24/12/2024

Trung Quốc với chiêu trò ‘chạy tội’ tạo cớ gây căng thẳng trên Biển Đông

Trung Quốc với chiêu trò ‘chạy tội’ tạo cớ gây căng thẳng trên Biển Đông

Gần đây, tổ chức tham vấn SCSPI nổi lên như một đơn vị nghiên cứu chuyên công bố các báo cáo nhằm đổ lỗi cho nước khác liên quan tình hình Biển Đông.
Trung Quốc xây dựng nhiều hạ tầng trên bãi đá Chữ Thập, đồng thời triển khai vũ khí

 /// Ảnh: Mai Thanh Hải

Trung Quốc xây dựng nhiều hạ tầng trên bãi đá Chữ Thập, đồng thời triển khai vũ khí  Ảnh: Mai Thanh Hải
Một đơn vị nghiên cứu thuộc Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) vừa công bố báo cáo về tình hình Biển Đông, với nội dung gần như đổ lỗi cho nước khác về tình hình Biển Đông, đồng thời ẩn chứa dấu hiệu chủ động leo thang căng thẳng.
Ngày 30.3, tờ South China Morning Post, thuộc Tập đoàn Alibaba của tỉ phú Jack Ma, đăng bài phân tích US military operations in South China Sea increase risk of confrontation, think tank says (tạm dịch: Tổ chức tham vấn đánh giá các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông làm gia tăng nguy cơ đụng độ).

Đánh giá trách nhiệm

Theo đó, chính các hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực khiến cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng. Bài viết trên tổng hợp từ báo cáo về hoạt động quân sự của Mỹ trên Biển Đông, vừa được công bố vào ngày 28.3 bởi Sáng kiến minh bạch chiến lược Biển Đông (SCSPI) – Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc).
Đọc toàn bộ báo cáo vừa nêu dài 47 trang, thực tế chỉ cung cấp thông tin về một phía là Mỹ với các nội dung như Washington năm 2019 đã đẩy mạnh điều tàu chiến các loại từ tàu khu trục, tàu ngầm, tàu sân bay… hoạt động ở Biển Đông; thực thi tự do hàng hải (FONOP); tăng cường hợp tác quân sự và viện trợ quân sự với nhiều nước trong khu vực…
Báo cáo trên cũng cho rằng phía Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động như thế, đồng thời “nói quá” việc Trung Quốc tăng cường triển khai vũ khí để “bảo vệ chủ quyền” ở các rạn san hô, thực thể nhân tạo ở Biển Đông.

Chối bỏ thực tế

Rõ ràng, báo cáo trên đã quá phiến diện, thiếu khách quan để dẫn dắt bản chất tình hình Biển Đông theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Tạm bỏ qua động cơ của Washington khi tăng cường hoạt động quân sự trên Biển Đông, thì rõ ràng chính Bắc Kinh mới là nguồn cội của những động thái khiến thế giới cũng như các nước trong khu vực phải lo ngại.

Kẻ đàn – người hát

Gần đây, SCSPI nổi lên như một đơn vị nghiên cứu chuyên công bố các báo cáo nhằm đổ lỗi cho nước khác liên quan tình hình Biển Đông. Ngoài báo cáo ngày 28.3 về hoạt động quân sự của Mỹ, SCSPI vừa qua cũng đã tung ra báo cáo vô căn cứ khi cho rằng tàu cá VN “vây hãm” đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Trong khi SCSPI chuyên “sản xuất” báo cáo có lợi cho Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) của nước này lại có nhóm chuyên gia ra sức đăng tải các bài viết theo kiểu đánh tráo khái niệm, nhằm đổ lỗi cho các nước khác. Điển hình trong số này là các chuyên gia như TS Mark Valencia (học giả cao cấp của Viện Nghiên cứu Nam Hải) và ông Ngô Sĩ Tồn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải). Rất nhiều lần, TS Valencia đã dùng báo cáo của SCSPI làm “bằng chứng” cho luận điểm khi nhận xét về Biển Đông.

Cụ thể, từ trước khi Mỹ tăng cường các hoạt động quân sự vào năm 2019 như báo cáo trên kết luận, Trung Quốc đã có nhiều năm cấp tập xây dựng hạ tầng, quân sự hóa, bố trí vũ khí với hỏa lực hạng nặng trên các thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN. Cụ thể như từ năm 2016, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đã xây dựng xong đường băng dài 3.000 m, nhà chứa máy bay cỡ lớn… ở bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Cùng năm 2016, các hình ảnh khác cũng chỉ ra hiện trạng tương tự trên hai bãi đá Xu Bi và Vành Khăn (quần đảo Trường Sa) mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép.

Chỉ thời gian ngắn sau khi hoàn thành các cơ sở hạ tầng, Trung Quốc lại tiến thêm một bước là điều động nhiều loại máy bay quân sự đến khu vực này, dù chưa rõ có đồn trú hay không. Đến năm 2018, ngoài dấu vết máy bay quân sự tại các bãi đá này, những loại vũ khí như hệ thống tên lửa đối hạm YJ-12B, tên lửa đối không HQ-9B cũng đã được triển khai đến các bãi đá ở Trường Sa, theo hình ảnh vệ tinh và phân tích được công bố bởi Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ).
Đó là chưa kể các loại radar và nhiều phương tiện quốc phòng khác cũng được Trung Quốc đưa đến khu vực trên. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thường xuyên điều động chiến hạm thường xuyên xuất hiện tại Biển Đông và quấy phá nhằm vào các nước trong khu vực.

Mở đường tạo căng thẳng

Không chỉ “chạy tội”, phía Trung Quốc có dấu hiệu muốn tạo cớ để leo thang căng thẳng trên Biển Đông bằng cách tăng cường tập trận. Bằng chứng là ngày 29.3, tức 1 ngày sau khi SCSPI công bố báo cáo trên, tờ South China Morning Post đăng bài viết Beijing may step up drills in South China Sea amid rising tensions with US military, analysts say (tạm dịch: Chuyên gia nhận định Bắc Kinh có thể tăng cường tập trận ở Biển Đông giữa lúc căng thẳng gia tăng với quân đội Mỹ).
Chuyên gia mà bài báo dẫn trích là nhà phân tích Zhou Chenming từ Bắc Kinh (Trung Quốc) cho rằng Trung Quốc có thể xem các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông như “động lực” để tăng cường tập trận nhằm nâng cao khả năng tác chiến. Thực tế, trong 3 tháng vừa qua, Bắc Kinh cũng đã tiết lộ việc hải quân Trung Quốc tập trận trên Biển Đông – diễn biến mà giới chuyên gia quốc tế nhận xét là nhằm đe dọa các nước khác trong khu vực.
Chính vì vậy, những dấu hiệu trên ẩn chứa nguy cơ Trung Quốc “mượn cớ” để tăng cường tổ chức tập trận trên Biển Đông dẫn đến tình hình thêm căng thẳng.
NGÔ MINH TRÍ
TNO