27/12/2024

Không dễ xuất khẩu khẩu trang, quần áo bảo hộ phòng dịch

Không dễ xuất khẩu khẩu trang, quần áo bảo hộ phòng dịch.

Thị trường khẩu trang thế giới đang rất sôi động do tình trạng khan hiếm khẩu trang, nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết không phải đơn vị nào cũng xuất khẩu được khẩu trang vải, bởi phải đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn và thủ tục phức tạp.

 

Không dễ xuất khẩu khẩu trang, quần áo bảo hộ phòng dịch - Ảnh 1.

Sản xuất khẩu trang nano kháng khuẩn tại Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG (Thái Nguyên) – Ảnh: NG.HOÀNG

Theo Bộ Công thương, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp (DN) trong nước hiện đạt gần 9 triệu sản phẩm khẩu trang/ngày, trong đó 60% là khẩu trang vải đạt tiêu chí phòng chống dịch. Tuy nhiên, việc xuất khẩu không đơn giản bởi đây là mặt hàng khá mới với nhiều quốc gia, các tiêu chuẩn cho sản phẩm này vẫn chưa có hoặc đang được xây dựng.

Phải vượt qua thủ tục phức tạp

Ông Nguyễn Văn Thời, chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và thương mại TNG (Thái Nguyên), cho biết với năng lực cung cấp tối đa 100.000 sản phẩm/ngày với quần áo bảo hộ và 150.000 sản phẩm khẩu trang phục vụ phòng dịch, DN này không chỉ nhắm đến thị trường nội địa mà còn hướng đến thị trường xuất khẩu.

Do đó, ngay từ khi sản xuất, DN đã phải liên hệ các cơ quan chức năng để xin chứng nhận kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn. Đơn cử như với mặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn, phải đáp ứng theo quy định 870 của Bộ Y tế về kỹ thuật tạm thời cho khẩu trang vải.

Bộ quần áo bảo hộ y tế phòng dịch Y0242 cũng phải được Trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng TQC thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam chứng nhận là trang thiết bị y tế nhóm A.

“May khẩu trang và đồ bảo hộ không khó nhưng cái khó là đáp ứng thủ tục của nhà nhập khẩu. Bởi việc đạt chứng chỉ y tế của EU và Mỹ hết sức khó khăn. Thị trường khẩu trang và đồ bảo hộ rất triển vọng trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, nhưng cơ hội chỉ dành cho những DN có được chứng chỉ đi châu Âu và Mỹ” – ông Thời khẳng định.

Theo ông Thời, TNG đang có kế hoạch xuất khẩu 250 triệu sản phẩm sang thị trường Pháp và Cộng hòa Czech trong thời gian tới, nhưng trước tiên phải đáp ứng được các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.

“Bình thường phải mất tới 4 tháng để xin được chứng chỉ, bởi hồ sơ yêu cầu nhiều thông số kỹ thuật… Tuy nhiên, do trong thời điểm cấp bách, DN đã thuê luật sư nước ngoài tư vấn, nên đã được cấp chứng chỉ sang EU và giờ đang làm tiếp thị trường Mỹ” – ông Thời chia sẻ.

Ông Thân Đức Việt, tổng giám đốc May 10, cho biết ngay từ khi có dịch, đơn hàng xuất khẩu giảm sút nên công ty đã nhanh chóng chuyển hướng đặt mua dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế.

Ngoài đối tác lớn đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế với giá trị 52 triệu USD (tương ứng 30% doanh thu), công ty còn có thêm đối tác của Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải và một đối tác của Đức đặt mua 2 triệu khẩu trang vải cùng 6 triệu khẩu trang y tế.

Tuy nhiên, do Chính phủ đang kiểm soát việc xuất khẩu khẩu trang y tế, nên công ty sẽ ưu tiên cho đơn hàng trong nước để tăng doanh thu, tạo việc làm cho công nhân.

Với các đơn hàng sản xuất đồ bảo hộ, theo ông Việt, do chưa có hướng dẫn của các cơ quan chức năng, VN cũng chưa có phòng thí nghiệm kiểm tra tiêu chuẩn nên dù có đối tác đặt hàng, DN cũng gặp không ít khó khăn để nhận đơn hàng.

Không dễ xuất khẩu khẩu trang, quần áo bảo hộ phòng dịch - Ảnh 2.

Một dây chuyền sản xuất khẩu trang kháng khuẩn – Ảnh: NG.HOÀNG

Nhiều tiềm năng nhưng khó khai thác

Ông Nguyễn Tuân Việt, giám đốc Công ty VietGo – chuyên xúc tiến xuất khẩu, cho biết trong khi nhu cầu đặt hàng sản phẩm truyền thống giảm sút, khách hàng đặt hàng khẩu trang tăng mạnh. DN này hiện có khoảng 300 đơn hàng từ các nhà đặt hàng khẩu trang trên thế giới, với số lượng hàng trăm nghìn sản phẩm.

DN cũng đã huy động đối tác là hơn 200 nhà may trong nước, tư vấn DN chuyển sang sản xuất, xuất khẩu khẩu trang. Tuy nhiên, theo ông Việt, các DN đang có tâm lý lo lắng rằng việc xuất khẩu khẩu trang vải sẽ gặp khó vì khẩu trang y tế đang là mặt hàng xuất khẩu có điều kiện (chủ yếu xuất khẩu với mục đích nhân đạo).

“Đây là cơ hội tốt cho ngành dệt may, cần phải tận dụng hiệu quả bởi Chính phủ khuyến khích, tạo thuận lợi cho DN sản xuất và xuất khẩu khẩu trang vải” – ông Việt nói. Tuy nhiên, theo ông Đào Văn Phương – tổng giám đốc Công ty Dệt lụa Nam Định, dù thị trường khẩu trang nhiều tiềm năng nhưng không phải “dễ ăn” với các DN.

“Tại thị trường nội địa, người tiêu dùng không mấy mặn mà với khẩu trang vải kháng khuẩn. Đặc biệt, sau khi Chính phủ thực hiện việc cách ly xã hội, người dân hạn chế đi lại, nhu cầu tiêu dùng khẩu trang cũng giảm nên hầu hết các đơn hàng chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng. Trong khi đó, việc chuyển hướng ra xuất khẩu cũng không phải là bài toán đơn giản” – ông Phương nói.

Theo ông Phương, muốn xuất khẩu khẩu trang vải, trước tiên phải đáp ứng tiêu chuẩn về khẩu trang vải của nhà nhập khẩu. Dù vậy, không phải nước nào cũng có tiêu chuẩn khẩu trang vải. Như châu Âu chủ yếu dùng khẩu trang y tế, nên việc xuất khẩu khẩu trang vải sang thị trường này không đơn giản vì chưa có tiêu chí.

“Nhiều nhà nhập khẩu có hỏi nhưng chủ yếu là khẩu trang y tế, mặt hàng gần như bị cấm cho xuất tại thời điểm hiện nay. Khẩu trang vải không cấm nhưng để thống nhất được tiêu chuẩn, kiểm định được thì nhà nhập khẩu cũng băn khoăn vì chưa có tiêu chuẩn” – ông Phương nói. Đồng thời cho biết một số khách Nga hoặc châu Âu có hỏi nhưng đều rút lui sau khi tìm hiểu các thủ tục.

Gần 9 triệu khẩu trang vải/ngày

Theo đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), năng lực sản xuất khẩu trang vải của các DN hiện nay đạt gần 9 triệu sản phẩm/ngày, trong đó khoảng 60% là khẩu trang vải đạt tiêu chí phòng chống dịch.

Bộ Công thương cũng hỗ trợ kết nối thị trường xuất khẩu khẩu trang cho DN thông qua cơ quan thương vụ của Bộ Công thương tại các nước, gửi các thông tin chào hàng của đối tác, giúp DN liên hệ để thương thảo, đáp ứng yêu cầu và tìm được các đơn hàng khẩu trang lớn. “Các DN có mong muốn xuất khẩu, nhưng không phải DN nào cũng xuất khẩu được do khẩu trang vẫn chưa phải là mặt hàng phổ biến ở các nước ngoài. Việc tìm kiếm khách hàng vẫn chưa phải đơn giản, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu đối với khẩu trang chưa rõ ràng nên khó khăn trong chào hàng” – vị này cho hay.

Tạo điều kiện thông quan nhanh

Để tạo thuận lợi cho xuất khẩu khẩu trang không phải là khẩu trang y tế, Tổng cục Hải quan cho biết đã có công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc giải quyết thông quan nhanh cho các lô hàng xuất khẩu khai báo là khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn và các loại khẩu trang khác.

Theo đó, cơ quan hải quan các địa phương chỉ lựa chọn các lô hàng nghi vấn để kiểm tra thực tế hàng hóa, đặc biệt các lô hàng do nhà xuất khẩu không phải là nhà sản xuất. Trong quá trình kiểm tra thực tế, nếu không có các dấu hiệu theo tiêu chuẩn khẩu trang y tế, cán bộ hải quan sẽ cho thông quan.

L.THANH

NGỌC AN
TTO