24/12/2024

Liên Hiệp Quốc kêu gọi bỏ trừng phạt, Mỹ đáp lời?

Liên Hiệp Quốc kêu gọi bỏ trừng phạt, Mỹ đáp lời?

Liên Hiệp Quốc vừa kêu gọi các nước, bao gồm Mỹ, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế đang áp lên Iran, Triều Tiên, Cuba, Venezuela, Syria và Zimbabwe để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người dân các nước này giữa đại dịch COVID-19.

 

Liên Hiệp Quốc kêu gọi bỏ trừng phạt, Mỹ đáp lời? - Ảnh 1.

Người biểu tình kêu gọi dỡ bỏ trừng phạt Iran và chấm dứt dịch COVID-19 ở Washington, Mỹ hồi tháng 3 – Ảnh: Codepink.org

Đó là thông điệp của bà Hilal Elver, báo cáo viên đặc biệt về quyền tiếp cận lương thực và là chuyên gia quyền con người của Liên Hiệp Quốc (LHQ), trong một thông cáo ngày 31-3 (giờ Mỹ).

Đó là một cơ hội tuyệt vời để người Mỹ xin lỗi và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt phi lý, bất công với Iran.

Tổng thống Iran HASSAN ROUHANI ngày 1-4 tuyên bố nước Mỹ đã bỏ lỡ một cơ hội lịch sử – đó là dịch COVID-19 – để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt với Iran.

Chuyện Mỹ cấm vận Iran

Lịch sử đã cho thấy rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương nói chung có tác động bất lợi và nhanh chóng lên các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, theo bà Elver. “Do đó phúc lợi của các thường dân đang chịu tổn hại nghiêm trọng” – bà đánh giá.

Câu chuyện căng thẳng Mỹ – Iran liên quan các biện pháp trừng phạt giữa dịch COVID-19 đã nhận được sự chú ý tại LHQ trong tuần này. Iran hiện nằm trong nhóm 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nhất do dịch COVID-19, với hơn 47.500 ca nhiễm và hơn 3.000 ca tử vong, tính tới chiều tối 1-4.

Giữa tháng 3, Iran đã yêu cầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho vay khẩn cấp 5 tỉ USD để chống dịch COVID-19.

Các quan chức Iran cảnh báo cuộc khủng hoảng có thể kéo dài thêm vài tháng và cướp đi thêm nhiều sinh mạng, đồng thời cáo buộc các biện pháp trừng phạt của Washington đã cản trở nỗ lực chống dịch của Tehran.

Theo báo Washington Post, thậm chí các đồng minh của Mỹ như Anh cũng đang kêu gọi chính quyền ông Trump giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt với Iran, vốn đang cản trở việc vận chuyển vật tư y tế và hỗ trợ nhân đạo cho 80 triệu dân của quốc gia Trung Đông này.

Hôm 31-3, Bộ Ngoại giao Đức thông báo các nước châu Âu gồm Đức, Pháp và Anh đã chuyển các trang thiết bị y tế tới Iran trong một vụ giao dịch đầu tiên theo cơ chế INSTEX, vốn được lập ra để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt với Tehran.

Đại dịch không biết biên giới

Vấn đề nới lỏng các trừng phạt với Iran ngày càng nhận được sự chú ý tại chính trường Mỹ. Một nhóm gồm hơn 30 nghị sĩ Mỹ, trong đó có thượng nghị sĩ Bernie Sanders, tuần này còn gửi thư tới các quan chức hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Donald Trump để kêu gọi tạm ngưng trừng phạt Iran, tạo điều kiện để nước cộng hòa Hồi giáo này đối phó dịch COVID-19.

Lá thư gửi tới Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin có đoạn: “Các đại dịch không biết biên giới. Việc cho phép cuộc khủng hoảng này trở nên thảm khốc hơn ở Iran có nguy cơ gây thiệt hại đáng kể cho không chỉ người dân Iran, mà còn người dân ở Mỹ và khắp thế giới”.

Theo lý giải, với việc nhắm tới cả nền kinh tế Iran, các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ khiến dân thường ở quốc gia hơn 80 triệu dân này khó tiếp cận những thứ vốn cơ bản trong cuộc sống như lương thực và các dụng cụ vệ sinh, y tế cần thiết để chống dịch.

Tuy nhiên, các trợ lý của Tổng thống Trump giải thích rằng những biện pháp trừng phạt hiện tại không cản trở năng lực chống dịch của Tehran, đồng thời không ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận lương thực và thuốc men của Iran. Ngoại trưởng Pompeo cũng khẳng định các vật tư y tế và hỗ trợ nhân đạo được miễn trừ khỏi các gói trừng phạt mà Mỹ áp lên Iran.

Nhưng trong một số bình luận ngày 31-3 cho thấy sự thay đổi trong giọng điệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Pompeo cho hay Washington có thể xem xét nới lỏng các biện pháp trừng phạt với Iran cùng những nước khác để tạo điều kiện chống dịch COVID-19. Song kế hoạch cụ thể ra sao vẫn chưa rõ, chỉ rõ là Iran đã lên tiếng trước rằng nước Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội lịch sử.

BẢO ANH
TTO