24/01/2025

Thi THPT quốc gia 2020: Ôn theo đề tham khảo nhưng ‘ngóng’ phương án thi mới

Thi THPT quốc gia 2020: Ôn theo đề tham khảo nhưng ‘ngóng’ phương án thi mới

Bộ GD-ĐT đã công bố đề tham khảo, như một cách định hướng cho kỳ thi THPT quốc gia, song dư luận xã hội và các nhà trường vẫn đang chờ một phương án thi THPT phù hợp hơn, trước đại dịch Covid-19.
Một giáo viên dạy ôn thi THPT quốc gia qua online 	 /// Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Một giáo viên dạy ôn thi THPT quốc gia qua online  Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Băn khoăn phần “tự học có hướng dẫn”

Hầu hết giáo viên (GV) THPT đều có chung nhận định đề tham khảo kỳ thi THPT quốc gia Bộ GD-ĐT công bố đã bám rất sát vào hướng dẫn tinh giản mà bộ này ban hành trước đó vài tháng; đề thi dễ hơn so với năm 2019 nhưng mức độ ở mỗi môn là khác nhau theo đặc thù của môn học.
Rõ nét nhất của tinh thần giảm tải là đề thi của 2 môn ngữ văn và toán. Cô Vũ Thị Dung, Trường THPT Xuân Phương (Hà Nội), phân tích: nếu đề thi năm 2019 có 1 câu hỏi nhận biết, 2 câu hỏi thông hiểu và 1 câu hỏi vận dụng thì đề tham khảo năm 2020 lại có 2 câu hỏi nhận biết, 1 câu hỏi thông hiểu và 1 câu hỏi vận dụng, nghĩa là “nhẹ” hơn.
Với môn toán, thầy Phạm Đức Duẩn, GV Trường THPT Liên Hà (Hà Nội), nhận xét: “Đề tham khảo có phần “mềm” hơn đề chính thức thi THPT năm 2019. 35 câu hỏi đầu tiên của đề tham khảo đã bao trọn kiến thức cơ bản của môn toán THPT hiện hành. Các học sinh (HS) có ý thức trong việc học tập, ôn luyện hoàn toàn có khả năng đạt 70% điểm bài thi”.

Vẫn có thể đưa vào đề thi phần “tự học có hướng dẫn”

Tiến sĩ Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), thông tin: Về cơ bản, độ khó của đề thi tham khảo năm nay giảm hơn so với đề thi tham khảo và đề thi chính thức của kỳ thi năm 2019…
Ông Hồng lưu ý trong hướng dẫn điều chỉnh chương trình, Bộ đã nêu rõ: “Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và các nội dung mà hướng điều chỉnh này yêu cầu “không dạy, không làm, không thực hiện; khuyến khích HS tự học”. Đề thi chính thức của kỳ thi THPT quốc gia 2020 tới đây cũng phải tuân thủ đúng quy định này. Tuy nhiên, phần “tự học có hướng dẫn” thì không phải là khuyến khích mà là yêu cầu bắt buộc nên vẫn có thể kiểm tra, hoặc ra trong đề thi. Do đó, GV cần thông báo và hướng dẫn cho HS để các em học tập, ôn luyện.
Riêng đề môn tiếng Anh, cô Liên Hương, GV ngoại ngữ Trường THCS-THPT Marie Curie (Hà Nội), cho rằng về cơ bản, nội dung tinh giản chương trình tiếng Anh lớp 12 phần lớn là những kỹ năng (nghe, nói, viết đoạn văn) vốn không có trong bài thi THPT quốc gia các năm trước, trong đó kỹ năng nghe, nói chưa từng xuất hiện, còn kỹ năng viết đoạn văn cũng không còn xuất hiện khi Bộ quyết định chuyển toàn bộ hình thức thi môn ngoại ngữ sang thi trắc nghiệm. Vì vậy, theo cô Liên Hương, nội dung tinh giản chương trình học không có tác động gì (hay không ảnh hưởng gì) đến đề tham khảo. Còn trong quá trình học, việc giảm tải sẽ giúp HS lớp 12 dành thời gian tập trung ôn luyện và bám sát hơn vào các kiến thức trực tiếp trong bài.
Tuy nhiên, nhiều GV băn khoăn trong chương trình tinh giản mà Bộ mới ban hành, nhiều nội dung được đưa vào phần “tự học có hướng dẫn” (khác với phần khuyến khích tự học). Vậy phần này có đưa vào đề thi hay không. Nếu có thì Bộ cần công bố rõ ràng để HS và cả GV không bỏ qua trong quá trình học tập.
Các GV môn ngữ văn chỉ ra rằng phần khuyến khích tự học theo hướng dẫn tinh giản là các bài HS tự đọc văn bản, tài liệu để giảm bớt thời lượng dạy học, nhưng các phần kiến thức đó có liên quan tới bài dạy trên lớp. Ví dụ, bài Hồn Trương Ba da hàng thịt trước đây có 2 tiết, nhưng sau khi giảm tải còn 1 tiết trên lớp, 1 tiết HS phải tự đọc, tóm tắt văn bản, trả lời các câu hỏi cần thiết.
Tương tự, với môn vật lý, GV Trường THCS-THPT Marie Curie (Hà Nội) băn khoăn nội dung giảm tải còn một số chỗ chưa thật rõ, về việc các phần tự học có hướng dẫn thì có thời lượng hướng dẫn là bao nhiêu và có thi, kiểm tra không?…

Vẫn chờ phương án Bộ GD-ĐT trình Chính phủ

Gần 1 tuần sau khi Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT xây dựng phương án thi THPT phù hợp với tình hình dịch bệnh năm nay, đến thời điểm này, theo ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, các vụ cục chức năng của Bộ vẫn đang nghiên cứu, xây dựng phương án theo chỉ đạo của Thủ tướng. Còn ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), thì khẳng định Bộ sẽ có những “kịch bản” phù hợp với bất cứ diễn biến nào của dịch bệnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ chưa “hé lộ” bất cứ “kịch bản” nào cụ thể như mong đợi và đề xuất của các nhà trường.
PGS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục VN), nêu quan điểm: “Thi tốt nghiệp là kỳ thi kết thúc một giai đoạn học tập, trong luật Giáo dục và trong khoa học không quy định hình thức thi của kỳ thi này. Vì thế, tùy thuộc vào hoàn cảnh hiện nay, có thể xem xét điều chỉnh hình thức thi cho phù hợp với thực tiễn, có thể phân cấp cho các địa phương để hình thức thi có thể chấp nhận được với điều kiện cơ sở hạ tầng của địa phương đó”.

Nên tính đến việc xét tốt nghiệp THPT quốc gia

Ban Giám hiệu hệ thống Trường Ngô Thời Nhiệm (TP.HCM, Bình Dương) cho rằng Bộ không nên duy trì kỳ thi THPT quốc gia trong trung tuần tháng 8 mà nên giao cho địa phương tự tổ chức xét tốt nghiệp hoặc tổ chức thi.
“Thời gian các địa phương cho HS học trong mùa dịch Covid có khác nhau. Điều kiện học trực tuyến giữa các địa phương cũng không thể đồng đều như nhau. Trong khi đó, thời điểm thi vào trung tuần tháng 8 là mùa mưa lụt ở nhiều địa phương, sẽ gây ra rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức thi. Ngoài ra, trong những năm qua tỷ lệ HS rớt tốt nghiệp rất thấp, vả lại rất tốn kém về tài chính nên việc giao cho các địa phương, các trường đại học tổ chức thi là hợp lý”, đại diện trường chia sẻ.
Nguyễn Loan

Nhưng trước hết, theo PGS Chu Cẩm Thơ, cần có một đánh giá chính xác về điều kiện của từng địa phương, để biết năng lực thực hiện của họ, ứng với địa phương có điều kiện hạ tầng khác nhau thì hình thức khác nhau. Chuẩn đề thi thì cần giống nhau vì kỳ thi tốt nghiệp chỉ đánh giá HS dựa trên chuẩn đầu ra, tránh mỗi địa phương có một “chuẩn” riêng thì không đánh giá được chất lượng chung.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Marie Curie (Hà Nội), người từng đề xuất bỏ môn thi tự chọn trong kỳ thi THPT quốc gia, cho rằng nếu phải nghỉ học tới tháng 5, nghĩa là 4 tháng của học kỳ 2, thì việc bỏ môn thi không phải giải pháp tối ưu và cũng không nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nữa mà nên xét tốt nghiệp THPT như xét tốt nghiệp THCS; trường xét và lập danh sách HS tốt nghiệp THPT trình sở GD-ĐT, sở sẽ quyết định công nhận tốt nghiệp và cấp bằng.
Thầy Đào Tuấn Đạt, Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), lo lắng nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia sẽ dẫn tới tâm lý “tháo khoán” trong giảng dạy, học tập và các trường ĐH phải đi tìm phương án tuyển sinh mới, có thể còn tạo ra sự không công bằng cho những HS đã rất nỗ lực học tập để chuẩn bị cho kỳ thi.
“Để đảm bảo tính công bằng của kỳ thi, chủ động trong việc tổ chức kỳ thi và tạo tâm lý yên tâm cho HS và phụ huynh, kỳ thi tuyển sinh đầu cấp cũng chỉ nên thi vào phần kiến thức HS đã được học trên lớp cho tới khi nghỉ học vì dịch, không nên tính phần nội dung được học trên truyền hình hoặc trực tuyến”, ông Đạt nói.
TUỆ NGUYỄN
TNO