Hôm qua (4.4), truyền thông quốc tế tiếp tục thông tin việc Việt Nam lên án tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá, và yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường.
Sẽ còn nhiều hành vi hung hăng
Cùng ngày, trả lời Thanh Niên, TS James R.Holmes (Đại học Hải chiến Mỹ) nói: “Có lẽ, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các hoạt động “vùng xám” trong giai đoạn này. Bởi lâu nay, ASEAN vẫn chưa có những phản ứng hiệu quả và hiện tại thì các nước trong khối đang tập trung chống dịch, và Mỹ cũng rơi vào tình cảnh tương tự”.
“Trong thời gian tới, các lực lượng của Trung Quốc như hải cảnh, tàu dân quân, các tàu thăm dò sẽ còn có nhiều hành vi hung hăng hơn”, TS Holmes nhận định.
Trong thời gian tới, các lực lượng của Trung Quốc như hải cảnh, tàu dân quân, các tàu thăm dò sẽ còn có nhiều hành vi hung hăng hơn
Thực tế, lực lượng hải cảnh Trung Quốc (CCG) thời gian qua đã khiến nhiều nước trong khu vực lo ngại. Trong sự kiện căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc vào những ngày cuối năm 2019 và đầu năm 2020 tại khu vực phía nam Biển Đông, chính CCG đã hiện diện và có nhiều dấu hiệu “manh động” khiến Indonesia phải điều động tàu chiến cùng máy bay ra hiện trường. Cụ thể thời điểm trên, phía Trung Quốc sử dụng nhiều tàu cá và kèm theo là 3 tàu hải cảnh.
Tháng 3.2019, khi phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Philip Davidson khẳng định các tàu CCG “thường xuyên quấy nhiễu và đe dọa tàu cá Philippines hoạt động gần bãi cạn Scarborough cũng như đội tàu cá của những nước khác trong khu vực”.
Lực lượng vũ trang “núp bóng” dân sự
Từ năm 2013, CCG được thống nhất dựa trên sự sáp nhập các lực lượng hải giám (CMS), hải cảnh (cảnh sát biển của Cục Quản lý biên phòng – BCD), ngư chính (Cơ quan Đảm bảo thực thi pháp luật ngư nghiệp – FLEC), Tổng cục Hải quan và Cơ quan Hải dương Trung Quốc (GAC).
Mỹ tập trận, trực thăng phóng tên lửa trên Biển Đông
Hôm qua 4.4, tài khoản
mạng xã hội Twitter của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thuộc quân đội Mỹ đăng tải hình ảnh tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông, nhưng không thông báo chính xác thời điểm diễn ra cuộc tập trận.
Qua hình ảnh được công bố thì có cả nội dung máy bay trực thăng chiến đấu đa nhiệm AH-1Z Viper, thuộc lực lượng viễn chinh của thủy quân lục chiến Mỹ, phóng tên lửa AIM-9 Sidewinder (ảnh). Đây là loại tên lửa đối không tầm ngắn được sử dụng khá phổ biến trong quân đội Mỹ, với tầm bắn khoảng 35 km, tốc độ nhanh gấp 2,5 lần vận tốc âm thanh.
Trước khi sáp nhập, Cục Ngư chính đã có trên 140 tàu với 10 tàu hơn 1.000 tấn, hải giám có trên 280 tàu với 27 tàu trên 1.000 tấn. Theo một báo cáo hồi đầu năm từ Đại học Hải chiến Mỹ, CCG đang vận hành không dưới 80 tàu trên 1.000 tấn, trong đó có gần 30 tàu trên 4.000 tấn. Phần lớn tàu đều được vũ trang.
Điển hình như tàu Haijing 37111 hay Haijing 35111 thuộc cùng loại tàu có chiều dài 102,4 m, độ choán nước 2.300 tấn và tốc độ khoảng 20 hải lý/giờ (khoảng 37 km/giờ). Lớp tàu này trang bị pháo 76 mm cùng 2 pháo 30 mm.
Với tàu trên dưới 2.500 tấn của CCG thì từ 5 năm trước đã mang được 2 trực thăng chiến đấu đa nhiệm Z-9.
Từ năm 2016, Bắc Kinh đã triển khai tàu Hải cảnh 3901 có độ choán nước lên đến 12.000 tấn, tương đương với độ choán nước của nhiều tàu khu trục cỡ lớn. Chiếc tàu này cùng lớp với tàu Hải cảnh 2901 được biên chế trước đó.
Không chỉ có độ choán nước lớn, tàu 3901 còn được vũ trang pháo 76 mm ở phía trước cùng một số khẩu pháo khác. Lớp tàu này còn có nhà chứa và bãi đáp máy bay trực thăng mà khả năng là dùng để mang theo trực thăng chiến đấu đa nhiệm.
Chiêu trò của Bắc Kinh
Hải cảnh cùng với tàu dân quân về bản chất là lực lượng “
quân sự” bán chính thức mà Trung Quốc điều động tiến hành hoạt động để củng cố cái mà Bắc Kinh gọi là “chủ quyền” trên biển. Từng nhận định với
Thanh Niên, TS Holmes cho rằng tuy sử dụng các lực lượng này ra tuyến đầu, nhưng Trung Quốc còn có thêm quân đội phía sau. Nếu các nước khác dùng tàu quân sự phản ứng lại các tàu của CCG thì Trung Quốc sẽ lấy cớ để đưa hải quân vào cuộc.
TS Holmes đánh giá: “Trung Quốc sử dụng các lực lượng núp bóng “dân sự” như hải cảnh tự xưng là lực lượng chấp pháp trên
Biển Đông. Giữa vùng biển tranh chấp, lực lượng này đơn phương áp đặt luật lệ để Trung Quốc kiểm soát vùng biển dưới cái mác là quyền lực hợp pháp”.
Đó chính là chiêu trò mà Bắc Kinh theo đuổi trong dã tâm kiểm soát toàn bộ Biển Đông.