27/12/2024

Cách ly xã hội: 4 bí quyết giúp bạn sống vui khỏe với hàng xóm

Cách ly xã hội: 4 bí quyết giúp bạn sống vui khỏe với hàng xóm

Cách ly xã hội, phần lớn mọi người ở nhà cả ngày. Từ đây, những phiền nhiễu và vấn đề với hàng xóm trở nên phổ biến hoặc nghiêm trọng hơn. Làm sao để giảm căng thẳng, sống bình yên với láng giềng qua đại dịch Covid-19?
Sức khỏe của chúng ta phụ thuộc vào sức khỏe của những người xung quanh... chỉ với hành động tập thể, chúng ta mới có thể đối phó với virus Corona /// Ảnh: Reuters

Sức khỏe của chúng ta phụ thuộc vào sức khỏe của những người xung quanh… chỉ với hành động tập thể, chúng ta mới có thể đối phó với virus Corona  Ảnh: Reuters
Chuyên gia nghi thức xã giao và diễn giả Thomas Farley tại New York (Mỹ) nói về cách ly xã hội: “Bạn có thể phải điều chỉnh lại những kỳ vọng của mình. Tôi nghĩ, đây là thời gian tất cả phải gắn kết với nhau như một cộng đồng và văn hóa, bắt đầu với hàng xóm của chúng ta”, theo Washington Post.

1. Hàng xóm của bạn ồn ào, có lẽ bạn cũng vậy

Thomas Farley cho biết, gõ từ khóa “tiếng ồn ở chung cư” (noise in apartments), sẽ thấy 57 triệu kết quả. Âm thanh là vấn đề số 1 tại hầu hết các khu chung cư, cư xá, tập thể, nhà trọ.
Những ngày làm việc tại nhà vì dịch bệnh Covid-19 do virus Corona chủng mới gây ra, chúng ta sẽ phát hiện ra thêm nhiều loại tiếng ồn mà bình thường ít nghe hoặc không nghe vì hầu hết tất cả mọi người đều ở nhà nguyên ngày. Đất chật người đông, nhiều người, nhiều loại tính cách, phong tục, hoàn cảnh mà, nên hãy cảm thông hơn là giận dữ, tăng stress.
Nói đi thì phải nói lại, tiếng ồn cũng là một sự cho và nhận. Để tự kiểm tra mức độ tiếng ồn của chính nhà mình, hãy bật nhạc, ti vi… đóng cửa và ra hành lang. Nếu ở ngoài còn nghe nhạc được thì bạn cũng quá ồn rồi đấy.

2. Hãy kiên nhẫn, điều chỉnh kỳ vọng của bạn

Washington Post kể câu chuyện về chàng sinh viên Mỹ tên Thomas Davidenko. Ngày thứ 3 ở nhà vì trường đại học đóng cửa do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch Covid-19, anh nghe thấy tiếng trống kéo dài hàng giờ vào ban đêm. Davidenko đã học cách tận hưởng nhịp điệu bất thường ấy vì cho rằng, thực tế là tất cả chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức.
Chuyên gia nghi thức xã giao Diane Gottsman (Mỹ) tán thành sự kiên nhẫn này. Bà nói: “Có thể chung cư sẽ nhiều tiếng ồn hơn vì mọi người đều làm việc tại nhà và trẻ em bị nhốt suốt ngày. Hãy thể hiện sự thấu hiểu trong thời gian khó khăn này và nhận ra mọi người đều đang học cách thích nghi với điều bình thường mới”.

3. Cử chỉ nhỏ, ý nghĩa lớn

Gilda Goldental, 24 tuổi, đang làm việc tại nhà ở Silver Spring (Mỹ) rất chú ý đến cách cư xử khi cách ly xã hội. Cô không hút bụi trong giờ làm việc, cô chào hỏi hàng xóm trên hành lang và đi cầu thang bộ với hy vọng hàng xóm sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi có ít người hơn trong thang máy. Cuộc khủng hoảng khiến cô có mối liên hệ mật thiết hơn với những người sống xung quanh mình.
“Tôi nhận ra nên tìm hiểu nhiều hơn về hàng xóm. Tôi đã không nghĩ rằng tôi đánh giá cao điều đó nhiều như bây giờ. Chỉ cần ra ngoài và nhìn nhiều thứ ở khu phố là thấy khác biệt lớn để thêm thư giãn trong thời điểm căng thẳng”, Gilda Goldental chia sẻ với Washington Post.
Chuyên gia Gottsman coi những cử chỉ nhỏ bé nhưng có ý nghĩa này là điều ảnh hưởng to lớn tới việc duy trì sự tích cực trong thời điểm không chắc chắn hiện tại.

4. Hãy để hàng xóm biết bạn hiện hữu

Chuyên gia Diane Gottsma cho rằng, cách ly xã hội là cơ hội để mọi người cùng chung cư trò chuyện (từ xa). Hãy tiếp cận hàng xóm và giúp đỡ người lớn tuổi bằng những cách thức an toàn.
Chuyên gia Thomas Farley bổ sung: “Sức khỏe của chúng ta phụ thuộc vào sức khỏe của những người xung quanh. Chúng ta là một xã hội và chỉ với hành động tập thể, chúng ta mới có thể đối phó với virus Corona”, ông nói trên Washington Post.
Hai chuyên gia nhấn mạnh rằng kiên nhẫn, lòng trắc ẩn và sự đồng cảm sẽ giúp chúng ta vượt qua đại dịch Covid-19, kể cả trường hợp cách ly xã hội kéo dài hơn dự kiến.
TẠ BAN
TNO