24/11/2024

Bớt một chút lương, chủ thợ cùng vượt khó

Bớt một chút lương, chủ thợ cùng vượt khó

Chủ doanh nghiệp cố giữ nhân viên. Nhân viên nhận lương sẻ bớt tiền lại để doanh nghiệp bám trụ. Những người lao động không bảo hiểm thất nghiệp, không hợp đồng lao động… cũng đang cùng vượt khó, với những chia sẻ ấm áp giữa mùa dịch.

 

Bớt một chút lương, chủ thợ cùng vượt khó - Ảnh 1.

Chủ Trường mầm non AQua – cô Dạ Ngân (giữa) hướng dẫn các giáo viên bị mất việc do COVID-19 chuẩn bị đơn hàng để giao – Ảnh: B.DŨNG

Chúng tôi đã rớm nước mắt khi đọc về cô giáo mầm non trốn con đi bán cá, rồi những công nhân khi nhận lương sẻ bớt lại cho chủ doanh nghiệp 500.000 đồng vì biết “ông chủ” cũng đã kiệt sức rồi…

Chia ngọt sẻ bùi

Sau gần 2 tháng không đón được một khách nào, cuộc gặp thông báo tình hình hoạt động toàn hệ thống của một chuỗi khách sạn 2 sao trên đường Phạm Văn Đồng (TP Đà Nẵng) diễn ra, người chủ không kìm được trước khó khăn, bật khóc khi phải nói với 15 nhân viên rằng mỗi người sẽ bị cắt giảm 500.000 đồng tiền lương/tháng.

Cuộc gặp đó chỉ diễn ra trong vòng 10 phút thay vì kéo dài hàng tiếng như thường lệ, không một ai ngoài người chủ lên tiếng. Khi kết thúc, mỗi nhân viên đã đến quầy nhận lương.

Và chủ khách sạn bất ngờ hơn khi các nhân viên của mình đã… tự nguyện cắt giảm thêm 500.000 đồng/người ngoài số tiền mà chủ khách sạn đề nghị giảm. Họ muốn đồng hành khi khó khăn.

“Số tiền đó không lớn, ai cũng khó khăn cả. Khi khách sạn làm ăn được thì mình nhận đồng tiền mới thấy thoải mái” – anh Lê Viết Chung, nhân viên lễ tân, nói.

Được xem là khu lưu trú cao cấp, lượng khách luôn kín phòng nhưng tại resort Silk Sence Hội An mọi hoạt động tiếp đón khách cũng đã đóng băng từ đầu tháng 3. Sự sốt ruột và lo âu hiện rõ trên từng nét mặt của toàn bộ cán bộ nhân viên ở đây.

Bởi vậy, cuộc gặp mặt thông báo về tình hình thời gian tới và kế hoạch cầm cự của khu lưu trú này đặc biệt được chờ đợi. Trước câu hỏi của nhân viên, ông Trần Thế Do – chủ khu lưu trú – cam đoan không anh chị em nào phải nghỉ việc dù xác nhận rất khó khăn.

Để ứng phó, khu lưu trú này giảm tối đa không quá 50% thu nhập, bù lại mỗi tháng nhân viên tới chỗ làm ít nhất 12 ngày. Dù công việc rất ít nhưng công ty vẫn sẽ đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, các chế độ phúc lợi vẫn giữ nguyên.

Thay vì làm việc riêng lẻ, nhân viên sẽ làm việc theo nhóm. Có nghĩa nhân viên buồng phòng có thể phải chấp nhận ra vườn trồng rau cùng bộ phận vườn, đội ngũ nhân sự có thể phải tham gia tại quầy lễ tân…

Cuộc gặp mặt toàn công ty của Silk Sence resort chiều 23-3 đã kết thúc với những tràng pháo tay. Nhiều nhân viên nói rằng họ chấp nhận ở lại làm việc và tin tưởng rằng mọi khó khăn sẽ qua đi. “Số tiền nhận được các bạn nên hỏi rằng ông chủ chúng ta sẽ xoay xở từ đâu? Chúng tôi sẽ bàn nhau cùng ở lại” – một nhân viên chia sẻ.

Chủ cũng “lăn vào bếp”

3h sáng, khu chợ cá tập trung của thành phố Đà Nẵng nằm ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) náo nhiệt người buôn kẻ bán.

Ở một quầy bán sỉ, những mẻ cá thu vừa được đưa xuống tàu, hai cô gái tuổi đôi mươi trùm kín mặt ngồi đảo cá. Thoạt nhìn qua, không ai nghĩ đây là giáo viên một trường mầm non tư thục.

Dịch đến, cả hai mất việc và buộc phải ủ con ngủ để mỗi ngày lén con thức dậy từ 3h sáng đến chợ cá mua hàng về bán lấy tiền nuôi con. Cô giáo Trần Thị Hồng Loan – một trong hai phụ nữ kể trên – chia sẻ chồng cô làm công nhân bị hụt một nửa lương, mẹ chồng cũng phải ở nhà bởi hàng quán buộc đóng cửa.

Không chỉ cô Loan, mà nhiều giáo viên ở Trường mầm non AQua (Đà Nẵng) cũng đổ về chợ cá Thọ Quang để lấy hàng. Trong đó có bà Đoàn Thị Dạ Ngân – chủ Trường mầm non AQua. Bà Ngân khi phải đóng cửa trường đã tổ chức điểm bán cá ở cổng trường.

Nhưng được mấy hôm thì đô thị phường xuống dẹp vì ô nhiễm môi trường, các cô giáo lại lên mạng rao bán. Còn bà Ngân lấy một phần khuôn viên trường mầm non để làm chỗ ở cho những cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn, phải đi ở trọ.

Giống bà Dạ Ngân, bà Phạm Thị Hải Nguyên – chủ Sea’ Lavie Boutique resort – cho biết suốt 1 tuần nay bà trực tiếp vào bếp, tự pha chế đồ uống, dọn dẹp buồng phòng cùng với hai nhân viên còn bám trụ cùng bà, bởi 18 nhân viên còn lại đã nghỉ việc. “Chỉ còn hai người gồm một bảo vệ và một nữ buồng phòng là còn bám trụ” – bà Nguyên nói.

Vượt lên gian khó

Trước khi dịch tới, anh G. là kỹ sư cho một công ty xây dựng, còn vợ anh là hướng dẫn viên du lịch.

Họ sống ở một xóm trọ tại phường Hòa Khánh Nam (Đà Nẵng). Hôm đưa hai vợ chồng này rời phòng trọ, nhiều người đã tới động viên, bưng bê giúp đồ đạc. Sau đó, nói chuyện với chúng tôi qua điện thoại, chị L. nói chồng mình đã ra Lạng Sơn đi bốc xếp hàng điện tử ở cửa khẩu.

“Chủ trọ miễn tiền phòng nhưng em còn con nhỏ, hai vợ chồng đều mất việc cả nên không tìm được khoản nào cầm cự. Chồng em lâu nay chưa làm việc nặng bao giờ, tình thế buộc phải đi làm mà không biết sao” – chị L. nói.

Chúng tôi còn bắt gặp rất nhiều lao động chân tay trước dịch là các hướng dẫn viên du lịch, lễ tân, nhân viên các nhà hàng khách sạn…

Như anh H.H. cho biết quê anh ở Hà Tĩnh, vào Đà Nẵng học rồi xin việc được trong một khách sạn trên đường Võ Nguyên Giáp, hai vợ chồng anh có hai con nhỏ và từ trước đến nay vợ anh chưa từng có việc làm. Để có tiền nuôi vợ con, anh H. phải đi xin làm phụ hồ cho một tốp thợ. “Mỗi ngày em được trả công 280.000 đồng. Dù rất vất vả nhưng em hi vọng mọi thứ sớm qua đi” – anh H. nói.

Đủ cách thức giúp doanh nghiệp

Từ khi nghỉ việc đến nay gần 3 tuần, ngày nào chị Mai Hoàng Yến, nhân viên của đại lý vé máy bay H.C, cũng cập nhật bảng giá vé máy bay đến các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, tư vấn, hỗ trợ khách để chốt, xuất vé cho công ty. Dù không phải là ca làm việc, thị trường gần như đóng băng nhưng chị cho hay vẫn tìm cách nếu bán được vé nào cũng mừng để tăng doanh thu cho công ty.

“Tôi bỏ tiền túi mỗi ngày hơn 100.000 đồng để nạp card điện thoại nhằm tư vấn cho khách. Cực nhất là lúc hàng không hủy hay dời lịch bay, khách gọi tới tấp lúc nửa đêm, thậm chí to tiếng với mình cũng phải chịu. Hỗ trợ công ty được gì mình cũng làm hết sức” – chị Yến nói.

Bà Kiều Nga – chủ tịch công đoàn Công ty Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco) – cho biết các nhân viên, đặc biệt những nhân viên trực tiếp phục vụ ở ngoài sân bay, thấu hiểu được khó khăn của doanh nghiệp nên nhiều người đã cố gắng bán hàng, tăng chất lượng phục vụ khách.

“Dù lương có giảm hoặc nghỉ luân phiên không lương, đa số mọi người đều hiểu và đồng hành cùng công ty lúc này” – bà Nga nói.

Đại diện Ford VN nói với Tuổi Trẻ, hiện Tập đoàn Ford toàn cầu đang có chiến dịch khuyến khích nhân viên đóng góp vào quỹ. Thị trường nào góp được bao nhiêu, Ford sẽ nhân gấp đôi và số tiền này sẽ được chuyển đến Chính phủ để phục vụ công tác chống dịch. “Ví dụ như thị trường VN đóng góp được 3 triệu đô, Ford sẽ trích quỹ thêm 3 triệu đô, tổng cộng 6 triệu đô để hỗ trợ VN chống dịch” – đại diện Ford nói.

CÔNG TRUNG

“Tui đề xuất tự cắt 30% trong 3 tháng!”

Đó là nội dung tin nhắn đơn giản mà anh Nguyễn Ngọc Đạt, chủ một chuỗi cửa hàng kinh doanh điện thoại di động ở TP.HCM, nhận được vào ngày 20-3-2020. “Dù công ty chưa khó khăn đến thế nhưng thật sự rất xúc động, chỉ biết cảm ơn và mang ơn các đồng đội” – anh Đạt kể lại khoảnh khắc xúc động khi đọc tin nhắn từ nhân viên của mình.

Nhiều doanh nghiệp cũng chủ động tương trợ cho nhau. Trên mạng xã hội Facebook, cộng đồng VRW (Vietnam Remote Workforce) – với gần 7.000 thành viên – hiện đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp tìm hiểu hoặc có nhu cầu chuyển đổi số. VRW là nơi chia sẻ kinh nghiệm và công cụ làm việc từ xa.

Hiện hơn 50 doanh nghiệp công nghệ đã tham gia cung cấp các gói ưu đãi về giải pháp, dịch vụ phục vụ cho việc chuyển đổi số để các doanh nghiệp khác có nhu cầu sử dụng. Tất cả các gói giải pháp, dịch vụ cung cấp trong chương trình đều được miễn phí trong thời gian tối thiểu từ 3 đến 6 tháng. Nhiều gói sản phẩm giảm giá đến 70% giá bán.

ĐỨC THIỆN

THÁI BÁ DŨNG
TTO