03/01/2025

Có bỏ qua cơ hội!?

Ngành dệt may Việt Nam, kể từ khi dịch COVID-19 bùng nổ, đã chứng kiến sự chuyển đổi của một số doanh nghiệp, từ sản xuất sản phẩm dệt may xuất khẩu sang sản xuất khẩu trang.

Trong đó, Tổng công ty May 10 gần như đã hoàn tất các thủ tục cấp phép cho 8 dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế với công suất lên đến 900.000 chiếc/ngày, để ngày 20-4 có thể bắt đầu sản xuất khẩu trang cho xuất khẩu.

Chậm hơn nhưng Công ty Việt Thắng Jean cũng đã hoàn tất các thủ tục để ngày 13-4 chính thức xuất khẩu khẩu trang 3 lớp – kháng giọt bắn, kháng khuẩn và bảo vệ da – tới 3 nước châu Âu là Ba Lan, Hà Lan, Thụy Sĩ và Mỹ, mỗi thị trường từ 20.000 – 50.000 chiếc.

Ông Phạm Văn Việt, chủ tịch Việt Thắng Jean, cho biết dây chuyền của công ty đạt sản lượng 300.000 chiếc/ngày.

Doanh nghiệp này đang chuẩn bị để đưa thêm một nhà máy vào sản xuất khẩu trang, khi đó tổng sản lượng sẽ đạt 500.000 chiếc/ngày.

“Chúng tôi không nghĩ tới việc có doanh thu, có lợi nhuận và tăng trưởng từ xuất khẩu khẩu trang. Mục đích duy nhất là có được việc làm cho công nhân, qua đó giữ được công nhân có tay nghề để phục hồi sản xuất sau dịch” – ông Việt nói.

Sử dụng khẩu trang dần trở thành thói quen không chỉ ở các nước châu Á mà còn đang lan rộng ra châu Âu, Mỹ – những quốc gia từng cho rằng khẩu trang không nhiều ý nghĩa phòng chống dịch COVID-19.

Thế nhưng, xuất khẩu dệt may ra thế giới, Việt Nam đã đi sau các quốc gia khác. Trung Quốc là nước xuất khẩu dệt may số 1 thế giới đang đóng vai trò nguồn cung chủ chốt sản phẩm bảo hộ y tế ra thế giới, trong đó có khẩu trang.

Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ hai, cũng đang chuyển dịch. Thậm chí Bangladesh cũng chuyển đổi rất mạnh, dù năng lực dệt may còn kém Việt Nam một bậc.

Nhu cầu khẩu trang lớn là có thật, nhưng ông Việt thừa nhận “sự bền vững vẫn chưa thể khẳng định”.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất khẩu trang có tính năng cao, chủ yếu từ Trung Quốc, trong nước chỉ chủ động được nguyên liệu vải kháng khuẩn và giọt bắn.

Thêm nữa, việc có được chứng chỉ OeKO-Tex®, chứng nhận xuất xứ nguyên liệu vải để xuất khẩu khẩu trang vào Mỹ và châu Âu cũng không dễ dàng.

Quy trình thẩm định, đánh giá chứng chỉ này không thể hoàn tất trong ngày một ngày hai, trong bối cảnh chính phủ các nước siết chặt lệnh hạn chế di chuyển nhằm phòng chống dịch. Do đó, dù thời cơ đến nhưng với chuỗi cung ứng không đồng bộ và doanh nghiệp thiếu sự chuẩn bị, tận dụng được là không dễ.

NGUYỄN HOÀNG
TTO