Những căn bệnh bị ‘lãng quên’ vì Covid-19
Những căn bệnh bị ‘lãng quên’ vì Covid-19
Các hệ thống y tế toàn cầu đang dồn sức vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều căn bệnh nghiêm trọng khác dường như đang bị “lãng quên”.
Lao phổi, ung thư và hội chứng suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS) là 3 trong số 10 căn bệnh hiểm nghèo gây tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới, theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tác động của đại dịch Covid-19 có thể khiến việc duy trì dịch vụ thăm khám, điều trị cho bệnh nhân mắc 3 căn bệnh trên trở nên khó khăn, đặc biệt khi nhiều quốc gia đã áp dụng lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, theo The Conversation.
Dễ nhiễm bệnh
Theo bác sĩ Alfie Calingacion, người tham gia điều trị cho các bệnh nhân lao phổi ở đảo Bohol (Philippines), các bệnh nhân lao phổi tại đây đang đối mặt nguy cơ lây nhiễm vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19 vì hệ miễn dịch đã bị suy yếu. Các bệnh viện địa phương cũng đang chật vật vì thiếu trang thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang y tế và khẩu trang N95. “Bệnh viện đông nghẹt bệnh nhân Covid-19, chúng tôi phải đề nghị bệnh nhân lao phổi ở nhà và tự theo dõi điều trị”, bác sĩ Alfie Calingacion nói.
Theo tờ The Star ngày 7.4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã mở rộng phong tỏa và siết chặt yêu cầu hạn chế đi lại đối với toàn bộ đảo Luzon bao gồm thủ đô Manila nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan. Tại những khu vực khác ở Philippines, chính quyền địa phương cũng ban bố các lệnh phong tỏa tương tự, đặt hơn 104 triệu dân Philippines vào trạng thái cách ly, trong đó có các bệnh nhân lao phổi.
Theo WHO, mục tiêu chính của SARS-CoV-2 là phổi. Bà Emily Wong, bác sĩ – nhà khoa học về bệnh lao và HIV/AIDS tại châu Phi, cảnh báo: “Từ kinh nghiệm của Trung Quốc, những người mắc bệnh phổi mãn tính có khả năng nhiễm Covid-19 nghiêm trọng hơn. Chúng tôi lo ngại rằng những bệnh nhân lao phổi có thể dễ rơi vào tình trạng nguy kịch nếu họ nhiễm SARS-CoV-2”.
Một nghiên cứu đăng trên tuần san y khoa The Lancet cho rằng so với các bệnh nhân nhiễm Covid-19 thông thường, các bệnh nhân nhiễm Covid-19 có tiền sử ung thư có tỷ lệ biến chứng nặng cao hơn, bao gồm phải được chăm sóc tích cực, can thiệp máy thở hoặc tệ hơn là tử vong. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ thực hiện trên 18 bệnh nhân ung thư nên chưa thể mang tính khái quát hóa cho toàn bộ bệnh nhân ung thư.
Dù vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể về mức độ dễ lây nhiễm SARS-CoV-2 của bệnh nhân HIV/AIDS, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khuyến nghị người mắc HIV/AIDS vẫn nên cẩn thận khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo đó, những người mắc HIV/AIDS nhưng không được điều trị sẽ có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao hơn.
Khát thuốc điều trị
Theo dữ liệu từ WHO, có khoảng 1 triệu người mắc lao phổi tại Philippines. Theo đài Al Jazeera, nhà chức trách y tế tại Philippines đã tạm ngưng các chương trình tiêm chủng để ưu tiên cho cuộc chiến chống Covid-19. Dù Bộ Y tế Philippines đã khuyến nghị các bệnh nhân lao phổi tại nước này dự trữ thuốc trong vòng 1 tháng hôm 24.3, bác sĩ Calingacion cảnh báo nguồn cung thuốc không phải lúc nào cũng có sẵn, đặc biệt trong tình trạng phong tỏa hiện tại.
Ngày 20.3, giữa đại dịch Covid-19, WHO vẫn nhắc nhở chính phủ các nước đừng quên cuộc chiến chống lao phổi: “Cần phải đảm bảo tiếp tục các biện pháp phòng ngừa, thăm khám, điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân lao phổi trong đại dịch Covid-19”.
The Nature dẫn lời ông Roy Herbst, nhà nghiên cứu về ung thư phổi ở đại học Yale tại bang Connecticut (Mỹ), khẳng định các thử nghiệm lâm sàng của bệnh ung thư đã bị giảm xuống gần đến “mức 0” và được thực hiện khi người tham gia có nhu cầu đặc biệt thiết yếu. “Thật khó tin là chỉ một tháng trước, các thử nghiệm lâm sàng với ung thư khả quan chưa từng thấy. Hiện tại, toàn bộ quá trình đã bị hoãn lại, tôi cảm thấy không vui vì có nhiều bệnh nhân hưởng lợi từ các thử nghiệm đó”, theo ông Roy Herbst.
Theo The Conversation, việc duy trì các dịch vụ chăm sóc thiết yếu cho bệnh nhân HIV/AIDS đã được nhiều quốc gia cân nhắc. Tổ chức Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Mỹ về phòng chống AIDS (PEPFAR) và Hiệp hội Bác sĩ HIV châu Phi (SAHCS) cũng chung tay giải quyết vấn đề này. Hai tổ chức này thúc giục các hệ thống y tế cung cấp đơn thuốc kháng retroviral trong 6 tháng cho bệnh nhân HIV/AIDS để họ khỏi phải đến phòng khám mỗi tháng.
YẾN MI
TNO