểu tại sao”, tờ The New York Times dẫn lời Deb Wood-Schade, chủ doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe ở California, nói và cho biết đã gửi thắc mắc qua email cho Cơ quan Quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA), nhưng chưa được hồi âm.
Tờ The Washington Post ngày 11.4 dẫn lời Bob Giaimo, chủ sở hữu chuỗi nhà hàng Silver Diner, thì lo lắng: “Được cho vay đã khó, dùng tiền vay ra sao còn khó hơn”.
Theo quy định của chương trình PPP, các doanh nghiệp phải sử dụng ít nhất 75% khoản tiền vay để trả lương cho nhân viên, nếu không sẽ phải trả lại cho ngân hàng vào tháng 6. Tuy nhiên, ông Bob Giaimo trước đó đã cho nghỉ việc 1.600 nhân viên, chỉ giữ lại 200 người cho công việc quản lý và giao hàng. Hầu hết những người nghỉ việc đang nhận trợ cấp thất nghiệp. Trong khi đó, ông Giaimo cần tiền để trả cho nhà cung cấp, chi phí thuê mặt bằng và tích trữ một ít để tái đầu tư khi dịch qua đi.
Bộ Tài chính Mỹ đến bây giờ vẫn chưa thống nhất được cách thức giải ngân gói cứu trợ trị giá 25 tỉ USD dành cho các hãng hàng không chuyên vận chuyển hành khách, mặc dù đã nhận hơn 230 đơn cầu cứu. Ban lãnh đạo các hãng hàng không lớn ngày 11.4 kêu gọi Bộ Tài chính sửa đổi điều kiện 30% trong khoản cứu trợ phải hoàn trả theo hình thức vay lãi suất thấp, vì cho rằng số tiền cứu trợ vẫn còn quá nhỏ so với thiệt hại của ngành hàng không.

Chạy đua cứu trợ

Ngày 11.4, Hạ viện Canada thông qua chương trình trợ cấp lương trị giá 73 tỉ CAD nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trả 75% lương cho người lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Canada có phần thất vọng khi chính quyền yêu cầu họ phải đợi qua hết tháng 5 để chứng minh mình sụt giảm ít nhất 30% doanh thu – điều kiện để có thể được nhận trợ cấp.
Tương tự, chính phủ Nhật Bản cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải làm thủ tục chứng minh doanh thu bị giảm 50% để được nhận trợ cấp tối đa 2 triệu yên. Đây là quy định trong gói cứu trợ khổng lồ 108.000 tỉ yên được Quốc hội Nhật thông qua ngày 7.4.
Chính phủ Nga thì đang bị doanh nghiệp chỉ trích vì có quá ít sự hỗ trợ, trong khi yêu cầu họ vẫn phải trả lương đầy đủ cho nhân viên. Điện Kremlin sau đó đã xoa dịu tình hình bằng gói cho vay không lãi suất trong tối đa trị giá 150 tỉ Rúp (hơn 2 tỉ USD), theo Reuters.
Trước đó, EU ngày 9.4 cuối cùng đã thông qua gói cứu trợ trị giá 500 tỉ euro (gần 547 tỉ USD), theo CNN. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được bảo lãnh vay 200 tỉ euro từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB). Tuy đã nhận được sự đồng thuận của các nước, việc giải ngân gói cứu trợ dự kiến sẽ mất rất nhiều thời gian.
XUÂN THU THUỶ
TNO