18/11/2024

Những người nông dân nhạy bén, linh hoạt

Những người nông dân nhạy bén, linh hoạt

Sống với hạn mặn, người nông dân không chỉ dựa vào kinh nghiệm, cần cù, siêng năng, có những mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; còn đòi hỏi sự nhạy bén với thị trường và dám nghĩ, dám làm.
Vuông tôm của ông Diệp Văn Thận nằm giáp nhiều diện tích mía  /// Đình Tuyển

Vuông tôm của ông Diệp Văn Thận nằm giáp nhiều diện tích mía  Đình Tuyển

Đa dạng cây trồng

Cũng ở vùng đất màu mỡ, hai mùa mặn – ngọt Cù Lao Dung (Sóc Trăng), trên tuyến lộ nông thôn từ ấp Trương Công Nhựt về trung tâm xã An Thạnh Đông, giữa bốn bề ruộng mía đã khô lá, vườn rau xanh mơn mởn trong nhà lưới của ông Nguyễn Văn Việt (60 tuổi) như một điểm nhấn nổi bật. Ông Việt cũng là nông dân tiêu biểu của xã An Thạnh Đông, khấm khá nhờ nhạy bén trong chuyển đổi cây trồng.
Nhà lưới rộng 6,5 công, trồng rau muống, xà lách, cải xanh, cải ngọt, rau tần ô, cải dún… là nguồn thu nhập chính trong tổng số 2,6 ha đất trồng trọt của gia đình ông Việt. Khu vườn được ông Việt quây nhà lưới để tránh côn trùng cũng như sâu bọ gây hại. Hệ thống tưới béc phun sương, tiết kiệm nước cũng được lắp đặt. Đó cũng là thứ công nghệ giúp ích rất nhiều cho ông Việt, đặc biệt là trong mùa hạn mặn dữ dội này bởi nguồn nước ngọt phải sử dụng chắt chiu. “Nhìn chung làm nghề này không quá cực nhưng không khỏe như trồng mía. Ví dụ như vụ mía 12 tháng, người ta xuống giống, bón phân, đánh lá vài lần cộng lại cùng lắm 1 tháng. Trong khi làm rau phải làm quanh năm bất kể nắng mưa”, ông Việt so sánh.
Sống chung với hạn mặn: Linh hoạt giữa hai mùa nước1

Khu vườn rau trong nhà lưới đem lại nguồn thu 1 – 2 triệu đồng mỗi ngày cho gia đình ông Việt

Gia đình ông có 5 lao động gần như đều dốc sức cho vườn rau hiện đem lại nguồn thu nhập 1 – 2 triệu đồng/ngày, vào những ngày lễ tết nguồn thu này có thể tăng gấp đôi. Trước khi đến với rau nhà lưới, quá trình chuyển đổi cây trồng của ông Việt cũng hao công, tốn sức vô cùng. Người đàn ông 60 tuổi này từng có đến 40 năm trồng củ sắn, khoai lang. Cách đây 5 năm ông mới chuyển dần sang trồng chanh, trồng mía nước và đi đầu trong xã làm mô hình trồng rau nhà lưới như hiện nay. Nhờ sự chăm chỉ, chịu khó, giờ đây ngoài nguồn thu đều đặn từ rau, 1,3 công chanh mỗi năm cho ông Việt khoảng 3 tấn trái, trong đó 2 tấn ra trái nghịch vụ có giá bán tới 17.000 đồng/kg. Cùng với đó là 1,8 ha trồng mía nước. “Mới đây, mía bấp bênh quá, tôi đã thuê người xuống giống hơn 500 gốc dừa thay thế dần. Cây dừa có thể thu nhập không quá cao nhưng bù lại chi phí chăm sóc rất thấp, giá khá ổn định và đặc biệt là không sợ nhiễm mặn”, ông Việt nói và cho biết, theo kinh nghiệm của ông, khi địa phương chưa thể lo đầu ra ổn định cho một sản phẩm thì người nông dân cần nhạy bén “lấy ngắn nuôi dài”, đa dạng hóa cây trồng nếu diện tích đất sở hữu cho phép. Khi đó cây trồng ngắn ngày tuy tốn nhiều công sức nhưng mang lại nguồn thu mỗi ngày, còn cây lâu năm chính là thứ giúp nhà nông thu hoạch ổn định, lâu dài.

Vườn dừa xen vuông tôm

Tranh thủ giữa trưa, ông Diệp Văn Thận, Phó chủ tịch UBND xã An Thạnh Đông, H.Cù Lao Dung (Sóc Trăng), chạy xe máy ra thăm 3 vuông tôm rộng 1,1 ha của mình. Nhìn ra sông Cồn Cộc kế vuông tôm, ông Thận bảo, hiếm có nơi nào thuận lợi cho phát triển nuôi tôm nước lợ như xứ cù lao này. Năm nào cũng vậy, từ tháng 4 đến tháng 5, mùa mưa bắt đầu, nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về đẩy nước mặn ra biển. Tới tháng 10, 11 mùa khô bắt đầu thì độ mặn cũng gia tăng. Cứ thế, người dân nuôi tôm ở cù lao canh con nước sao cho vừa vặn từ 6 – 9‰ mà sản xuất quanh năm. Ông Thận kể, nhờ trước đây từng làm bí thư xã đoàn, có dịp đi nhiều nơi học hỏi các mô hình sản xuất tiêu biểu nên ông đã sớm thực hiện chuyển đổi cây trồng trên chính ruộng mía, vườn bưởi của mình. “Tự mình làm hiệu quả thì khi tuyên truyền, khuyến khích chuyển đổi cây trồng cũng dễ dàng thuận lợi hơn, bà con thấy có lợi ích rõ ràng thì sẽ tin và làm theo”, ông Thận nói.
Sống chung với hạn mặn: Linh hoạt giữa hai mùa nước2

Ngoài trồng rau, ông Việt trồng thêm chanh cho trái nghịch vụ để có thêm nguồn thu

Nhớ lại quá trình thay đổi cây trồng của mình, ông Thận kể, trước năm 2000, gia đình ông sống nhờ vào 2 ha bưởi năm roi và 1,1 ha mía. Tới năm 2005, vườn bưởi già cỗi, ông Thận mua hơn 500 gốc dừa trồng xen vô liếp. Hơn 2 năm sau, vườn dừa cho trái miệt mài hằng năm, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình. “Điều đáng mừng là sức sống cây dừa rất mạnh, nước nhiễm mặn tưới không hề hấn gì mà công chăm sóc rất ít. Một năm lại cho thu hoạch lai rai 7 – 8 lần thành ra nguồn thu gần như tháng nào cũng có”, ông Thận nói và cho rằng dừa là một trong những cây trồng rất phù hợp với tình hình hạn mặn hiện nay.
Chỉ tay về vuông tôm vừa thu hoạch ít hôm, ông Thận nói tiếp, bước ngoặt lớn nhất của ông là năm 2014 khi đưa ra quyết định chuyển hơn 1,1 ha mía sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Đó là một quyết định táo bạo bởi để chuyển từ 1,1 ha đất trồng mía này thành 3 vuông tôm, ông đã phải bỏ ra hơn 300 triệu đồng thuê máy múc vuông, kéo điện, mua máy guồng nước… Đến nay, con tôm đã không phụ sự nhạy bén, dám nghĩ dám làm của ông Thận. Chính 3 vuông tôm đã giúp gia đình ông trở nên khá giả, kinh tế vững vàng. Ông cũng là hình mẫu để nhiều bà con họ hàng, nông dân trong xã học hỏi làm theo. Tuy nhiên, với tư cách một lãnh đạo xã, ông Thận tỏ ra băn khoăn, khi việc chuyển từ trồng trọt sang nuôi tôm vẫn là một thử thách quá lớn với nhiều nông dân. “Đó là nguồn vốn bỏ ra rất nhiều mà không phải nông dân nào cũng kham được, thành thử việc chuyển đổi từ cây trồng sang nuôi tôm ở xã An Thạnh Đông cũng chỉ có mức độ. Chưa kể rủi ro giá cả, dịch bệnh. Trúng giá có thể lời nhiều nhưng rủi mà thất bại thì cũng dễ lâm cảnh nợ nần”, Phó chủ tịch UBND xã An Thạnh Đông nói và đưa ra ví dụ: “Như tôi, hôm trước thu hoạch 1 ao được 3,2 tấn tôm, thương lái xuống mua nói do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá giảm. Mình lưỡng lự có 2 ngày, giá rớt từ 95.000 đồng/kg xuống còn 75.000 đồng/kg, tính ra mất 60 triệu đồng”.
Đất đai, con nước dù thuận lợi nhưng giá cả nông sản nói chung lại là điều nằm ngoài tầm với của người nông dân. Không chỉ ở Cù Lao Dung mà khắp miền Tây, mỗi năm nông dân ngoài phải ứng phó hạn, mặn, biến đổi khí hậu, mỗi vụ thu hoạch về lại thắc thỏm lo âu chuyện đầu ra. (còn tiếp)
Theo UBND xã An Thạnh Đông (H.Cù Lao Dung, Sóc Trăng), năm 2018, 2019 cả xã có 122 ha đất chuyển đổi cây trồng, chủ yếu là từ mía kém hiệu quả sang cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản. Riêng diện tích mía chuyển sang nuôi tôm là 51 ha, nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của xã này lên 639 ha. Hằng năm giá tôm dao động từ 75.000 -100.000 đồng/kg, cao điểm có khi lên 140.000 đồng. Với giá thành nuôi tôm từ 70.000 – 75.000 đồng/kg thì giá bán tôm phải từ 100.000 đồng trở lên người nông dân mới thực sự có lợi nhuận.
ĐÌNH TUYỂN
TNO