25/12/2024

Ngăn chặn tâm lý tiêu cực trong thời gian cách ly

Ngăn chặn tâm lý tiêu cực trong thời gian cách ly

Cách ly xã hội, hạn chế giao tiếp trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp là việc nhất định phải làm để bảo vệ sức khoẻ cá nhân và cộng đồng.
Người Ý giúp nhau vượt qua khủng hoảng bằng cách ra ban công chơi nhạc mỗi tối  /// Reuters

Người Ý giúp nhau vượt qua khủng hoảng bằng cách ra ban công chơi nhạc mỗi tối  Reuters
Tuy nhiên, không ít người trong chúng ta bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần bởi những cảm xúc tiêu cực, cảm giác đơn độc, mất kết nối…
Trường học đóng cửa. Trẻ con không được đến trường. Mọi người thức dậy buổi sáng, thay vì thay áo quần, chải tóc đến công ty, tay bắt mặt mừng, xuống đường uống ly cà phê nói chuyện phiếm với đồng nghiệp, bạn bè thì giờ đây, hầu hết phải ngồi ở nhà, làm việc qua mạng internet, điện thoại. Ngay cả khi ra đường, chúng ta phải đeo khẩu trang, nên sự giao tiếp chính diện giữa người với người trở nên hạn chế.
Một nghiên cứu gần đây của Trường King’s College London (Anh) trên tạp chí y khoa Lancet cho biết tình trạng cách ly xã hội gây tổn hại về mặt tâm lý đối với một số người. Trước hết là nỗi âu lo về sức khỏe của bản thân và người thân, cùng thấp thoáng nỗi sợ hãi về cảm giác bất lực trước tình huống chung dẫn đến khó ngủ, mất tập trung, không kiểm soát được cảm xúc. Việc tiếp nhận thông tin trong lúc này rất quan trọng. Các thông tin chính thống giúp mọi người bình tĩnh nhìn nhận vấn đề hơn.
Giáo sư Neil Greenberg, một trong những tác giả của nghiên cứu trên, nhận định trên Đài France 24 rằng truyền thông đóng vai trò lớn trong việc bảo vệ sức khỏe tâm thần của người dân hiện tại. Quá nhiều tin hành lang không chỉ làm cho người dân cảm thấy khó khăn khi đối mặt với việc cách ly mà còn trong việc đối phó với dịch bệnh.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra lời khuyên: “Tâm trạng rối rắm, sợ hãi trong thời gian này là diễn biến tâm lý bình thường. Khi thấy không ổn, hãy nói chuyện với người nào bạn biết và tin tưởng. Cố gắng đừng đọc, hay xem quá nhiều thông tin khiến bạn lo âu. Chỉ nên tiếp nhận thông tin đáng tin cậy một đến hai lần trong ngày”.
Sau sự căng thẳng bởi thông tin thì chúng ta đối mặt với sự chán nản kéo dài bởi các hoạt động trong nhà hạn chế hoặc bị lặp lại ngày qua ngày. Vì vậy, bằng cách này hay cách khác, nên thông qua sự phát triển của công nghệ: nhắn tin, gọi điện thoại, video call để giữ liên lạc, trò chuyện với những người thân quen. Trong những ngày giới nghiêm, người Ý thông qua mạng xã hội, đã hẹn nhau ra ban công mỗi tối để cùng chơi nhạc và hát quốc ca. Hành động này mang đến sự tích cực cần thiết trong giai đoạn khủng hoảng của họ.
Gần đây, một video thu hút 2,2 triệu lượt xem trên Twitter về một người đàn ông Tây Ban Nha dạy thể dục trên mái nhà của một tòa chung cư. Hàng chục cư dân đã tham gia lớp học ngay tại ban công nhà mình. Trong tình hình SARS-CoV-2 lan nhanh với tốc độ chóng mặt trên khắp cả nước, người Tây Ban Nha chấp hành lệnh cấm ra đường tụ tập, đồng thời họ vẫn tìm ra cách để các hoạt động giải trí, thể thao có thể tiếp diễn và cũng để duy trì giao tiếp cộng đồng.
Giáo sư Michael Friedman, chuyên gia y tế của Trường đại học Columbia ở New York (Mỹ), nhấn mạnh trên Đài CNBC rằng giữ giao tiếp với mọi người thông qua các kênh trực tuyến, bận rộn với các hoạt động khiến chúng ta thấy thoải mái và có ý nghĩa; ngoài ra, làm điều gì đó có thể giúp đỡ được người khác là cách bài trừ tâm lý tiêu cực rất hiệu quả.
Một hành vi có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần trong thời gian cách ly mà chúng ta cần lưu ý là việc lạm dụng thức uống có cồn và sử dụng chất kích thích. WHO cũng cảnh báo thuốc lá làm cho các triệu chứng của bệnh Covid-19 trở nên trầm trọng hơn.
Định nghĩa sức khỏe tâm thần
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sức khỏe tâm thần là bộ phận không thể tách rời trong định nghĩa về sức khỏe; trong đó, sức khỏe tâm thần không chỉ là không mắc các rối loạn về tâm thần, mà còn bao hàm trạng thái tâm lý cân bằng, thoải mái mà một cá nhân có khả năng nhận thức và đạt được, từ đó có khả năng đối phó với những áp lực thông thường của cuộc sống, khả năng làm việc hiệu quả và đóng góp cho cộng đồng. WHO cũng nhấn mạnh: Sức khỏe tâm thần có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tâm lý xã hội, như chiến tranh, bệnh dịch, nạn đói, di cư, biến đổi khí hậu…
MINH HOA
TNO