Doanh nghiệp kiệt quệ vì gần 5.000 tỉ đồng thuế bị ‘giam’
Doanh nghiệp kiệt quệ vì gần 5.000 tỉ đồng thuế bị ‘giam’
Bộ Tài chính đã viện dẫn nhiều lý do để không “hồi tố” khoản thuế lên đến gần 5.000 tỉ đồng đã thu trong hai năm 2017 – 2018 theo Nghị định 20 về áp trần tỷ lệ lãi vay các doanh nghiệp có hoạt động liên kết.
Điều này đang khiến gần 2.000 doanh nghiệp kiệt quệ.
Sai, dù với 1 doanh nghiệp cũng phải sửa
Trong báo cáo mới nhất về dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 điều 8 Nghị định số 20/2017 (NĐ 20) gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 3.4, Bộ Tài chính cho rằng: “Việc áp dụng hồi tố năm 2017 và 2018 có thể tạo cơ chế xin cho, gây khó khăn cho công tác quản lý thuế” để không hồi tố 2 năm thuế đã thu của doanh nghiệp (DN).
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, phân tích Bộ Tài chính dẫn khoản 1 điều 152 luật Ban hành văn bản pháp luật năm 2015, hiệu lực trở về trước (hồi tố) là “chỉ trong trường hợp cần thiết để đảm bảo lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân…” để cho rằng dự thảo NĐ sửa đổi chỉ điều chỉnh một nhóm đối tượng có chi phí lãi vay vượt quá mức khống chế, không phải là lợi ích chung của xã hội là không hợp lý. Vì cũng trong luật này, điều 156 quy định về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật nêu: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Do đó, việc áp dụng khoản 3 điều 8 NĐ 20 là trái luật thuế thu nhập DN thì phải sửa hoặc chỉ áp dụng theo luật thuế.
“Bộ dẫn ra những lý do để né tránh trách nhiệm là không đúng. Theo số liệu của Bộ Tài chính thì có hơn 2.000 DN bị ảnh hưởng từ quy định này. Chi phí của hơn 2.000 DN tăng lên cũng có nghĩa là hàng loạt giá thành hàng hóa, dịch vụ cung cấp ra thị trường của họ tăng lên, khiến bao nhiêu người dân bị ảnh hưởng. Vậy có được xem là lợi ích chung hay không? Quan trọng hơn, ở đây cần xác định là lợi ích chính đáng, hợp pháp của DN đã bị tước đoạt, nhiều DN phải nộp thêm tiền thuế lên đến vài chục hoặc vài trăm tỉ đồng. Quy định pháp luật sai thì cần sửa, không phân biệt gây thiệt hại cho DN trong hay ngoài nước, nhiều DN hay ít DN, dù chỉ ảnh hưởng 1 DN thì cũng phải sửa”, luật sư Trần Xoa nói và nhấn mạnh: “Khoản 3 điều 8 trái luật gây thiệt hại cho DN thì phải sửa, không lẽ chờ DN kiện ra tòa, lúc đó tòa sẽ xử theo nghị định hay theo luật? Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu sửa đổi để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho DN mà tôi cũng không hiểu sao Bộ Tài chính cứ viện dẫn các lý do để mà giải quyết”, ông Trần Xoa bức xúc.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty luật BASICO, nói thẳng, cách giải thích của Bộ Tài chính là không hợp lý bởi NĐ 20 đã chống nhầm đối tượng khiến hàng ngàn DN trong nước bị vạ lây. Đây chính là trường hợp thật cần thiết áp dụng quy định trở về trước vì quyền lợi của DN cần được đảm bảo.
Đặc biệt, lấy lý do ngân sách thiếu hụt hay nếu áp dụng gây rắc rối cho công tác quản lý thuế là tư duy quá cũ, không thích hợp trong bối cảnh Chính phủ đang khuyến khích phát triển số lượng DN tại VN lên nhiều hơn. Kiểu hành xử này đã đẩy toàn bộ khó khăn và rủi ro cho phía DN dù họ không làm sai.
“Tôi vẫn cho rằng NĐ 20 đã chống nhầm đối tượng nên cần sửa từ gốc chứ không chỉ sửa riêng khoản 3 điều 8. Thay vào đó, cần đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi NĐ 20 là chỉ áp dụng cho những DN có vốn đầu tư nước ngoài có quan hệ liên kết, có yếu tố chuyển một phần tiền ra nước ngoài mà không áp dụng cho các DN thuần Việt”, luật sư Trần Minh Hải nói.
Cho khấu trừ dần trong các năm tới
Trong báo cáo của mình, Bộ Tài chính cho biết chi phí lãi vay của các DN khi áp dụng NĐ 20 bị trừ năm 2017, 2018 tổng cộng hơn 4.875 tỉ đồng. Nếu phải hoàn trả số tiền này thì không có nguồn để thanh toán. Theo luật sư Trần Xoa, có thể cách giải quyết nhẹ nhàng là cho DN trừ vào 5 năm kế tiếp, khắc phục những thiệt hại mà DN đã phải chịu trong 2 năm qua. Việc giải quyết này cũng không phát sinh cơ chế xin cho hay phát sinh tiêu cực, nhất là khi cơ quan thuế đã nắm danh sách hơn 2.000 DN đã phát sinh thêm chi phí lãi vay nên biết rõ DN nào được điều chỉnh.
Hoàn toàn đồng ý với việc nên cho áp dụng trở về trước với việc sửa đổi NĐ 20, TS Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ – cho rằng trong tình hình các DN đều bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19 thì những chính sách nào có lợi cho DN phải làm ngay. “Nhà nước không phải xuất tiền ra trả lại ngay mà có thể cho phép DN khấu trừ dần trong các năm tới số tiền đã nộp dư thời gian qua. Đây là việc nên làm và cần làm ngay khi DN đã quá khó khăn vì dịch bệnh”, ông Ngân nói. TS Trần Hoàng Ngân phân tích: “Trong bối cảnh Chính phủ đang đưa ra nhiều giải pháp như giãn nộp thuế, cơ cấu lại nợ và thậm chí sắp tới sẽ còn nghiên cứu việc giảm các loại thuế, phí cho DN thì việc cho hồi tố, trả lại tiền đã thu thừa của DN là giải pháp tiếp sức để cộng đồng này vượt qua khó khăn”.
Thực tế, cộng đồng DN đang hết sức khó khăn. Theo Tổng cục Thống kê, 3 tháng đầu năm nay cả nước có 18.600 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có 12.200 DN chờ làm thủ tục giải thể và có 4.100 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tương đương cùng kỳ năm trước. Còn theo kết quả khảo sát, đánh giá tình hình các DN bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 được Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam thực hiện từ ngày 17.2 – 26.3, có 35% DN cho rằng chỉ cầm cự được 3 tháng nếu dịch bệnh kéo dài và 38% DN cầm cự được 6 tháng… Vì vậy theo các chuyên gia, việc triển khai giải pháp hỗ trợ các DN cần phải được thực hiện khẩn cấp và ngay lập tức để tránh số đơn vị có nguy cơ phá sản tăng cao. Trong đó hồi tố lại số tiền gần 5.000 tỉ đồng là giải pháp hiệu quả nhất hỗ trợ ngay cho DN trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” này.
THANH XUÂN – MAI PHƯƠNG
TNO