‘Liều thuốc’ trợ lực kịp thời cho hơn 700.000 doanh nghiệp
‘Liều thuốc’ trợ lực kịp thời cho hơn 700.000 doanh nghiệp
Chính phủ vừa ban hành nghị định 41 gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với tổng giá trị ước tính lên đến 180.000 tỉ đồng. Có tới 98% doanh nghiệp cả nước, tương đương hơn 700.000 đơn vị, được hưởng chính sách ưu đãi này.
Nhiều chuyên gia cho rằng nghị định như một liều thuốc trợ lực, giúp cho doanh nghiệp (DN) và người dân có tiền để cầm cự qua mùa dịch. Tuy nhiên, cần có những chính sách mạnh và kịp thời hơn nữa.
Thủ tục gia hạn đơn giản
Nghị định nêu rõ Chính phủ gia hạn 5 tháng tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) phát sinh trong tháng 3, 4, 5 và 6-2020. Với thuế thu nhập DN, các DN được chậm nộp 5 tháng số tiền thuế còn phải nộp của kỳ tính thuế năm 2019 và số thuế tạm nộp quý 1 và 2-2020. Nếu đã nộp số thuế còn phải nộp theo quyết toán năm 2019, DN sẽ được bù trừ cho tiền thuế của các khoản thuế khác.
Đặc biệt, Chính phủ còn gia hạn tiền thuế thu nhập cá nhân và thuế GTGT năm 2020 cho hộ gia đình và cá nhân kinh doanh. Theo đó, hạn cuối hộ gia đình và cá nhân kinh doanh phải nộp hai sắc thuế này là ngày 31-12 năm nay.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết thủ tục được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất rất đơn giản. Mẫu giấy đề nghị gia hạn đã có sẵn trong phụ lục nghị định này. “Chỉ cần kê khai thông tin vào giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất rồi gửi bằng điện tử hoặc các phương thức khác cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp”, vị này nói.
Cũng theo vị này, người nộp thuế tự xác định và chịu trách nhiệm với đề nghị gia hạn thuế và tiền thuê đất. Giấy đề nghị gia hạn phải được gửi cùng với nộp hồ sơ khai thuế theo tháng hoặc theo quý, hoặc chậm nhất là ngày 30-7 năm nay. Sau thời hạn này sẽ không được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất.
“Nhưng nếu không thuộc đối tượng được hưởng chính sách này mà vẫn gửi đơn đề nghị gia hạn thuế, khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra và phát hiện, đối tượng vi phạm không những phải nộp tiền thuế, tiền thuê đất mà còn bị buộc nộp thêm tiền phạt và tiền chậm nộp”, vị này khuyến cáo.
Cần “liều thuốc” mạnh hơn
Ông Nguyễn Văn Được, tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, cho rằng ngoài 98% số DN đang hoạt động được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, vẫn còn 2% số DN đang hoạt động (khoảng 16.000 DN) không được hưởng lợi từ chính sách này, trong khi gần như tất cả DN đều bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Do đó, cần rà soát mức độ khó khăn để có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các DN còn lại.
Đặc biệt, theo ông Được, cần có “liều thuốc” mạnh hơn, đó là miễn giảm thuế để hỗ trợ. “Nhiều DN rất khó khăn, đứng trước nguy cơ phá sản nếu dịch không sớm được dập tắt. Do đó, theo tôi, Bộ Tài chính và Chính phủ cần xem xét trình Quốc hội bổ sung các chính sách miễn, giảm thuế để DN có đề kháng tài chính vượt qua khó khăn”, ông Được kiến nghị.
Theo chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn, nhiều quốc gia trên thế giới đã có các chính sách miễn, giảm thuế cho cá nhân và DN, thậm chí là phát tiền để hỗ trợ DN và người dân. Do đó, Bộ Tài chính và Chính phủ cần xem xét trình Quốc hội bổ sung các chính sách miễn, giảm thuế để giúp người dân và DN vượt qua khó khăn. “Vào năm 2009, VN cũng đã từng miễn giảm thuế cho cá nhân và DN, dù tình hình khi đó không khó khăn bằng năm nay”, ông Sơn nói.
Nên miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân
Theo một số chuyên gia, nên giảm 50% thuế GTGT với các lĩnh vực ngành nghề bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 như nhà hàng, khách sạn, du lịch, vận tải… và các hộ, cá nhân kinh doanh.
Ngoài ra, cần giảm 50% thuế thu nhập DN trong năm 2020 với các DN bị ảnh hưởng trực tiếp từ covid-19 và các DN nhỏ và siêu nhỏ. Ngoài ra, nên miễn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế có thu nhập nộp thuế ở bậc 1 và 2 của biểu thuế lũy tiến từng phần và giảm 30% số thuế thu nhập cá nhân của các đối tượng còn lại…