Bất cập nào khiến doanh nghiệp khó tiếp cận gói tín dụng 250.000 tỉ?
Bất cập nào khiến doanh nghiệp khó tiếp cận gói tín dụng 250.000 tỉ?
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01 hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng, song hầu hết doanh nghiệp công nghiệp rất khó tiếp cận.
Do đó, Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng chỉ đạo thêm các giải pháp hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp.
Theo Bộ này, cần có sự thay đổi cơ chế hỗ trợ tín dụng, vì theo Bộ Công thương, “nguyên nhân chính là Ngân hàng Nhà nước dành nhiều quyền tự quyết cho các ngân hàng thương mại”, trong khi các ngân hàng thương mại lại chịu sức ép về lợi nhuận và kết quả kinh doanh.
Do đó, Bộ này đề nghị cần áp dụng các công cụ mạnh hơn để trực tiếp hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trước hết là cần sử dụng công cụ tái cấp vốn với tỉ lệ chiết khấu phù hợp cho các ngân hàng thương mại để trực tiếp chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp công nghiệp, với mức giảm lãi suất bằng 30% so với mức lãi suất hiện nay trong thời hạn 12 – 24 tháng…
Bộ này đề nghị sửa đổi các quy định cụ thể tại Thông tư số 01, trong đó, về vấn đề cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thông tư quy định rõ thời gian cơ cấu nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay.
Tuy nhiên, trên thực tế, với diễn biến phức tạp hiện nay, dịch bệnh có khả năng tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp từ 6 đến 12 tháng tới, và sau đó doanh nghiệp cần thời gian phục hồi, vì thế đề xuất điều chỉnh thời gian kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ không vượt quá 18 tháng hoặc 24 tháng.
Nhiều quy định cơ cấu lại nợ, điều kiện tham gia còn phức tạp
Bộ Công thương cũng kiến nghị sửa đổi quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ vì theo quy định, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được quyết định trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của tổ chức tín dụng về khả năng trả nợ phù hợp mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Bộ Công thương cho rằng ảnh hưởng bởi dịch đã khiến hàng tồn kho của các doanh nghiệp tăng, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất.
Như vậy, hồ sơ chứng minh để đáp ứng các điều kiện cho vay sẽ bị ảnh hưởng, nguồn trả nợ sẽ không đáp ứng các quy định nội bộ của các tổ chức tín dụng. Do đó, cần điều chỉnh theo hướng đơn giản hóa hồ sơ chứng minh bị ảnh hưởng, nguồn trả nợ/điều kiện cơ cấu nợ.
Một bất cập nữa là Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đều chủ động đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất cho vay từ 0,5% – 1,0% so với thỏa thuận trước. Tuy nhiên, thực tế điều kiện để tham gia các gói tín dụng này đều rất phức tạp và việc giảm lãi suất như trên còn ít, chưa thực sự là đòn bẩy để thúc đẩy phát triển, cần có công cụ trực tiếp đến từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Với những phân tích trên, Bộ Công thương cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên có gói tín dụng cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn. Ví dụ như cho vay với lãi suất thấp, giãn thời gian trả nợ lãi cho khách hàng…