24/11/2024

Khai thác dữ liệu công dân để ngăn chặn đại dịch Covid-19

Khai thác dữ liệu công dân để ngăn chặn đại dịch Covid-19

Chính phủ trên khắp thế giới đang sử dụng dữ liệu di động từ người dân để tìm cách ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, bất chấp những lo ngại xâm phạm quyền riêng tư.
Việc khai thác dữ liệu cá nhân để chống dịch đã bị đặt câu hỏi về tính an toàn thông tin /// Wall Street Journal

Việc khai thác dữ liệu cá nhân để chống dịch đã bị đặt câu hỏi về tính an toàn thông tin  Wall Street Journal

Facebook, Google tham gia

Một bản báo cáo được Google mới đây đã công khai cung cấp dữ liệu về sự di chuyển của người dùng tại 131 quốc gia từ 16.2 – 29.3. Dữ liệu ẩn danh được thu thập từ lịch sử vị trí trên các ứng dụng Google, đã cho thấy sự thay đổi đáng kể thói quen sinh hoạt của người dân các nước.
Theo Bloomberg, dữ liệu quan trọng này đang giúp các nhà nghiên cứu ở Đại học Southampton (Anh) phân tích mối quan hệ giữa xu hướng di chuyển và tốc độ lan truyền vi rút ở các quốc gia, đồng thời đánh giá hiệu quả của việc hạn chế di chuyển.

Lo ngại quyền riêng tư

Tuy nhiên, các nhà hoạt động ủng hộ quyền riêng tư lo ngại rằng dữ liệu ẩn danh vẫn có thể bị truy cập để xác định danh tính và theo dõi các cá nhân, sử dụng cho các mục đích khác thay vì là ngăn dịch bệnh. Các chính phủ cần chứng minh rằng việc sử dụng dữ liệu cá nhân là xứng đáng và thực sự có hiệu quả.
“Chính phủ truy cập bất kỳ loại dữ liệu định vị nào, dù được ẩn danh hay không, luôn là một rủi ro đối với quyền riêng tư, mặc dù các quan chức y tế cần nó cho cuộc khủng hoảng”, Albert Gidari, Giám đốc tư vấn về quyền riêng tư tại Trung tâm internet và xã hội của Trường Luật Stanford (Mỹ), nhận định.

Ngày 3.4, Reuters dẫn nguồn tin cho biết Facebook cũng đang chia sẻ dữ liệu di chuyển của người dùng tại các bang của Mỹ cho dự án “Mạng lưới dữ liệu di động Covid-19” do 40 nhà khoa học đến từ các đại học Harvard, Princeton và Johns Hopkins khởi xướng. Tờ Wall Street Journal dẫn lời TS Suraj Kapa, bác sĩ đang tham gia dự án phân tích dữ liệu của Trung tâm phòng chống dịch bệnh (CDC) Mỹ, cho biết: “Việc nắm bắt dữ liệu có thể dẫn đến các quyết định đóng cửa có chọn lọc hơn, tại một khu vực hoặc điểm kinh doanh cụ thể thay vì đóng cửa tất cả mọi thứ”.

Khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Cơ quan Tình báo nội bộ của Israel Shin Bet đã triển khai chương trình giám sát kỹ thuật số trên toàn quốc, sử dụng công nghệ được thiết kế chống khủng bố, để xác định những ai đã tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Ngày 23.3, Ủy viên giám sát các chính sách công nghệ của EU Thierry Breton đã yêu cầu những nhà mạng viễn thông ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức và khu vực Bắc Âu chia sẻ dữ liệu vị trí để giúp các nhà khoa học nghiên cứu về sự lây lan của vi rút.
Các nhà chức trách châu Á cũng triển khai nhiều biện pháp theo dõi dữ liệu người dân. Cơ quan Y tế Hàn Quốc thực hiện sàng lọc những người có nguy cơ mắc bệnh thông qua trích xuất camera, định vị điện thoại và hồ sơ nhập cảnh. Trung Quốc giám sát các cá nhân với dữ liệu được cung cấp bởi các công ty viễn thông, văn phòng đường sắt và các hãng hàng không.

Cam kết bảo mật dữ liệu

Trước lo ngại về tính bảo mật, hầu hết chính phủ các nước đều khẳng định dữ liệu di động bị ẩn thông tin nhận dạng và không thể xác định được. “EU khẳng định hoạt động này sẽ tôn trọng các quy tắc bảo mật của khối, trong đó có Quy định bảo vệ dữ liệu chung và luật riêng tư điện tử”, ông Thierry Breton cam kết trong hội nghị với giám đốc các nhà mạng viễn thông.
Tại Bỉ, chính quyền khẳng định sẽ hủy dữ liệu một khi họ không còn cần nó nữa. “Chính phủ đã tham khảo cơ quan quản lý bảo vệ dữ liệu và thành lập một ủy ban đạo đức với các chuyên gia khoa học kiểm tra cách sử dụng dữ liệu”, Philippe De Backer, Bộ trưởng Bộ Kỹ thuật số của Bỉ, chia sẻ.
CEO Facebook Mark Zuckerberg trả lời phỏng vấn hồi tháng 2.2020 cho biết công ty này sẽ không cung cấp dữ liệu một cách trực tiếp cho chính phủ do những lo ngại về an ninh. Tất cả dữ liệu đều được mã hóa nhiều lần trước khi đến tay các nhà khoa học.
Sau một thời gian hoạt động, chương trình giám sát của Shin Bet đã bị Tòa án tối cao Israel ban hành lệnh tạm dừng sau khi bị chỉ trích bởi những người ủng hộ quyền riêng tư và một số nhà lập pháp trong thời gian đầu triển khai. Chương trình này chỉ được tiếp tục lại vào ngày 24.3 sau khi quốc hội thành lập các ủy ban giám sát có liên quan và chính quyền ông Benjamin Netanyahu cam kết bảo vệ thông tin của người dân.
NGỌC MINH KHUÊ
TNO